Cũng giống phiên đầu tuần, sáng qua (19/9), thị trường vẫn đón nhận những nhịp điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên dưới sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn, các chỉ số đã duy trì đà tăng khi chốt phiên sáng và VN-Index tiếp tục leo lên đỉnh cao mới.
Tâm lý hưng phấn vẫn duy trì khi bước vào phiên giao dịch chiều giúp chỉ số này nhanh chóng tiếp cận mốc 810 điểm. Tuy nhiên, với lực cầu chưa đủ mạnh cùng với áp lực bán gia tăng khi VN-Index vượt qua ngưỡng 810 điểm, đã khiến chỉ số này tuột dốc và lao về dưới mốc tham chiếu, kết phiên ở mức thấp nhất ngày.
Với diễn biến giằng co và thiếu sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu lớn, nhiều công ty chứng khoán đã nhận định trong phiên tới có thể VN-index sẽ tiếp tục điều chỉnh và kiểm nghiệm ngưỡng 800 điểm. Tuy nhiên, theo PHS, đây có thể chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật trước khi thị trường đón sóng kết quả kinh doanh quý III.
Bước vào phiên sáng 20/9, sau nhịp hồi phục nhẹ đầu phiên, thị trường đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ trước áp lực bán gia tăng với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Giao dịch diễn ra khá ảm đảm với sự thiếu vắng của dòng tiền. Sau hơn 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 750 tỷ đồng. Trong đó, các mã thị trường dẫn đầu thanh khoản như FLC, OGC, FIT, HQC cũng mới chỉ chuyển nhượng được vài ba triệu đơn vị.
Đáng kể, sau phiên hạ nhiệt hôm qua, nhiều mã đầu cơ tiếp tục giảm giá trước áp lực bán gia tăng trong phiên sáng nay như FIT, HQC, HAR, HAI, GTN, DLG…
Trong khi đó, cổ phiếu ROS tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ 0,5% với khối lượng khớp 1,15 triệu đơn vị, là cổ phiếu lớn giao dịch sôi động nhất và đang là mã có đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trái với diễn biến thiếu tích cực trên sàn HOSE, trên sàn HNX vẫn nổi lên nhiều điểm nóng. Trong đó, SHB khởi sắc cùng giao dịch tăng vọt, với mức tăng 2,5% và đã chuyển nhượng thành công tới 13,49 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Khối ngoại cũng đã hỗ trợ tốt cho đà tăng giá của SHB khi mua ròng 3,65 triệu đơn vị.
Bên cạnh SHB, cổ phiếu thị trường có tính đầu cơ cao là KLF tiếp tục có phiên khoác áo tím thứ 4 với lượng dư mua trần chất đống. Hiện KLF tăng 8,3% với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và dư mua trần 8,44 triệu đơn vị.
Thị trường vẫn tiếp tục xu hướng trái chiều trên 2 sàn chính đến hết phiên giao dịch cùng thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,05 điểm (-0,13%) xuống 804,88 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 78,76 triệu đơn vị, giá trị 1.630,28 tỷ đồng, giảm hơn 20% về lượng và 18,86% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 77 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,32%) lên 105,06 điểm với thanh khoản xấp xỉ phiên sáng qua đạt tổng khối lượng giao dịch 36,49 triệu đơn vị, giá trị 378,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,1 triệu đơn vị, giá trị 12,41 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNM đã hồi nhẹ vào cuối phiên với mức tăng 0,1%, trong khi đó SAB tiếp tục mất 0,7%, các cổ phiếu lớn cũng giao dịch thiếu tích cực như MSN giảm 2,3%, GAS giảm 1%, PLX giảm 1,4%, VIC giảm 0,4%, BVH giảm 0,2%..., là những tác nhân chính khiến VN-Index không thể hồi phục.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, ngoại trừ cổ phiếu lớn VCB. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, VCB đã đảo chiều và tăng khá tốt về cuối phiên nhờ thông tin trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Hiện VCB tăng 2% lên mức 38.150 đồng/CP với khối lượng khớp 1,23 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép diễn biến phân hóa dù đón nhận thông tin tốt về việc giá thép trong nước tăng kỷ lục. Trong khi HPG, POM, VIS tăng nhẹ trên dưới 0,5% thì HSG giảm 0,3%, VGS giảm 1%, còn NKG, TLH, DTL đứng giá tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi OGC và FLC vẫn duy trì đà tăng nhẹ và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh lần lượt 6,26 triệu đơn vị và 5,35 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, SHB vẫn duy trì sức nóng với khối lượng khớp lệnh lên tới 14,9 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng 3,56 triệu đơn vị. Chốt phiên SHB giữ mức tăng 2,53% và đứng tại mức giá 8.100 đồng/CP.
ACB cũng hỗ trợ khá tốt cho nhịp tăng thị trường, với mức tăng 0,71% và tạm đứng tại mức giá 28.300 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX vẫn là KLF với khối lượng khớp lệnh duy trì ở mức 4,1 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 8,3 triệu đơn vị.
Đây là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của KLF với tổng mức tăng 40,5%.
Trên sàn UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ giữa phiên nhưng chỉ số sàn đã phục hồi nhẹ.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên mức 54,47 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,92 triệu đơn vị, giá trị 78,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 490.757 đơn vị, giá trị 10,89 tỷ đồng.
Cổ phiếu GEX tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, chốt phiên tại mức giá 22.300 đồng/CP với mức tăng 3,2% và đã chuyển nhượng thành công 1,33 triệu đơn vị, vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn UPCoM.
Bên cạnh đó, LTG đã đảo chiều thành công sau 2 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,4% lên 51.500 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 55.200 đơn vị. Tương tự, ART cũng hồi phục tích cực với mức tăng 4,6% và chuyển nhượng thành công 305.500 đơn vị.