Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm. Bên cạnh dòng tiền tham gia thận trọng, áp lực bán xuất hiện và gia tăng trong mỗi phiên giao dịch khiến các chỉ số trở lại trạng thái lình xình và rung lắc.
Tại thị trường quốc tế, diễn biến cũng đang trở nên tiêu cực hơn khi sự lây lan nhanh của virus Covid-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, cùng dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém đã khiến giới đầu tư sợ hãi thoát hàng trong phiên cuối tuần qua (21/2), đẩy chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ.
Bên cạnh đó, trong sáng nay (24/2), con số ca nhiễm virus Covid-19 ở các nước ngoài Trung Quốc tiếp tục tăng chóng mắt. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, ngay trong sáng nay 24/2, đã có tới hơn 760 người nhiễm bệnh. Điều này đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần.
Sự lo sợ và hoang mang đã được thể hiện rõ ngay khi mở cửa giao dịch khi áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến thị trường lao dốc mạnh. Chỉ số VN-Index để mất tới gần 25 điểm chỉ trong hơn 20 phút đầu giao dịch.
Tuy nhiên, ngay khi thủng mốc 910 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường nẩy lên, nhưng trong bối cảnh áp lực xả hàng lớn, chỉ số VN-Index chỉ thu hẹp chút ít đà giảm điểm.
Tại thời điểm 10h20, trên bảng điện tử, hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó nhóm VN30 cũng không có nổi mã nào giữ được nhịp tăng điểm. Qua đó, chỉ số VN-Index chỉ biến động lình xình dưới mốc 915 điểm.
Thị trường vẫn màu xám và tiêu cực hơn về cuối phiên khi sắc đỏ vẫn bao trùm trên diện rộng, trong đó nhiều mã lớn bé bị đẩy xuống mức giá sàn khiến VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ 35 mã tăng và co tới 301 mã giảm, VN-Index giảm 24,73 điểm (-2,65%), xuống 908,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 184,19 triệu đơn vị, giá trị 3.080,5 tỷ đồng, tăng mạnh 93,21% về khối lượng và 72,74% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (21/2). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,28 triệu đơn vị, giá trị 493,59 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép khi đà giảm tiếp tục được nới rộng về cuối phiên, trong đó cặp đôi CTD và ROS cũng dừng chân tại mức giá sàn, với ROS dư bán sàn hơn 1,6 triệu đơn vị.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm trên 1%, đáng kể các mã như VIC -2,73% xuống 106.900 đồng/CP, BID -4,44% xuống 47.300 đồng/CP, VNM -2,03% xuống 106.300 đồng/CP, CTG -4,64% xuống 24.650 đồng/CP, TCB – 5,84% xuống 21.750 đồng/CP, VRE -2,44% xuống 29.950 đồng/CP…
Bên cạnh ROS, nhiều mã vừa và nhỏ cũng chốt phiên trong sắc xanh mắt mèo như DLG, HAI, AMD, FIT, TSC, HAR, LMH… Cổ phiếu FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 11,62 triệu đơn vị và chốt phiên sát mức giá sàn, tại 3.760 đồng/CP với mức giảm 6,23%.
Tiếp theo đó về thanh khoản là cặp đôi ngân hàng MBB và CTG với khối lượng khớp lệnh đều đạt trên 8,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực xả bán cũng gia tăng về cuối phiên, đẩy HNX-Index giảm sâu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 23 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 3,31 điểm (-3,06%), xuống 104,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,66 triệu đơn vị, giá trị 480,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,2 triệu đơn vị, giá trị 49,16 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng tạo sức ép lớn lên thị trường, điển hình ACB -5,06% xuống 24.400 đồng/CP, PVS -4,88% xuống 15.600 đồng/CP, PVI -2,88% xuống 31.300 đồng/CP, PVB -2,55% xuống 15.300 đồng/CP, VCS -6,72% xuống 68.000 đồng/CP, VCG -2,02% xuống 24.300 đồng/CP…
Trong khi đó, dù chịu thêm áp lực bán của khối ngoại khi bị bán ròng tới gần 3,65 triệu đơn vị nhưng lực cầu trong nước giúp SHB đứng tại mốc tham chiếu 6.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 15,74 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là ACB khớp lệnh 6,52 triệu đơn vị và PVS khớp 2,86 triệu đơn vị.
Cũng như sàn HOSE, nhiều mã vừa và nhỏ cũng chốt phiên tại mức giá sàn như ART, KLF, PVX, SPI, SPP…
Thị trường UPCoM cũng giảm sâu trong phiên sáng đầu tuần do áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,33%), xuống 55,55 điểm với 23 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,14 triệu đơn vị, giá trị 120,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm hơn 11 tỷ đồng.
Cũng như trên thị trường niêm yết, nhiều mã lớn trên UPCoM cũng mất điểm như BSR -3,9% xuống 7.400 đồng/CP, GVR -5,17% xuống 11.000 đồng/CP, VGI -6,83% xuống 27.300 đồng/CP, VGT -5,68% xuống 8.300 đồng/CP, ACV -7,87% xuống 55.000 đồng/CP…
Bộ 3 cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch trong khoảng 1-1,5 triệu đơn vị gồm BSR, LPB và VIB, còn lại đều có mức thanh khoản dưới 1 triệu đơn vị.