Mặc dù có thời điểm được kéo lên gần ngưỡng 730 điểm nhưng áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường rung lắc và VN-Index đã quay đầu giảm điểm trước sự điều chỉnh từ nhiều mã tăng nóng cùng gánh nặng đến từ bộ đôi lớn VNM và ROS.
Tuy nhiên, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp thị trường không quá giảm sâu. Tín hiệu xấu chưa xuất hiện nên một số công ty chứng khoán đã dự báo khả năng VN-Index sẽ có sự hồi phục trong phiên cuối tuần ngày 19/5.
Không nằm ngoài dự đoán trên, cả 3 sàn đều mở cửa trong sắc xanh ngay đầu phiên 19/5 với điểm tựa chính là các cổ phiếu bluechip.
Dù đà tăng còn khá thận trọng, nhưng hầu hết các mã trong nhóm bluechip đều có được sắc xanh. Sau hơn 30 phút giao dịch, trong nhóm VN30 có tới 20 mã tăng và chỉ 5 mã giảm, còn HNX30 cũng chỉ có 3 mã giảm và 13 mã tăng.
Trái lại, mã lớn ROS sau những phiên lình xình đã tiếp tục giảm sâu trong sáng nay. Hiện ROS giảm 4,3% xuống mức 150.400 đồng/Cp, đây là mức giá thấp nhất trong hơn 2,5 tháng qua (kể từ ngày 1/3).
Sau những phiên giao dịch sôi động, thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt, dòng tiền tham gia có phần hạn chế khiến thanh khoản suy giảm mạnh. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính chưa đạt tới 1.000 tỷ đồng.
Trong khi lực cầu có phần thận trọng thì áp lực bán gia tăng khiến đà tăng có dấu hiệu giảm lại. VN-Index chính thức quay đầu đi xuống trước sức ép đến từ một số mã lớn như VNM, VIC, ROS.
Sau nhịp rung lắc nhẹ và điều chỉnh giữa phiên, VN-Index đã bật ngược trở lại và hồi phục tích cực nhờ dòng tiền chảy mạnh. Đà tăng được nới rộng ở các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng cùng các trụ cột đã kéo chỉ số này chinh phục thành công mốc 730 điểm và vượt qua vùng đỉnh cũ.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,61%) lên 731,41 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 108,74 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.571,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,07 triệu đơn vị, giá trị 82,77 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm HNX30 cũng làm tròn nhiệm vụ nâng đỡ thị trường, giúp HNX-Index chinh phục mốc 92 điểm.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,79%) lên 92,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,24 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 430 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 2,3 tỷ đồng.
Trụ cột VNM mặc dù vẫn còn rung lắc trong nửa đầu phiên nhưng cung giá thấp được tiết chế trong khi lực cầu quay trở lại đã giúp cổ phiếu này bật tăng về cuối phiên, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường. Với mức tăng 0,5%, VNM tạm đứng ở mức giá 146.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 293.530 đơn vị.
Bên cạnh đó, đóng vai trò là lực đỡ thị trường còn phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chỉ có STB đứng giá tham chiếu, còn lại các mã khác trong nhóm bank đều khởi sắc như BID tăng 1,19%, CTG tăng 1,95%, MBB tăng hơn 2,9%, VCB tăng gần 0,7%.
Thông tin giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng đã tiếp thêm sức mạnh cho nhóm cổ phiếu họ P, cụ thể, GAS tăng 1,3%, PVD tăng 1%.
Ngoài ra, phải kể đến nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt các mã đều khởi sắc. Bên cạnh HCM khoác áo tím với mức tăng 6,9%, SSI tăng 3,9%, AGR tăng 3,8%, BSI tăng 2,4%...
Mặt khác, cổ phiếu lớn ROS cũng đã thu hẹp đà giảm điểm. Kết phiên, ROS giảm 2,23% xuống mức 153.600 đồng/CP và tiếp tục đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường khi chuyển nhượng hơn 3,98 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, SHB vẫn giữ mốc tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu sàn, đạt 8,59 triệu đơn vị, trong khi ACB 1,63% và khớp hơn 2,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, sàn HNX cũng nhận được tín hiệu tốt từ nhóm cổ phiếu chứng khoán. Hầu hết các mã chứng khoán đều đua nhau khởi sắc như VND tăng 6,1%, BVS tăng 4,6%, CTS tăng 8,9%, SHS tăng 8,5%, MBS tăng 6,2%, VDS tăng 1%, VIX tăng 1,4%, VIG tăng kịch trần với biên độ 7,1%, WSS tăng 2,6%...
Trái với 2 sàn chính, trên sàn UPCoM, sau những rung lắc nửa đầu phiên, chỉ số trên sàn này đã quay đầu điều chỉnh và giao dịch trong sắc đỏ trong suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,19%) xuống 57,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,29 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 34,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,36 triệu đơn vị, giá trị 11,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn HVN đã đón nhận một tuần khá tiêu cực khi tiếp tục ghi nhận thêm 1 phiên giảm điểm. Hiện HVN giảm 1,4% xuống mức 27.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 159.000 đơn vị.
Trái lại, GEX đã đảo chiều sau 2 phiên giảm nhẹ, với mức tăng 2,3% và chốt phiên tại mức giá 22.500 đồng/CP.
Cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trong những phiên vừa qua đã hạ nhiệt, sau 3 phiên tăng trần, PFL quay đầu giảm 5% xuống mức giá 1.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 744.600 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau PXL (đạt 1,72 triệu đơn vị.