Trong phiên hôm qua, với thông tin hỗ trợ tích cực từ quốc tế, dòng tiền chảy mạnh ngay khi mở cửa, VN-Index có thời điểm áp sát mốc 1.000 điểm. Nhưng ngay khi tiệm cận “ngọn núi” này, thị trường đã gặp lực cản và quay đầu đi xuống và diễn biến lình xình đi ngang quanh 995 điểm.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên, thị trường đã hụt hơi bởi áp lực bán gia tăng và để tuột mất ngưỡng 995 điểm khi đóng cửa.
Sau 6 phiên tăng liên tiếp và chỉ số đi lên chủ yếu nhờ một số nhóm cổ phiếu trụ cột thăng hoa, những cảnh bảo về điều chỉnh, thậm chỉ đảo chiều xu hướng đã được đưa ra.
Theo BVSC, cây nến nhỏ dạng doji xuất hiện phiên 25/2 cho thấy lực tăng của thị trường đang có dấu hiệu bị suy yếu sau khi chỉ số liên tục đi lên và vượt qua các vùng kháng cự mạnh trước đó.
Đây cũng có thể là tín hiệu cảnh báo khả năng hình thành mẫu hình nến đảo chiều “evening star” nếu thị trường xác nhận bằng các cây nến giảm điểm mạnh trong một vài phiên tiếp theo.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 26/2, sau nhịp rung lắc nhẹ quanh tham chiếu khi mở cửa, VN-Index đã nhanh chóng lùi sâu và xuống dưới 990 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Nguyên nhân chỉ số đi xuống vẫn là do những mã lớn quay đầu giảm giá do bị chốt lời, sau khi đã tăng mạnh gần đây, với 9/10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE đang giao dịch trong sắc đỏ.
Trong đó, nới rộng đà giảm đang là VNM, GAS, MSN. Ngoài ra, nhiều bluechip khác cũng mất điểm như PLX, MBB, ROS, VRE…
Tuy nhiên, dòng tiền lại có xu hướng dịch chuyển sang một số cổ phiếu thị trường, hoặc có thông tin hỗ trợ, điển hình như LCG, sau thông báo đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu của ông Phan Ngọc Hiếu, Thành viên HĐQT thì đã nhanh chóng tăng kịch trần từ sớm và thanh khoản nằm trong top 5 mã khớp lệnh cao nhất HOSE.
Theo nhiều nguồn tin nước ngoài cho biết vào hôm qua thì Bamboo Airways dự kiến ký thỏa thuận mua 10 máy bay Boeing 787 bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Điều này cũng đã kích hoạt dòng tiền chảy vào FLC, khi thanh khoản đang dẫn đầu và vượt trội phần còn lại trên thị trường cùng sắc xanh của cổ phiếu.
Một số mã cổ phiếu ngành thép vẫn đang trong xu hướng tích cực, trong phiên sáng nay ngoài HPG chỉ còn nhích nhẹ thì NKG và HSG tiếp tục nới rộng đà đi lên, trong khi TLH thậm chí còn có sắc tím.
Sau khi xuống dưới ngưỡng 990 điểm, chỉ số đã hồi nhẹ trở lại lên trên mức điểm trên, nhưng lực cầu thấp trong khi áp lực bán vẫn trực chờ tại nhóm cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index chỉ gần như đi ngang quanh ngưỡng trên đến hết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 124 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index giảm 4,21 điểm (-0,42%), xuống 990,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 142 triệu đơn vị, giá trị 2.745,4 tỷ đồng, tăng gần 12% về khối lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,33 triệu đơn vị, giá trị 439 tỷ đồng.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu lớn, vốn thay nhau dẫn dắt thị trường trong những phiên gần đây bị chốt lời và đồng loạt giảm là tác nhân chính kéo chỉ số đi lùi. Tuy nhiên, khá may mắn là đã hãm bớt đà rơi và kết phiên phần lớn chỉ giảm nhẹ.
Theo đó, trong top 10 mã lớn nhất HOSE thì giảm sâu nhất là VNM -1,7% xuống 149.000 đồng; MSN -1,4% xuống 89.900 đồng và GAS -1,3% xuống 97.900 đồng.
Còn lại như VIC -0,3%; VHM -0,2%; VCB -0,3%; SAB -0,04%; BID -0,6%; TCB -0,5%.
Các bluechip khác giảm mạnh cũng chỉ còn PLX -1,9% xuống 57.500 đồng; ROS -2,5% xuống 34.600 đồng; TPB -1,7% xuống 20.900 đồng và cá biệt EIB -4,5% xuống 17.000 đồng.
Ngược lại, vững sắc xanh hoặc hồi phục trở lại đáng kể có DHG +2,7% lên 112.000 đồng, cùng CTD +0,6% lên 136.800 đồng; GMD +1,6% lên 27.950 đồng; SBT +1,8% lên 20.150 đồng, và sắc xanh tại HPG, VRE, CTG, NVL...
Khớp lệnh cao nhất là HPG và CTG với lần lượt 3,5 triệu và 3,14 triệu đơn vị. Trong đó, HPG tiếp tục được khối ngoại mua bán mạnh, với 0,6 triệu đơn vị mua ròng.
Nhóm VRE, SSI, VPB, TCB, CII, STB, MBB, ROS có từ 1,5 triệu đến 2,62 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đáng chú ý có sự trái ngược của 2 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhât HOSE là AMD và FLC. Theo đó, trong khi FLC tiếp tục tăng 1,9% lên 5.400 đồng thì AMD lại giảm mạnh 5% (có thời điểm còn giảm sàn) xuống 2.460 đồng. AMD khớp 11,57 triệu đơn vị; FLC khớp 9,35 triệu đơn vị.
Một số mã khác nhận dòng tiền và tăng tốt như HAG +5,3% lên 5.790 đồng, khớp 8,15 triệu đơn vị; HSG +4,2% lên 8.880 đồng; LCG trở lại sắc tím +7% lên 9.840 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc nhẹ trong phần lớn thời gian phiên sáng, nhưng trong ít phút cuối đã mất đà và xuống dưới tham chiếu chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính giảm điểm.
Theo đó, ACB -0,7% xuống 30.800 đồng; SHB -1,3% xuống 7.500 đồng; NVB -1,2% xuống 8.600 đồng; PVI -0,3% xuống 33.600 đồng; MBS -0,7% xuống 15.300 đồng;
Bên cạnh đó còn có PVS -1% xuống 20.500 đồng; CEO -0,8% xuống 13.300 đồng; VC3 -0,5% xuống 22.000 đồng; TV2 -0,2% xuống 132.000 đồng...
Giao dịch tích cực chỉ còn VCS +4,1% lên 66.500 đồng; VCG +0,7% lên 27.600 đồng; TNG +0,5% lên 18.700 đồng.
Đáng chú ý nhất là VGC, khi tăng mạnh 5,8% lên 21.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với hơn 4,68 triệu đơn vị và khối ngoại giao dịch thỏa thuận 27,4 triệu đơn vị, giá trị gần 548,5 tỷ đồng, tương ứng 21.200 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 36 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,02%), xuống 107,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,6 triệu đơn vị, giá trị 328,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 31,3 triệu đơn vị, giá trị 575,7 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM diễn biến trái ngược 2 sàn chính, khi mở cửa tăng điểm và chạm mức cao nhất vào giữa phiên, mặc dù sau đó bị đẩy nhẹ xuống đôi chút và có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu, tuy nhiên kết phiên vẫn trong vùng tích cực.
Theo đó, tăng điểm hỗ trợ chỉ số có VEA, VGT, MPC, MIG, NTC, DVN, MSR, MCH...
Ngược lại, khá nhiều mã giảm như BSR, OIL, HVN, VGI, LPB, VIB, GEG, CTR, ACV, GVR...
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,29%), lên 55,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,7 triệu đơn vị, giá trị 110 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 270.000 đơn vị, giá trị 4,62 tỷ đồng.