Trong 3 phiên cuối tuần trước, VN-Index đã nhiều lần thử sức với ngưỡng cản 830 điểm sau khi lần lượt thiết lập đỉnh mới 10 năm trước đó. Tuy nhiên, đúng như các công ty chứng khoán nhận định, đây là “ngưỡng cản lịch sử”, nên mỗi khi chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng này, ngay lập tức lực bán gia tăng, đẩy chỉ số thoái lui trở lại và không một lần nào đóng cửa phiên giao dịch ở ngưỡng này.
Thậm chí, đã có 2 phiên, chỉ số này bị bán mạnh cuối phiên chiều và đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó đáng kể là phiên cuối tuần qua.
Lực bán này tiếp tục gia tăng mạnh hơn khi thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay, đẩy hàng trăm mã giảm giá, với sắc đỏ nhiều gấp hơn 2 lần sắc xanh. VN-Index có lúc bị đẩy về gần ngưỡng 820 điểm trước khi bật trở lại, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc lấy lại mốc 825 điểm.
HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn khi cả 4 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường là ACB, VCS, VCG, VGG đều chìm trong sắc đỏ, trong đó ACB và VCS giảm khá mạnh.
Cụ thể, chốt phiên sáng nay, VN-Index giảm 3,06 điểm (-0,37%), xuống 823,78 điểm với 65 mã tăng, trong khi có tới 179 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,36 triệu đơn vị, giá trị 2.131 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 275,26 tỷ đồng.
HNX-Index giảm tới 1,23 điểm (-1,14%), xuống 106,91 điểm với 50 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 25,55 triệu đơn vị, giá trị 351 tỷ đồng, tăng 18,5% về khối lượng và tăng 60% về giá trị.
Trên HOSE, trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã giữ được sắc xanh với mức tăng khá mạnh là VCB (+1,1%), SAB (+2,59%) và ROS tiếp tục duy trì đà tăng 1,57% sau 3 phiên tăng trần liên tiếp cuối tuần qua. Ngoài SAB, thanh khoản của ROS và VCB khá tốt với lần lượt 2,1 triệu đơn vị và 1,46 triệu đơn vị được khớp. Ngoài VCB, nhóm ngân hàng có có thêm VPB tăng giá với mức tăng nhẹ 0,36%, lên 41.450 đồng.
Đây chính là lực đỡ giúp VN-Index không giảm sâu. Nếu SAB và VCB không tăng mạnh, rất có thể VN-Index xuyên thủng luôn ngưỡng 820 điểm.
Trong nhóm VN30, VIC may mắn giữ được mức tham chiếu, trong khi có tới 25 mã đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC tiếp tục đăng ký mua thêm 37 triệu cổ phiếu FLC đã giúp mã này đi ngược xu hướng thị trường, dù đà tăng rất khiêm tốn, chỉ 1 bước giá lẻ. Chốt phiên, FLC được khớp 12,12 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.
Trong khi đó, “người anh em” HAI tiếp tục bị bán tháo mạnh và có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, xuống 10.350 đồng với 2,8 triệu đơn vị được khớp, nhưng lương dư bán sàn không còn nhiều.
Ngoài ra, nhóm này còn phải kể đến sắc xanh tại VOS, IDI, HHS…, trong khi các mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Trong khi đó, sàn HNX lại không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, thậm chí top 4 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, ACB giảm 2,21%, xuống 31.000 đồng với 1,49 triệu đơn vị được khớp, VCS giảm 1,32%, VCG giảm 3,13% với 3,37 triệu đơn vị được khớp, VGC cũng giảm nhẹ 1 bước giá. Trong khi đó, SHB may mắn có được mức giá tham chiếu 8.100 đồng với 3,46 triệu đơn vị được khớp.
Sắc đỏ cũng cũng xuất hiện trên UPCoM khi chỉ số UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,49%), xuống 54,12 điểm với 3,68 triệu đơn vị, giá trị 68,39 tỷ đồng được khớp. Giao dịch thỏa thuận có thêm chỉ 147.730 đơn vị, giá trị 2,75 tỷ đồng.
LPB và GEX là các mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn với 627.200 đơn vị và 532.600 đơn vị được chuyển nhượng, nhưng cả 2 đều giảm 2,31% và 3,1%.