Thị trường đang trên đà tăng tốc và vượt qua ngưỡng kháng cự 940 điểm với tốc độ nhanh chóng mặt, nên màn hạ đột cao và đột ngột lao dốc trong phiên chiều qua (23/11) đã khiến giới đầu tư giật mình. Tuy may mắn về cuối phiên giúp thị trường hồi nhẹ và đóng cửa với sắc xanh nhạt nhưng cú trượt chân mạnh này khiến chỉ số VN-Index trải qua phiên biến động mạnh lên tới 20 điểm và tâm lý nhà đầu tư dao động không nhỏ.
Theo nhận định của SHS, trong phiên cuối tuần 24/11, áp lực bán giá cao có thể khiến VN-Index giảm điểm trở lại để kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 930 điểm.
Không nằm ngoài dự đoán trên, lực bán tiếp tục dâng cao ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần khiến sắc đỏ lan rộng, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều bị nhấn chìm dưới mốc tham chiếu. Trong đó, cặp đôi có tác động lớn nhất tới chỉ số chung của thị trường là VNM và SAB giảm khá mạnh, đã nhanh chóng khiến VN-Index thủng ngưỡng kháng cự 930 điểm.
Đà giảm tiếp tục nới rộng khi sang đợt khớp lệnh liên tục đã đẩy VN-Index về dưới mốc 925 điểm, nhưng ngay khi thủng ngưỡng kháng cự này, lực cầu hấp thụ đã gia tăng giúp nhiều mã lớn hồi phục và thị trường dần lấy lại thăng bằng.
Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trong khi áp lực bán thường trực ở nhóm cổ phiếu bluechip vẫn khá lớn sau thời gian dài bứt phá khiến VN-Index không đủ sức để lấy lại mốc tham chiếu mà tiếp tục lao dốc.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt điều chỉnh sau những phiên giao dịch khởi sắc với VCB, BID, CTG, MBB, STB cùng giao dịch trong sắc đỏ, trong đó VCB giảm khá mạnh 1,88% và tạm đứng tại mức giá 47.000 đồng/CP sau hơn 1 giờ giao dịch.
Bên cạnh đó, các mã có vốn hóa lớn nhất thị trường cũng giao dịch thiếu tích cực như VNM, SAB, VIC, GAS, VRE, VJC… đều giảm điểm.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng chịu áp lực bán chốt lời, điển hình FLC quay đầu giảm 2,2% về mức 6.700 đồng/CP sau 8 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, cổ phiếu AMD tiếp tục tỏa sáng khi xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và hiện đang dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị. Thông tin được cho là hỗ trợ tốt cho đà tăng tốc của AMD là ngày 11/12 tới đây, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng băn bản về việc thay đổi tên và thay đổi ngành nghề kinh doanh của Công ty.
Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi tên và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, sau khi chia tay FLC Faros, AMD còn tính chuyện tăng vốn lớn khi ngày 22/11 vừa qua, UBCK đã cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng hơn 101 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1,568.
Sau hơn 1 giờ biến động mạnh, thị trường đã dần đi ngang trên mốc 930 điểm đến hết phiên giao dịch.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 138 mã tăng/125 mã giảm, VN-Index giảm 1,36 điểm (-0,15%) xuống 932,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,94 tỷ đồng, giá trị tương ứng 3.886,62 tỷ đồng, tăng 7,64% về lượng và 62,58% về giá trị so với phiên sáng qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp gần 13,6 triệu đơn vị, giá trị 1.434,6 tỷ đồng, trong đó riêng VNM thỏa thuận 6,4 triệu đơn vị, giá trị 1.100,8 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 800.000 đơn vị, giá trị 111,12 tỷ đồng.
Trong 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, có tới 6 mã giảm giá, 1 mã đứng giá (SAB) và 3 mã tăng nhẹ là ROS, GAS và BID. Tuy nhiên, đà giảm của các mã lớn đã được hãm lại đáng kể so với đầu phiên nhờ lực cầu hấp thụ tốt.
Cụ thể, VNM chỉ còn giảm nhẹ 0,22%, xuống 184.500 đồng, VIC giảm 1,83%, xuống 75.100 đồng, VRE giảm 0,8%, xuống 51.600 đồng/CP với khối lượng khớp 1,17 triệu đơn vị...
Tương tự, VJC, BHN cũng chịu áp lực bán chốt lời sau 4 phiên tăng mạnh với cùng mức giảm 0,8%, lần lượt chốt phiên tại mức giá 128.900 đồng/CP và 134.000 đồng/CP, còn cổ phiếu VIC giảm 1,8% về mức 75.100 đồng/CP.
Trong khi đó, FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với 8,98 triệu đơn vị được chuyển nhượng và chốt phiên đứng tại mức giá 6.720 đồng/CP với mức giảm gần 1,9%.
Trên sàn HNX, rung lắc cũng diễn ra khá mạnh và liên tục đổi sắc, tuy nhiên chỉ số sàn đã may mắn thoát hiểm và có được sắc xanh nhạt trong một vài phút cuối phiên.
Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%) lên 110,2 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 450 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng, trong đó riêng QNC thỏa thuận 1,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 6 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là điểm sáng trên sàn HNX với các mã đua nhau tăng mạnh, hỗ trợ khá tốt cho đà hồi phục của thị trường như PVS tăng 2,83% lên mức 18.400 đồng/CP, PVC tăng 2,7% lên mức 11.400 đồng/CP, PLC tăng 7,2% lên mức 26.800 đồng/CP, PVB tăng 3,6% lên mức 17.400 đồng/CP…
Trong đó, PVS giao dịch sôi động với 8,33 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công trong phiên sáng, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trên sàn UPCoM, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, chỉ số sàn đã quay đầu lao dốc và duy trì đà giảm đến hết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,94%) xuống 53,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,7 triệu đơn vị, giá trị 99,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 674.725 đơn vị, giá trị 28,53 tỷ đồng.
Sau 2 phiên khởi sắc, cổ phiếu LPB đã khá rung lắc trong phiên sáng nay và chốt phiên ở mốc tham chiếu 13.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn đạt 1,29 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã lớn như DVN, HVN, GEX, ACV, MSR, VIB, MCH… đều đảo chiều giảm điểm, là các tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống trong phiên sáng cuối tuần.