Phiên sáng 2/2: Lực bán vẫn mạnh, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

Phiên sáng 2/2: Lực bán vẫn mạnh, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

(ĐTCK) Lực bán vẫn diễn ra mạnh trên diện rộng, trong khi dòng tiền đã bắt đầu có sự thận trọng hơn, khiến VN-Index tiếp tục điều chỉnh về sát ngưỡng 1.090 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần.

Đánh giá về diễn biến thị trường chung, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, dù chỉ số VN-Index đã tăng hơn 100 điểm kể từ đầu năm, nhưng thực tế, mặt bằng chung nhiều cổ phiếu chưa có sự tăng trưởng nhiều. Khi các báo cáo tài chính cuối năm công bố, sẽ có sự phân hóa lớn và hình thành nhiều đợt sóng tăng ở những cổ phiếu ra tin tốt.

Ông Nguyễn Hông Khanh, Trưởng Phòng Môi giới, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, “Thị trường sẽ cần một vài phiên “nghỉ ngơi” và chỉ cần điều chỉnh thêm một chút thì dòng tiền sẽ vào nâng đỡ thị trường trở lại.

Bên cạnh đó, tâm lý người Việt vẫn có thói quen tất toán các giao dịch trước kỳ nghỉ lễ để có một kỳ nghỉ tết thoải mái. Đây cũng có thể là một trong lý do khiến thị trường chịu áp lực bán ra khá lớn trong những phiên giao dịch gần đây, khi thị trường chỉ còn 8 phiên giao dịch nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Sau phiên giảm khá sâu ngày hôm qua (1/2), thị trường vẫn duy trì sắc đỏ khi bước tiếp vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/2.

Sự hồi phục nhanh chóng trở lại ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục, nhưng áp lực bán vẫn khá lớn trong khi dòng tiền tham gia có phần thận trọng hơn sau những phiên rung lắc và điều chỉnh khá sâu vừa qua khiến thị trường lập tức quay đầu đi xuống chỉ trong thời gian khá ngắn.

Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là tội đồ chính khi đột ngột nhiều mã như VNM, SAB, ROS, PLX, VJC, MSN, VRE đồng loạt đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ giảm.

Nhận tín hiệu đỏ từ những “người anh cả”, các cổ phiếu khác trên sàn cũng dần chuyển sắc. Sắc đỏ trở nên lan rộng hơn trên thị trường, đẩy VN-Index và HNX-Index tiếp tục lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy hấp thụ khá tốt giúp các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng và bất động sản đua nhau khởi sắc, trở thành điểm tựa chính giúp thị trường đảo chiều thành công sau khoảng 1 giờ giao dịch, nhưng độ rộng chưa đủ lớn để giúp nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng tăng trở lại của thị trường.

Sắc xanh chỉ lóe sáng trong phút chốc và nhanh chóng bị dập tắt trước áp lực bán dâng cao. Đà bán ra ngày càng mạnh lên và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index giảm sâu và chốt phiên ở mức thấp nhất.

Với 166 mã giảm và 103 mã tăng, chốt phiên chỉ số VN-Index giảm 7,44 điểm (-0,68%) xuống mức 1.092,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108,35 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 3.285,1 tỷ đồng, giảm 36,95% về lượng và 27,15% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 12,78 triệu đơn vị, giá trị 477,92 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa sau diễn biến khởi sắc giữa phiên. Trong khi VCB, STB, CTG vẫn giữ được sắc xanh nhạt thì BID, MBB, HDB đứng ở dưới mốc tham chiếu. Trong đó, STB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với 7,24 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp đó là CTG với 6,26 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn giảm khá sâu là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống như MSN giảm 5,75% xuống mức 86.800 đồng/CP, GAS giảm 1,02% xuống mức 120.900 đồng/CP, SAB giảm 1,6% xuống 241.100 đồng/CP, ROS giảm 2% xuống 161.300 đồng/CP, PLX giảm 1,8% xuống 87.000 đồng/CP, VRE giảm 0,5% xuống mức 54.700 đồng/CP; đáng chú ý sau màn tăng vọt ngày hôm qua, cổ phiếu MWG đã lao dốc mạnh trong phiên sáng nay với mức giảm 5,4% và chốt phiên ở mức thấp nhất ngày 127.000 đồng/CP…

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như chứng khoán, bất động sản, xây dựng hiện đang chịu áp lực bán khá mạnh và hầu hết đều giảm điểm.

Trái lại, lực đỡ thị trường đến từ một số mã bluechip như VIC, CTG, VCB, NVL, VJC… nhưng đà tăng khá hạn chế.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng khá rung lắc. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,24%) lên 123,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,43 triệu đơn vị, giá trị 508,74 tỷ đồng, giảm mạnh 56,7% về lượng và 57,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 995.102 đơn vị, giá trị hơn 12 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tích cực, trong đó ACB tăng 1,2% lên mức 41.500 đồng/CP và khớp 2,75 triệu đơn vị; còn SHB tăng hơn 0,8% lên mức 12.500 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 7,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Bên cạnh đó, đáng chú ý là màn hồi phục khá ngoạn mục của hai mã lớn họ P sau những phiên liên tiếp lao dốc mạnh. Cụ thể, PVS sau 3 phiên liên tiếp lao dốc mạnh đã đảo chiều với mức tăng 2,8% lên mức 26.000 đồng/CP; PVC cũng khởi sắc sau 5 phiên giảm hoặc đứng giá, với mức tăng 4,5% lên mức 11.500 đồng/CP.

Mặt khác, các mã trong nhóm bất động sản lại giao dịch thiếu tích cực. Ngoại trừ VCG xanh nhạt, các mã lớn khác như VGC, HUT, CEO… đều quay đầu điều chỉnh.

Trên sàn UPCoM, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, chỉ số sàn đã đảo chiều giảm và đứng dưới mốc tham chiếu đến hết phiên giao dịch.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,84%) xuống mức 58,7 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,25 triệu đơn vị, giá trị 101,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 363.091 đơn vị, giá trị 5,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn ngành hàng không HVN có phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp, với mức giảm 3,1% và chốt phiên tại mức giá 50.400 đồng/CP. Đây cũng là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM với hơn 1,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Đứng ở vị trí tiếp theo, LPB có khối lượng giao dịch đạt 859.600 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 15.600 đồng/CP giảm hơn 3,1%.

Tin bài liên quan