Trong phiên giao dịch hôm qua, FLC đã nổi sóng lớn khi tăng lên mức trần 4.310 đồng với lượng dư mua trần có lúc lên tới cả chục triệu đơn vị. FLC nổi sóng sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC trong sự kiến giới thiệu cơ hội đầu tư vào FLCHomes cho biết, sẽ chi 1.500 - 2.000 tỷ đồng để nâng sở hữu tại Tập đoàn. Cùng với đó, ông cũng khẳng định mức giá của FLCHomes có thể lên tới 45.000 đồng/cổ phiếu và của Bamboo Airways không dưới 3 con số.
Cùng với FLC, làn sóng cũng lan sang nhiều mã thị trường khác, trong đó có nhiều mã trong họ FLC, ngoại trừ ROS.
Cũng trong phiên giao dịch hôm qua, sau nhiều phiên giảm giá do áp lực bán từ khối ngoại, cổ phiếu VNM đã đảo chiều bật dậy mạnh mẽ, cùng VCB kéo VN-Index lên thẳng mức cao nhất ngày khi chốt phiên.
Tưởng chừng đà hứng khởi của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay, giúp VN-Index lấy lại mốc 1.010 điểm, thậm chí có thể các mốc kháng cự cao hơn. Tuy nhiên, sau khi mở cửa với sắc xanh nhạt, VN-Index nhanh chóng quay đầu đảo chiều giảm điểm khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng, khiến số mã giảm chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Sự trở lại mạnh mẽ của VNM trong phiên hôm qua không được duy trì, mà mã này đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trở lại. Không chỉ VNM, sắc đỏ cũng xuất hiện tại VCB, VIC, GAS và nhiều mã bluechip khác.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,02 điểm (-0,40%), xuống 1.004,33 điểm với 123 mã tăng và 182 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,5 triệu đơn vị, giá trị 2.324 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,5 triệu đơn vị, giá trị 785,7 tỷ đồng.
Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ duy nhất MSN tăng nhẹ, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không lớn, trong đó 2 mã giảm lớn nhất là SAB và GAS giảm 1,2% xuống 248.000 đồng và 1,12% xuống 106.300 đồng.
Về thanh khoản, trong nhóm này chỉ duy nhất VRE có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (2,23 triệu đơn vị).
Mở rộng ra trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng biên độ tăng, giảm của các mã hẹp, chủ yếu trên dưới 0,5%. Có 2 mã giảm mạnh nhất là HPG và STB với mức giảm 1,54% xuống 22.450 đồng và 1,42% xuống 10.450 đồng.
Giao dịch cũng không mấy sôi động khi trong nhóm này chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó HPG có thanh khoản lớn nhất với 4,46 triệu đơn vị, tiếp đến là STB 1,5 triệu đơn vị và CTG 1,14 triệu đơn vị.
Trong khi đó, con sóng tại FLC cũng không thể kéo dài. Sau khi dư mua giá trần 4.310 đồng cả chục triệu đơn vị hôm qua, cổ phiều FLC tiếp tục được kéo lên mức trần 4.610 đồng khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không thể kiên nhẫn chờ đợi FLC tăng gấp 3, gấp 4 lần theo lời hứa mua vào của ông Trịnh Văn Quyết, mà chọn cách an toàn là nhanh chóng chốt lãi.
Do đó, khi FLC lên mức 4.610 đồng, lực cung đã được đẩy ra mạnh mẽ, hấp thụ hết lượng dư mua trần, kéo mã này lùi về mức 4.490 đồng. Dù nhận được lực cầu khá tốt và có lúc tưởng chừng về lại mức trần, nhưng lực cung cao đã cản bước tiến này.
Chốt phiên, FLC tăng 5,8% lên 4.560 đồng với 22,2 triệu đơn vị được khớp, cao nhất thị trường.
Trong khi đó, “người anh em’ ROS vẫn có sắc màu quen thuộc là màu đỏ, nhưng điều đáng chú ý là sáng nay khối ngoại mua vào khá lớn mã này với khối lượng hơn 1,1 triệu đơn vị. Chốt phiên, ROS giảm 1% xuống 24.750 đồng với 11,2 triệu đơn vị được khớp.
Các mã nhỏ khác cũng đa số chìm trong sắc đỏ, thậm chí DIC, TSC, HCD đóng cửa ở mức sàn và còn dư bán giá sàn. Trong đó, DIC là mã có biên độ dao động lớn nhất, từ mức trần 2.390 đồng xuống mức sàn 2.090 đồng.
Trên HNX, diễn biến cũng giống sàn HOSE khi HNX-Index chỉ chớm xanh trong ít phút đầu phiên sau đó nhanh chóng đảo chiều và giao dịch suốt thời gian còn lại trong sắc đỏ với thanh khoản sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch chưa tới 100 tỷ đồng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,3%), xuống 105,17 điểm với 36 mã tăng và 46 mã giảm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,1 triệu đơn vị, giá trị 92 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,31 triệu đơn vị, giá trị 19 tỷ đồng.
Trên sàn này sáng nay không có mã nào khớp tới 1 triệu đơn vị, cao nhất là KLF cũng chỉ 0,84 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 1.300 đồng. Tiếp đến là PVS với 0,61 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,06% xuống 18.700 đồng.
Ngoài PVS, các mã lớn khác trên sàn HNX như ACB, VCG, NVB cũng giảm giá khi đóng cửa, trong khi đó VCS tăng nhẹ 0,46% lên 87.300 đồng, SHB tăng 1,54% lên 6.600 đồng.
Diễn biến trên thị trường UPCoM cũng giống 2 sàn niêm yết và thanh khoản cũng sụt giảm mạnh.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,38%), xuống 56,8 điểm với 48 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ 3,74 triệu đơn vị, giá trị 53 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,76 triệu đơn vị, giá trị 13,5 tỷ đồng.
Trên thị trường này, mã có thanh khoản tốt nhất là SBS với 0,76 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa ở mức sàn 1.000 đồng.
BSR là mã có thanh khoản lớn thứ 2 nhưng chỉ khớp 0,45 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,98% xuống 10.100 đồng.