Trong phiên giao dịch hôm qua, mặc dù khá nhiều mã bluechips vẫn giao dịch khả quan, bên cạnh một số mã vốn hóa lớn giao dịch tích cực nhờ thông tin hỗ trợ như MSN, GAS, SAB, ROS, nhưng VN-Index vẫn giảm điểm và cũng là phiên giảm thứ 3 trong tuần, khi VNM tiếp tục giao dịch kém tích cực trước áp lực xả của khối ngoại, còn nhóm cổ phiếu tài chính cũng đồng loạt yếu đà.
Ngoài ra, sức cầu yếu cũng là nguyên nhân khiến đà tăng của VN-Index suy yếu. Trong phiên 22/12, thanh khoản thị trường giảm khá mạnh, khoảng 22% so với phiên trước đó. Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra, một phần do nhà đầu tư e ngại việc thị trường đang bị chi phối mạnh bởi nhóm cổ phiếu lớn, một phần là “tâm lý nghỉ lễ” khi trước mắt đã là Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, các chỉ số đều mở cửa trong sắc đỏ, khi lượng cung giá thấp chiếm ưu thế, nhất là tại nhóm cổ phiếu bluehips.
Nhóm VN30 số mã tăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chỉ ROS, MWG là tăng nhẹ. MSN, SAB và GAS là 3 mã tích cực nhất trong phiên hôm qua, thì hiện cũng đều giảm điểm. GAS giảm 1,6%, SAB giảm khá mạnh 2%... VNM cũng đang giảm nhẹ.
Lúc này, chỉ có nhóm cổ phiếu thép cho thấy sự cải thiện nhẹ, trong đó HPG, HSG bắt đầu tăng trở lại.
Tượng tự, đà giảm cũng đang xâm lấn trên nhóm cổ phiếu đầu cơ khi lượng hàng giá thấp chiếm ưu thế. Tuy nhiên, một số mã như FLC, FIT, GTN, HHS, HNG… lại có được sắc xanh nhạt.
Tâm lý giao dịch thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường, nên thanh khoản gần như mất hút. Sau 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ nhỉnh hơn 600 tỷ đồng. Hiện chỉ có đúng 2 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là HQC và HPG.
Trong bối cảnh sức cầu vẫn rất yếu, nhiều bleuchips cũng quay đầu giảm điểm, nên các chỉ số cùng nới rộng đà giảm về cuối phiên. Thanh khoản tiếp tục ở mức yếu, khi tổng giá trị trên 2 sàn chốt phiên dừng ở mức 1.400 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 23/12, với 143 mã giảm và 68 mã tăng, VN-Index giảm 4,09 điểm (-0,62%) về 660,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 71 triệu đơn vị, giá trị 1.258,3 tỷ đồng.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm đáng kể với 33,4 triệu đơn vị, giá trị gần 432 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 10 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 100 tỷ đồng; 13,17 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 47,4 tỷ đồng; 1,024 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 26,53 tỷ đồng; 1,4 triệu cổ phiếu KPF, giá trị 14,35 tỷ đồng.
Tương tự, với 62 mã giảm và 36 mã tăng, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,85%) về 79,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,6 triệu đơn vị, giá trị 158,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 0,255 triệu cổ phiếu VCS, giá trị hơn 30 tỷ đồng.
Trong các bluechips, chỉ còn HPG, KDC, REE, CII và PPC là tăng nhẹ. Trong đó, HPG vẫn là đầu tàu của nhóm cổ phiếu thép, với thanh khoản cao hơn 2,43 triệu đơn vị khớp lệnh.
VCB bất ngờ quay đầu tăng vào cuối phiên, cùng với ROS là 2 trong 10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE còn tăng điểm. Nhưng đà tăng của ROS cũng đã suy giảm đáng kể so với đầu phiên, khi kết phiên chỉ tăng 0,6% lên 110.100 đồng/CP và khớp được 1,79 triệu đơn vị.
VNM đã thu hẹp bớt đà giảm, ở mức 0,8% về 122.100 đồng/CP, khớp lệnh 0,734 triệu đơn vị. Trong khi đó, SAB vẫn giảm khá mạnh 2,2%, thanh khoản khá yếu với chỉ 22.750 đơn vị được khớp.
Cũng như nhóm bluechips, sắc xanh chiếm thế chủ đạo ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. HQC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 4,739 triệu đơn vị được sang tên, giảm 2,1% về 2.300 đồng/CP.
Ngoài ra, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị cũng chỉ có FLC, ITA, KBC. Như vậy, toàn sàn HOSE có đúng 6 mã có mức khớp từ 1 triệu đơn vị trở lên. FLC tăng nhẹ 0,2%.
Còn trên sàn HNX, có 4 mã đạt mức khớp trên 1 triệu đơn vị là PIV, KLF, CEO và SHN. Đáng chú ý, PIV tăng kịch trần lên 11.000 đồng/CP (+10%) và khớp 3,18 triệu đơn vị mà vẫn còn dư mua trần.
HNX-Index giảm mạnh về cuối phiên khi các mã lớn như ACB, DBC, PVS, PVC, VCS, LAS… đều nới thêm đà giảm.