Thiếu dòng tiền mạnh khiến thị trường chưa thể bứt phá. Tuy nhiên, lực đỡ từ một số bluechip đã giúp VN-Index từng bước tiến nhẹ trong những tuần gần đây. Cụ thể, với sự trở lại của dòng bank, thị trường đã giao dịch khởi sắc trong tuần vừa qua và chỉ số VN-Index đã vượt thành công thử thách 980 điểm.
Một trong những điểm đáng chú ý của thị trường là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, được giới phân tích đánh giá là một phần “chất xúc tác” hỗ trợ thị trường. Thống kê tính từ đầu tháng 7 đến nay, trong 14 phiên giao dịch, khối ngoại chỉ bán ròng duy nhất 1 phiên, còn lại mua ròng 13 phiên với tổng giá trị mua ròng trên thị trường đạt gần 1.934 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng, dù khối ngoại chiếm tỷ lệ không quá lớn trên thị trường nhưng tâm lý nhà đầu tư trong nước hướng về khối ngoại lớn nên khi lý nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua ròng cũng kích thích tâm lý lý nhà đầu tư nội gia tăng tỷ trọng giao dịch và ngược lại.
Đặc biệt, thị trường đang đối diện với ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng là 1.000 điểm nên việc có sự hỗ trợ từ khối ngoại cũng giúp rất nhiều cho thị trường trong lúc này.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần 22/7, diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường trở nên rung lắc.
Tuy nhiên, ngay khi bị đẩy xuống sát ngưỡng 980 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Sau hơn 40 phút nỗ lực, chỉ số VN-Index đã được kéo qua mốc tham chiếu và dần nới rộng biên độ tăng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên lình xình sau tuần giao dịch khởi sắc. “Ngôi sao sáng” trong tuần trước là VCB đã trở nên rung lắc và may mắn giữ được sắc xanh nhạt, trong khi đó, BID đang được thay thế nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Sau hơn 90 phút giao dịch, BID tăng 2,3% lên 35.700 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu cũng tăng khá tốt nhờ thông tin hỗ trợ tích cực. Điển hình như VJC đã được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận kế hoạch mua tối đa 25 triệu cổ phiếu (tương đương 4,61% vốn điều lệ) làm cổ phiếu quỹ, có thời điểm tăng gần 3,7% và hiện đang tăng hơn 2% lên 132.900 đồng/CP.
Điểm đáng chú ý là nhiều mã thị trường đang chịu áp lực bán và quay đầu giảm như HQC, HAG, FLC, SCR, HSG, ITA…
Sau khi lình xình giằng co quanh mốc 985 điểm, thị trường dần đuối sức do thiếu vắng trụ đỡ chính, thậm chí có lúc bị đẩy về dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán dần gia tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 177 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 0,71 điểm (+0,07%) lên 983,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên sáng cuối tuần trước (19/7) với 83,13 triệu đơn vị, giá trị 1.902,32 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,15% so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 323,55 tỷ đồng.
Một trong những nhân tố khiến thị trường kém tích cực hơn đó là hầu hết các mã ngân hàng đều quay đầu điều chỉnh, ngoại trừ cặp đôi BID và MBB vẫn giữ sắc xanh với mức tăng tương ứng 2,3% lên 35.700 đồng/CP và 0,5% lên 22.300 đồng/CP. Tuy nhiên, biên độ giảm của các mã không quá lớn, hầu hết đều chưa tới 1%.
Trong khi đó, các trụ đỡ lớn như VNM, VHM hay bluechip khác như SAB, SSI, NVL… vẫn giao dịch dưới mệnh giá.
Cổ phiếu ROS sau 2 phiên hồi nhẹ đã tiếp tục đảo chiều giảm trước áp lực bán khá lớn. Chốt phiên, ROS giảm 2,5% xuống mức giá thấp nhất 27.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 4,26 triệu đơn vị.
Trái lại, một số mã bluechip giao dịch khởi sắc giúp thị trường thoát hiểm trong những phút cuối phiên như MSN tăng 1,7% lên 79.000 đồng/CP, GAS hồi phục với mức tăng nhẹ 0,7% lên 106.700 đồng/CP, VIC cũng đảo chiều thành công khi tăng nhẹ 0,3% lên 116.400 đồng/CP, VJC tăng 1,9% lên 132.700 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã HQC, SCR, FLC, ITA, ASM, KBC… đều có thanh khoản một vài triệu đơn vị nhưng đầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, mặc dù mở cửa khá thuận lợi nhưng áp lực bán nhanh chóng xuất hiện khiến thị trường trở nên rung lắc và chính thức chốt phiên trong sắc đỏ trước sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, với 38 mã tăng và 63 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,29%) xuống 106,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,15 triệu đơn vị, giá trị 180,04 tỷ đồng, giảm 18,62% về lượng và 24,6% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 4,22 triệu đơn vị, giá trị 44,47 tỷ đồng.
Các mã bluechip đóng vai trò lực cản của thị trường như ACB, SHB, PVS, VCG… Đáng kể, trong nhóm HNX30 có L14 giảm 2,8% xuống 54.700 đồng/CP, TNG giảm 1,9% xuống 21.200 đồng/CP, CEO giảm 2,8% xuống 10.600 đồng/CP, CAP giảm 3,1% xuống 34.800 đồng/CP…
Trái lại, một số mã đi ngược xu hướng thị trường như MAS tăng 8,4% lên 45.000 đồng/Cp, DGC tăng 3% lên 30.500 đồng/CP, DP3 tăng 1,6% lên 64.000 đồng/CP…
Trong hơn 360 mã được niêm yết trên sàn HNX, chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị gồm SHB với 1,64 triệu đơn vị được khớp lệnh, PVS với gần 1,3 triệu đơn vị, CEO với hơn 1 triệu đơn vị.
Mặt khác, trên UPCoM, sau gần nửa đầu rung lắc và liên tục đổi sắc, thị trường đã bật tăng khá tốt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,77%) lên 57,98 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,19 triệu đơn vị, giá trị 121,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 8326.113 đơn vị, giá trị 13,29 tỷ đồng.
Các mã lớn hỗ trợ tốt cho thị trường như GVR tăng 2,9% lên 14.200 đồng/CP, BCM tăng 2,1% lên 28.600 đồng/CP, VTP tăng 1,5% lên 144.000 đồng/CP…
Trong đó, GVR giao dịch vượt trội với hơn 2,12 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công; tiếp theo đó là BSR với khối lượng giao dịch đạt 826.300 đơn vị.