Các cổ phiếu lớn đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index lấy lại đỉnh 830 điểm sau phiên điều chỉnh khá sâu ngày đầu tuần. Mặc dù dòng tiền vẫn có sự xoay vòng giữa một vài mã vốn hóa lớn nhưng mức độ lan tỏa ra thị trường chung còn khá yếu khiến thị trường đảo chiều giảm trong phiên hôm qua.
Một trong những điểm đáng chú ý trong những phiên gần đây là dòng tiền tham gia khá sôi động với sự đóng góp tích cực của giao dịch thỏa thuận ở một số mã lớn. Thậm chí, trong phiên 24/10 đã ghi nhận con số tổng giá trị giao dịch đạt kỷ lục nhất từ đầu năm, riêng sàn HOSE đã lên tới hơn 6.200 tỷ đồng.
Hiện thị trường đang vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và theo dự báo của một số công ty chứng khoán, dưới tác động của những con số này, thị trường được dự báo sẽ có diễn biến tăng, giảm đan xen cùng sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Theo nhận định của SHS, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể hồi phục trở lại với diễn biến phân hóa của các cổ phiếu và chỉ số vẫn dao động trong khoảng 826-835 điểm.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần 27/10, thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng rung lắc nhẹ ngay khi mở cửa do thiếu điểm tựa từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là sự điều chỉnh khá sâu của SAB và giao dịch thiếu tích cực của dòng bank.
Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng trở lại trường đua khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Cùng với lực đỡ đến từ một số mã lớn như VNM, GAS, VJC, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng tốc và tiến sát mức giá trần, giúp VN-Index lấy lại ngưỡng kháng cự mạnh 830 điểm và tiến bước trên con đường chinh phục đỉnh cao mới.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu đầu cơ khi đồng loạt cùng hồi phục và khởi sắc như FLC, ASM, HQC, KBC, SCR… Đáng kể, cặp đôi HAR và HAI nhanh chóng khoác áo tím với lượng dư mua trần khá lớn.
Trên sàn HNX, giao dịch diễn ra khá ảm đạm. Mặc dù có lúc chỉ số sàn đảo chiều hồi phục nhưng sắc xanh khá mờ nhạt và nhanh chóng bị đổi sắc do lực cung có phần áp đảo.
Cũng góp phần tô đậm cho nhóm cổ phiếu thị trường, KLF cũng đã bật tăng sau phiên điều chỉnh khá sâu ngày hôm qua. Hiện KLF tăng 2,5% lên mức 4.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn đạt hơn 3,4 triệu đơn vị.
Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử và các chỉ số đều giao dịch thiếu tích cực. Cụ thể, trong khi Vn-Index lùi về sát mốc tham chiếu thì HNX-Index rơi xuống mức thấp nhất trong phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 160 mã giảm/83 mã tăng, VN-Index tăng 0,61 điểm (+0,07%) lên 830,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 79,7 triệu đơn vị, giá trị 1.747,59 tỷ đồng, giảm hơn 16,1% về lượng và 14,71% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,94 triệu đơn vị, giá trị 356,6 tỷ đồng, trong đó VNM thỏa thuận 1,15 triệu đơn vị, giá trị 163,33 tỷ đồng.
Trên sàn HNX có 83 mã giảm và chỉ 41 mã tăng, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,55%) xuống 105,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,62 triệu đơn vị, giá trị 267,43 tỷ đồng, giảm 27,43% về lượng và 38,1% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 58.030 đơn vị, giá trị hơn 4 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn lác đác điểm xanh, trong đó sức nóng của ROS chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi tiếp tục được kéo lên trần về cuối phiên, lập mức giá cao kỷ lục mới 196.200 đồng/CP, tăng 7%. Như vậy, tính trong 1 tháng qua (từ ngày 28/9) đến nay, giá cổ phiếu ROS đã tăng tới 85,62%.
Trái lại, số mã giảm điểm chiếm áp đảo với 18 mã, với sự góp mặt của nhiều mã lớn như VCB, BID, GAS, SAB, BVH…
Không chỉ nhiều cổ phiếu bluechip chịu áp lực bán và quay đầu giảm điểm, nhiều mã thị trường cũng đảo chiều giao dịch trong sắc đỏ như KBC, SCR, ITA, thậm chí giảm sàn như QCG.
Trong khi đó, “người anh em” của ROS là FLC cũng chính thức lấy lại sắc xanh sau 2 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng khá hạn chế 0,4% và dù thanh khoản giảm mạnh với hơn 7 triệu đơn vị nhưng vẫn dẫn đầu thị trường.
Cặp đôi HAI và HAR duy trì sắc tím đến hết phiên giao dịch. Trong khi HAI khá vững chắc với lượng dư mua trần 3,23 triệu đơn vị và khối lượng khớp gần 4 triệu đơn vị, thì HAR có chút rung lắc nhẹ trong phiên.
Tương tự, nhóm HNX30 cũng hầu hết đều đứng dưới mốc tham chiếu với 17 mã giảm và chỉ 4 mã tăng, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường với các mã lớn điển hình như ACB, VCG, PVS, HUT, PLC…
Cổ phiếu KLF vẫn duy trì mức tăng 2,5% với khối lượng khớp lệnh dạt 4,39 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Đứng ở vị trí tiếp theo, SHB khớp 2,61 triệu đơn vị và DST khớp 2,12 triệu đơn vị. Còn lại các mã CEO, PIV, VCG và PVS cùng chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, sàn UPCoM cũng chốt phiên sáng nay trong sắc đỏ cùng thanh khoản giảm mạnh.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,65%) xuống 52,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,74 triệu đơn vị, giá trị 58,54 tỷ đồng, giảm 37,25% về lượng và hơn 56% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.
Sau 3 phiên giao dịch hưng phấn, cổ phiếu LPB đã đứng giá tham chiếu 13.500 đồng/Cp trong phiên sáng nay với giao dịch giảm mạnh chỉ đạt 508.500 đơn vị, tuy nhiên vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.
Đứng ở vị trí tiếp theo, QNS có khối lượng giao dịch đạt 332.900 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 51.500 đồng/CP, giảm hơn 8%.
Cùng với LPB, nhiều mã lớn như MSR, SCS, VIB, FOX, TLT cũng đứng giá tham chiếu, hay HVN, LTG, GEX, MCH đang giảm điểm, đã tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Trái lại, cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất - ART lại có phiên giao dịch bùng nổ. Sau phiên giảm khá sâu ngày hôm qua, ART đã hồi phục và bật cao với mức tăng 14,8%, chốt phiên tại mức giá trần 16.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 171.200 đơn vị.