Sau 3 phiên giảm liên tiếp, nhóm cổ phiếu bluechip cùng các mã có vốn hóa lớn đã hồi phục tích cực giúp thị trường đảo chiều tăng điểm. Những tưởng VN-Index sẽ chinh phục lại mốc 775 điểm nhờ sự đồng thuận trên, nhưng khi tiến sát ngưỡng kháng cự này, áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến đà tăng bị thu hẹp đáng kể.
Mặc dù thị trường đã lấy lại sắc xanh nhưng thanh khoản không mấy cải thiện và dòng tiền vẫn chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu trụ đỡ trong khi nhóm VN30 tiếp tục giao dịch thiếu tích cực. Điều này khiến một số công ty chứng khoán nhận định tín hiệu đảo chiều của thị trường trong phiên hôm qua chưa đáng tin cậy.
Theo PHS, khả năng phiên hôm qua là phiên phục hồi kỹ thuật, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn.
Không nằm ngoài nhận định trên, thị trường bước vào phiên giao dịch 20/7 không mấy tích cực. Trong khi lực cầu tỏ ra khá yếu thì áp lực bán gia tăng mạnh khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, trong đó nhóm VN30 vẫn chưa tìm thấy ánh sáng, đã đẩy VN-Index nhanh chóng về dưới mốc 770 điểm.
Đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục do lực bán tiếp tục dâng cao. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, sau gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Nếu trong phiên hôm qua, các mã vốn hóa lớn như VNM, GAS, SAB làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, thì sang phiên sáng nay, cả 3 mã trên đều quay đầu giảm điểm, đáng kể SAB sau 5 phiên liên tiếp tăng điểm đã đảo chiều giảm 1,3%.
Không chỉ SAB, cổ phiếu lớn khác ngành bia là BHN cũng quay đầu điều chỉnh sau 6 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm 5,2% tạm đứng ở mức giá 89.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng giảm điểm như CTG, VCB, MBB, STB. Tuy nhiên, EIB sau phiên lao mạnh xuống giá sàn hôm qua đã hồi phục tốt trong phiên sáng nay với mức tăng 2,7%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAR tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Với mức tăng 7%, HAR leo lên mức giá 10.700 đồng/CP và ghi nhận phiên tăng trần thứ 14 liên tiếp. Trái lại, nhiều mã bất động sản khác lại đảo chiều giảm như FLC, ITA, SCR, HBC, PDR, NLG…
Trong khi dòng tiền không mấy cải thiện thì lực bán tiếp tục tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, các chỉ số đều giảm sâu.
Chốt phiên, với 185 mã giảm/70 mã tăng, VN-Index giảm 7,47 điểm (-0,97%) xuống 763,83 điểm. Thanh khoản nhích nhẹ so với phiên sáng qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 105,49 triệu đơn vị, giá trị 1.937,18 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 6,64 triệu đơn vị, giá trị hơn 185 tỷ đồng.
Trong khi đó, số mã giảm trên sàn HNX cũng gấp hơn 2 lần số mã tăng (110/46 mã), HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,74%) xuống 98,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,53 triệu đơn vị, giá trị 329,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 695.364 đơn vị, giá trị chỉ 3,74 tỷ đồng.
Nhóm VN30 và HNX30 tiếp tục giao dịch tiêu cực. Trong nhóm VN30 có 19 mã giảm, chỉ 6 mã tăng và 5 mã đứng giá, VN30-Index giảm 5,6 điểm xuống mức 732,17 điểm; còn HNX30-Index giảm 1,65 điểm (-0,9%) xuống 181,23 điểm khi có tới 22 mã giảm, 7 mã đứng giá và duy nhất IDV tăng nhẹ.
Các mã dẫn đầu vốn hóa thị trường như VNM, SAB, GAS, VCB, CTG, PLX… đều nới rộng đà giảm điểm với biên độ giảm từ 0,7-1,9%.
Thêm vào đó, các mã có thị giá cao cũng đua nhau giảm sâu như CTD giảm 2,4%, BMP giảm 6,33%, BHN suýt rơi xuống giá sàn với mức giảm 6%, MWG giảm 1,6%, VCF giảm 6,73%, RAL giảm 1,4%, VJC và DHG cùng giảm hơn 0,7%...
Không chỉ dừng lại ở các mã lớn, các mã thị trường cũng đua nhau giảm điểm như FLC, HQC, ITA, HAG, OGC, KBC, DLG…, thậm chí VHG quay đầu giảm sàn với lượng dư bán sàn 6,44 triệu đơn vị.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường, “tân binh” BWE cũng góp phần khá đơn lẻ khi là một trong ít mã tăng trần, tuy nhiên giao dịch của cổ phiếu khá hạn chế do vắng bóng lực cung. Chốt phiên, BWE tăng 19,9% lên mức 17.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 2.000 đơn vị và dư mua trần 1,74 triệu đơn vị.
Sàn HNX có phần tiêu cực hơn. Bên cạnh sắc đỏ lan rộng thị trường, sự suy giảm mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip, đã đẩy chỉ số sàn về mức thấp nhất trong phiên sáng nay. Trong đó, hầu hết các mã trong nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán đều đồng loạt quay đầu giảm điểm.
Cổ phiếu KLF đầu thanh khoản thị trường với 11,47 triệu đơn vị, tuy nhiên đã không giữ được sắc tím và tăng hơn 3%, tạm đứng ở mức 3.400 đồng/CP.
Tương tự, sàn UPCoM cũng lao mạnh về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán dâng cao.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,35%) xuống 56,1 điểm với 53 mã giảm và 27 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt gần 2,2 triệu đơn vị, giá trị 31,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng khá thấp với 42.650 đơn vị, giá trị chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Các mã lớn như GEX, MCH, MSR, TVB, FOX, VGT, DVN… đều giảm điểm. Trong đó, DVN giảm tới 5,9%, ghi nhận phiên giảm khá sâu thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn, đạt 422.000 đơn vị.
Trái lại, ACV tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc. Với mức tăng 2,5%, ACV tạm đứng ở mức 50.100 đồng/Cp và đã chuyển nhượng thành công 13.100 đơn vị.