Chỉ trong hơn nửa tháng, kể từ đầu tháng 10 đến nay, thị trường đã đón nhận nhiều phiên giảm sâu, thậm chí phiên 11/10 tiêu cực khi mất tới hơn 48 điểm, là phiên lao mạnh thứ 2 trong năm (chỉ sau phiên 5/2). Chỉ số VN-Index lần lượt mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1.000, 980, 960 điểm, với tổng mức giảm 58 điểm, tương ứng giảm 5,78% và kết phiên cuối tuần qua 19/10 tại mức 958,36 điểm.
Bên cạnh việc chỉ số điều chỉnh sâu, thị trường còn giao dịch không mấy tích cực khi thanh khoản liên tục giảm và giao dịch ở mức thấp, cùng với giao dịch nhà đầu liên tục bán ròng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, dòng tiền rất yếu trên thị trường cho thấy xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán là tiêu cực, việc phục hồi trong bối cảnh dòng tiền yếu sẽ chỉ mang tính kỹ thuật chứ chưa thể làm thay đổi xu hướng.
Mặc dù diễn biến thị trường sẽ tiếp tục chịu tác động có phần chi phối mạnh bởi yếu tố bên ngoài theo chiều hướng tiêu cực nhưng ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, yếu tố trong nước liên quan đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp lớn trên 2 sàn sắp tới được công bố, với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao được duy trì là bệ đỡ quan trọng cho xu hướng chung của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 22/10, thị trường đã nhanh chóng lấy lại thăng bằng sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip là động lực chính tiếp sức giúp thị trường bật tăng.
Tuy nhiên, giao dịch khá thận trọng, dòng tiền tham gia hạn chế khi sau hơn 1 giờ, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính chưa tới 1.000 tỷ đồng.
Sau những phiên giảm cuối tuần trước, các cổ phiếu trong nhóm cỏ bản ngân hàng, dầu khí đã đảo chiều hồi phục thành công, dù sắc xanh còn khá mờ nhạt nhưng đủ sức để giúp VN-Index đi lên và hiện đang giao dịch quanh mức 960 điểm.
Thị trường thiếu điểm tựa vững chắc cùng dòng tiền tham gia yếu khiến VN-Index thiếu chút nữa quay đầu điều chỉnh khi lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn sau khoảng hơn 90 phút giao dịch. Tuy nhiên, các mã vốn hóa lớn đã giúp thị trường giữ sắc xanh và lấy lại mốc 960 điểm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 120 mã tăng và 145 mã giảm, VN-Index tăng 3,97 điểm (+0,38%), lên 962,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 71 triệu đơn vị, giá trị 1.723,8 tỷ đồng, giảm 10,43% về khối lượng và hơn 8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước 19/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,78 triệu đơn vị, giá trị 204,7 tỷ đồng.
Tương tự, áp lực bán cũng gia tăng mạnh đã khiến sàn HNX bất ngờ đảo chiều sau khoảng gần 2 giờ giao dịch, tuy nhiên sự hồi phục của các cổ phiếu bluechip đã giúp HNX-Index thoát hiểm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 46 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,38%), lên 108,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ phiên trước 21,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 235 tỷ đồng, giảm 14,28% so với phiên sáng cuối tuần trước 19/10. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,31 triệu đơn vị, giấ trị 20,66 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE phần lớn đều khởi sắc, ngoại trừ TCB đứng giá tham chiếu và VNM giảm nhẹ 0,3% xuống 126.400 đồng/CP.
Trong đó, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí và ngân hàng vẫn là điểm sáng với các mã lớn tăng khá tốt như GAS tăng 1,5% lên 113.700 đồng/CP, VCB tăng 0,3% lên 57.900 đồng/CP, SAB tăng 1,1% lên 222.400 đồng/CP, BID tăng 2,3% lên 35.400 đồng/CP, CTG tăng 0,8% lên 24.900 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số mã vừa và nhỏ cùng ngành cũng đua nhau khoe sắc như MBB tăng 2,6% lên 21.500 đồng/CP, HDB tăng 1,1% lên 36.700 đồng/CP; PVD tăng 1,1% lên 18.900 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup cũng góp phần hỗ trợ thị trường như VIC tăng 0,3% lên 99.400 đồng/CP, VHM tăng 0,3% lên 75.000 đồng/CP, VRE tăng 2,8% lên 38.100 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường khá thấp, trong đó STB vẫn dẫn đầu trên sàn HOSE chỉ đạt 3,78 triệu đơn vị, tiếp theo đó là DIG có khối lượng khớp chưa tới 3 triệu đơn vị.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HNX có ACB tăng 0,6% lên 31.200 đồng/CP, VCS tăng 3% lên 76.200 đồng/CP, PVS tăng 2,4% lên 21.300 đồng/CP, VCG tăng 0,5% lên 19.000 đồng/CP, NTP tăng 0,2% lên 45.300 đồng/CP, PHP tăng 2,8% lên 11.000 đồng/CP.
Còn lại SHB và PVI cùng đứng giá; chỉ có VGC và DGC giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm tương ứng 0,6% xuống 16.700 đồng /CP và 2,8% xuống 48.600 đồng/CP.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX gồm SHB với 2,59 triệu đơn vị, PVS với 2,44 triệu đơn vị, KLF với 2,38 triệu đơn vị, ART với 1,73 triệu đơn vị, DST với 1,44 triệu đơn vị.
Trái với diễn biến giằng co trên sàn HNX, giao dịch trên sàn UPCoM khá lặng sóng và duy trì đà tăng suốt cả phiên sáng
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,31%), xuống 52,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,75 triệu đơn vị, giá trị 260,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 17,6 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn trên sàn UPCoM giao dịch khá khởi sắc như BSR, POW, VGT, VEA, DVN, HVN, OIL, VIB… đều tăng điểm.
Giao dịch trên sàn chủ yếu tập trung ở mã MPC. Trong khi hầu hết các mã chủ yếu giao dịch chưa tới nửa triệu đơn vị thì MPC có khối lượng giao dịch lên tới 4,44 triệu đơn vị và chốt phiên sáng tại mức 48.600 đồng/CP, tăng 9,46%. Đây cũng là mã được khối ngoại bán mạnh với khối lượng bán ròng gần 4 triệu đơn vị.