Phiên giao dịch hôm qua, thị trường chứng khoán trong nước đã chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index lao dốc mạnh trong phiên sáng.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực cầu bắt đáy đã chảy khá mạnh, qua đó kéo VN-Index thu hẹp đà giảm khá nhiều, nhưng đóng cửa để mất mốc 900 điểm.
Theo SHS thì điều may mắn là các ngưỡng hỗ trợ quan trọng tương ứng với các đáy cũ vẫn được giữ vững lần lượt tại 880 điểm với VN-Index và 101 điểm với HNX-Index.
Đây là 2 ngưỡng sẽ cần được quan sát kỹ càng trong các phiên tiếp theo để xác định xem thị trường liệu có trụ nổi trên mức đáy cũ không, vì nếu mức đáy trên xuyên thủng thì sẽ là rất tiêu cực về mặt kỹ thuật và VN-Index có thể giảm xuống mức hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 800 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 26/12, với việc nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới nghỉ giao dịch dịp lễ Giáng sinh là cơ hội để thị trường trong nước, cũng như tâm lý nhà đầu tư không còn bị chi phối bởi các tác động bên ngoài.
Chỉ ít phút sau khi mở cửa, VN-Index đã giao dịch giằng co mạnh quanh tham chiếu với lực cầu dè dặt, thanh khoản suy yếu.
Tâm lý thận trọng tái diễn khi hầu hết các cổ phiếu đều chỉ biến động nhẹ không đáng kể, mặc dù trên bảng điện tử số mã tăng vẫn có phần vượt trội, nhưng trạng thái giao dịch rung lắc, giằng co vẫn là chủ đạo sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sự cân bằng hơn đến từ rổ VN30, khi có sự cân bằng nhất định giữa sắc xanh và đỏ, trong đó, điểm nhấn lại phải kể đến ROS. Sau 5 phiên liên tiếp tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần đi ngược thị trường chung, thì sang đến nửa đầu phiên sáng nay đã bị đẩy khá mạnh, hiện đã mất 2,3% xuống 41.050 đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn đáng kể là BID, khi đang giữ đà tăng tốt và tăng khoảng 2% sau hơn 1 giờ giao dịch trong bối cảnh các mã khác lình xình tăng giảm chưa đến 1%.
Sau khi giằng co mạnh quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, nhà đầu tư mất dẫn kiên nhẫn, lực bán dần dâng cao khiến sắc đỏ lấn át, VN-Index theo đó dần đi xuống dưới tham chiếu khi tạm nghỉ giờ trưa.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 112 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index giảm 4,11 điểm (-0,46%), xuống 893,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 62 triệu đơn vị, giá trị 1.201,38 tỷ đồng, giảm mạnh gần 60% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,2 triệu đơn vị, giá trị 371,4 tỷ đồng.
Thanh khoản suy giảm mạnh, trong khi lực bán luôn trong trạng thái sẵn sàng đã khiến hầu hết các cổ phiếu lớn, bluechip giảm, tuy nhiên, may mắn là đa số chỉ mất điểm nhẹ như VIC -0,3% xuống 101.600 đồng; VNM -0,4% xuống 124.100 đồng; GAS -0,9% xuống 85.000 đồng; VJC -0,1% xuống 121.800 đồng; VRE -0,3% xuống 29.700 đồng…
Giảm mạnh hơn đôi chút là VHM -1,5% xuống 72.400 đồng; TCB -1,3% xuống 26.050 đồng; HPG -1,6% xuống 29.900 đồng; BVH -1,5% xuống 90.600 đồng.
Đáng kể nhất là 2 mã bất động sản NVL -2,3% xuống 63.700 đồng và ROS -2,4% xuống 41.000 đồng.
Lác đác vài mã xanh là VCB +0,6% lên 53.000 đồng; MWG +0,1% lên 85.500 đồng; PNJ +0,1% lên 93.800 đồng; CII +0,6% lên 25.600 đồng; REE +0,5% lên 20.750 đồng; STB +0,8% lên 12.050 đồng, và đặc biệt TPB +2,6% lên 19.800 đồng.
Khá nhiều cổ phiếu đứng giá tham chiếu như SAB, BID, MSN, PLX, VPB, EIB, FPT, HSG…trong số này BID gây thất vọng lớn nhất khi đã có thời điểm tăng hơn 2,1%.
Khớp lệnh cao nhất là HPG, nhưng cũng có chỉ 1,34 triệu đơn vị; STB có 1,28 triệu đơn vị; CTG có hơn 1,23 triệu đơn vị; MBB có 1,18 triệu đơn vị; ROS có 0,9 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, nhưng sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. Tăng điểm đáng kể có FLC, ITA, HAG, AAA, PVD, AMD, HSL…khớp lệnh từ 0,2 triệu đến 1,8 triệu đơn vị.
Mặc dù thị trường giao dịch ảm đạm, nhưng có một số vẫn được nhà đầu tư quan tâm là DIC +4,1%; GMC +3,9%; TMS +4,3%; DHC +3,3%...
Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, nhưng cũng bị đẩy nhẹ xuống tham chiếu trong phần còn lại.
Hầu hết các mã lớn đều mất điểm nhẹ như VCS -1,1% xuống 74.200 đồng; VCG -1,7% xuống 23.600 đồng; VGC -1,1% xuống 18.100 đồng; CEO -0,8% xuống 12.700 đồng; PVS -1,7% xuống 17.300 đồng; NVB -1,2% xuống 8.500 đồng; MBS -0,7% xuống 13.900 đồng; SHB -1,4% xuống 7.100 đồng; SHS -0,8% xuống 12.400 đồng…
Tăng điểm chỉ còn TNG +0,6% lên 16.800 đồng; DGC +1,1% lên 45.000 đồng; TVC +0,8% lên 11.900 đồng. Trong khi đó, ACB, PVI, CDN, HUT, PVB đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản HNX cũng giảm mạnh, toàn sàn chỉ có 2 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là SHB và ART với 1,38 triệu cổ phiếu được sang tay.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,35%), xuống 102,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 130,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,07 triệu đơn vị, giá trị 28,1 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại tăng từ sớm và duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng đáng tiếc vào những phút cuối lại bị đẩy xuống dưới tham chiếu.
Sự phân hóa mạnh diễn ra với đà tăng của POW, OIL, VEA, VGT, HVN, DVN, QNS, ACV, VGI…
Ngược lại thì BSR, VIB, MSR, GEG…chìm trong sắc đỏ cùng nhóm LPB, MPC, KOS, MCH đứng tham chiếu.
Phiên sáng nay, cổ phiếu QPH có giao dịch khớp lệnh đột biến với gần 1,6 triệu cổ phiếu và tăng kịch trần +14,7% lên 29.600 đồng.
Nhiều khả năng đây là giao dịch mua của của CTCP Điện lực Trung Sơn, khi công ty này đăng ký mua gần 1,6 triệu cổ phiếu QPH từ ngày 26/12 đến 24/1/2019.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,07%), xuống 51,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,47 triệu đơn vị, giá trị 113,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,52 triệu đơn vị, giá trị 46,7 tỷ đồng.