Áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến gần hơn đến ngưỡng cản mạnh khiến thị trường có những nhịp rung lắc trong những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu lớn với nhiều mã khởi sắc đã thay phiên nhau làm điểm tựa giúp thị trường từng bước đi lên.
Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 20/9) cũng không ngoại trừ. Sau phiên sáng giao dịch khá ngập ngừng và giằng co, dòng tiền sôi động bất ngờ nhập cuộc ở phiên chiều giúp thị trường bật cao và chỉ số VN-Index đã chạm tới giấc mơ 1.000 điểm.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, phiên cuối tuần 21/9 sẽ có nhiều biến động, nhất là trong đợt khớp ATC do đây là phiên cuối cùng 2 quỹ ETF tiến hành cơ cấu lại danh mục. Tuy nhiên, các dự báo đưa ra đều khá tin tưởng vào việc VN-Index vẫn sẽ giữ được mốc trên 1.000 điểm và nhiều khả năng sẽ tiếp cận vùng kháng cự 1.020 điểm trong ngắn hạn.
Bên cạnh diễn biến thị trường trong nước tích cực khi chỉ số VN-Index sau hơn 3 tháng tìm kiếm đã chính thức chinh phục mốc 1.000 điểm, trên thị trường quốc tế cũng có giao dịch khởi sắc khi lo ngại chiến tranh thương mại giảm đi đã giúp nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh, đã kéo Dow Jones và S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới.
Bước vào phiên sáng cuối tuần 21/9, lực cầu vẫ duy trì khá tốt giúp thị trường tiếp tục tăng tốc, chỉ số VN-Index lên sát mốc 1.010 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị thu hẹp bởi áp lực bán gia tăng khiến một số mã lớn quay đầu giảm như VNM, SAB, TCB, VJC, ROS, NVL, VHM…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đã chịu áp lực bán sau những phiên giao dịch tỏa sáng. Điển hình GAS đảo chiều sau 4 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm 0,7% xuống 115.200 đồng/CP, còn PVD về mốc tham chiếu, PXS giảm 1,4% xuống 6.800 đồng/CP…
Thị trường đi ngang trong gần suốt phiên sáng thì bất ngờ lao nhanh về dưới mốc tham chiếu chỉ trong hơn 10 phút cuối phiên. Áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,06 điểm (-0,11) xuống 1.003,68 điểm với 106 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,14 triệu đơn vị, giá trị 3.372,69 tỷ đồng, tăng 40,78% về khối lượng và 28,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,75 triệu đơn vị, giá trị 400,62 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận 4,89 triệu cổ phiếu ROS, giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Tương tự, trên sàn HNX, áp lực bán cũng tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường đảo chiều giảm.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,27%), xuống 114,74 điểm với 34 mã tăng và 80 mã giảm. Thanh khoản cũng tăng đáng kể với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,93 triệu đơn vị, giá trị 565,22 tỷ đồng, tăng 71,72% về khối lượng và 56,44% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 49.990 đơn vị, giá trị hơn 350 triệu đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa với VCB tăng nhẹ 0,2% lên 64.500 đồng/CP, CTG tăng 1,5% lên 27.850 đồng/CP; trong khi đó, BID giảm 2% xuống 34.800 đồng/CP, TCB giảm 0,4% xuống 27.900 đồng/CP…
Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu thu hút mạnh dòng tiền, với CTG dẫn đầu thanh khoản trên sàn đạt 7,55 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí tiếp theo, VPB khớp 6,67 triệu đơn vị, STB khớp 6,57 triệu đơn vị, MBB khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, áp lực bán khiến các cổ phiếu họ P đua nhau giảm điểm như GAS giảm 0,1% xuống 115.900 đồng/CP, PLX giảm 0,4% xuống 71.000 đồng/CP, PVD giảm 1,6% xuống 17.900 đồng/CP, PXS giảm 4,6% xuống 6.580 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đảo chiều giảm như VHM giảm nhẹ 0,1% xuống 104.900 đồng/CP, VNM giảm 0,7% xuống 135.000 đồng/CP, SAB giảm 0,1% xuống 219.700 đồng/CP
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã cũng bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu như AMD, FLC, ITA, OGC, DLG, SCR, DIG, KBC… Trong đó, AMD và FLC cùng có khối lượng khớp hơn 5,1 triệu đơn vị và chốt phiên lần lượt giảm 2,89% xuống 3.700 đồng/CP và 0,33% xuống 6.030 đồng/CP.
Trên sàn HNX, trong nhóm HNX30 cũng chỉ có 5 mã tăng và có tới 18 mã giảm. Trong đó, bộ đôi cổ phiếu ngân hàng đang là má phanh giúp thị trường không giảm quá sâu. Chốt phiên, ACB tăng 0,6% lên 34.000 đồng/CP, SHB tăng 1,1% lên 8.800 đồng/CP.
Trái lại, họ dầu khí chỉ có PVI và PLC đứng giá tham chiếu, còn PVS giảm 2,1% xuống 23.100 đồng/CP, PVC giảm 1,3% xuống 7.800 đồng/CP, PGS giảm 2,6% xuống 30.100 đồng/CP…
Ngoài ra, một số mã khác nằm trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đảo chiều giảm, tác động tiêu cực lên thị trường như VCS giảm 1,3% xuống 98.000 đồng/CP, VGC giảm 1% xuống 18.900 đồng/CP, VCG giảm 0,5% xuống 18.200 đồng/CP, NTP giảm 0,2% xuống 48.400 đồng/CP.
SHB là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường với 14,64 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Tiếp đó là PVS với 4,5 triệu đơn vị, ACB với 4,26 triệu đơn vị; còn lại các mã HUT, TNG, MBG, NVB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, áp lực bán cũng khiến sàn UPCoM quay đầu, tuy nhiên chỉ số UPCoM-Index may mắn có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ ở một số mã lớn.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,28%), lên 53,14 điểm với 60 mã tăng và 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,16 triệu đơn vị, giá trị 332,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 27,33 tỷ đồng.
Các mã lớn hỗ trợ đà tăng của thị trường như LPB tăng 6,3% lên 10.100 đồng/CP, VEA tăng 6,1% lên 32.900 đồng/CP, OIL tăng 0,6% lên 16.100 đồng/CP, HVN tăng 2,1% lên 39.100 đồng/CP… Trong đó, LPB là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn với 4,96 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.