Tiếp nối sóng tăng của phiên cuối tuần trước, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay khá hồ hởi. Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng đến 4,63 điểm.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn tăng mạnh với sự dẫn dắt của các bluechip như VNM, VIC, GAS…, đặc biệt là BVH và MSN khi 2 mã này vọt lên tăng trần, với lượng dư mua trần khá lớn.
Cuối tuần trước, quỹ Market Vector ETF huy động được thêm 100.000 chứng chỉ quỹ nên hôm nay có thể là ngày giải ngân của Quỹ, cũng phần nào tác động nên tâm lý tích cực chung của thị trường.
Sau đợt tăng như vũ bão những phút đầu giao dịch, từ 10h trở đi, giao dịch trên thị trường có xu hướng chậm lại, điểm số được giữ quanh vùng 556 điểm, thanh khoản cũng chỉ nhích dần. Trong khi đó, trên sàn HNX, sắc đỏ bắt đầu chiếm lĩnh thị trường khi các mã dẫn dắt không còn giữ được đà tăng.
Diễn biến này kéo dài đến gần hết phiên giao dịch, mặc dù có đôi lúc VN-Index chạm qua mốc 558 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index quay về mốc 554,44 điểm, mất gần 2 điểm so với thời điểm trước đó mấy phút khi GAS bất ngờ quay về giao dịch tại giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,9 triệu đơn vị, trị giá 1.254,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,3 triệu đơn vị, trị giá 45 tỷ đồng.
Góp phần vào đà tăng của VN-Index vẫn chủ yếu đến từ các mã bluechip. Trong đó, tăng mạnh nhất là STB, MSN, BVH. Kết thúc phiên, cả 3 mã này đều giữ vững giá ở mức trần. Riêng HPG, cũng có thời điểm chạm giá trần, nhưng so lực xả hàng chốt lời của các nhà đầu tư, khiến HPG không trụ được trên đỉnh giá.
Ngoài các mã trên, cũng phải kể đến đà tăng của DPM, VCB, HSG, đặc biệt VIC. Với mức tăng 4,8%, tương đương 3.500 đồng/cp, việc ở hữu đến 333,6 triệu cổ phiếu VIC của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng, giúp khối tài sản của gia đình ông Vượng tăng thêm hơn 1.167 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu VIC đã chạm đến mốc 72.500 đồng/cp, tăng 4.500 đồng so với cuối tuần trước.
Quay trở lại với diễn biến vào những phút cuối khi kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, yếu tố kéo thị trường giảm mất 2 điểm do tác động từ GAS, khi mã này bất ngờ rời về mốc tham chiếu. Ngoài ra, một số mã khác như PPC, OGC, CTG, PVT cũng quay về tham chiếu.
Hai mã cổ phiếu gây chú ý trên HOSE phải kể đến là ITA và FLC. Mặc dù có lực mua lớn từ khối ngoại, đạt đến 1,54 triệu đơn vị trong tổng số 5 triệu cổ phiếu được giao dịch, vẫn không kéo ITA lên sắc xanh. Trong khi đó, sau sóng dài tăng điểm, FLC vẫn trong chiều hướng giảm điểm. Tuần qua, FLC cũng là 1 trong 10 mã giảm mạnh nhất sàn HOSE. Tuy nhiên, cả ITA và FLC vẫn duy trì thanh khoản tốt nhất sàn.
Với các cổ phiếu nhỏ, trong phiên hôm nay gần như không có nhiều tác động đến sự biến động của thị trường. Điểm nhấn duy nhất có lẽ là HQC, mặc dù giảm sàn nhưng khớp được đến 4,78 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn sàn.
Trên sàn HNX, dòng tiền vẫn được chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ với thanh khoản tương đối tốt, tuy nhiên, hầu hết các mã này lại không giữ được đà tăng nhẹ của những phút đầu phiên, kéo HNX-Index chìm trong sắc đỏ.
Cụ thể, SCR (-2,66%); VND (-1,5%); KLS (-1%); ACB (-0,6%)…
Ngoài ra, đà giảm của nhóm dầu khí PLC< PVE, PVL, PGS, PVG cũng tác động đến đà giảm của thị trường.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,4%) xuống 72,49 điểm, tổng khối lượng giao địch đạt gần 35 triệu đơn vị, trị giá 350,26 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 54 tỷ đồng (chủ yếu của 2 mã dầu khí PVG và PVS).
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 35 mã với khối lượng 3,5 triệu đơn vị trên HNX, và 102 mã với khối lượng 9,2 triệu đơn vị trên HOSE. Đồng thời bán ra 15 mã với khối lượng 360.602 đơn vị.
Toàn sàn có 149 mã tăng, 246 mã giảm và 100 mã đứng giá.