Trong phiên giao dịch sáng hôm qua, lực mua kỹ thuật ngay khi mở cửa đã kéo VN-Index quay trở lại vùng 1.155 điểm, nhưng lực bán lớn dần đã kéo chỉ số lùi dần và chốt phiên trong sắc đỏ sau khi VIC đảo chiều giảm, cùng nhiều mã vốn hóa lớn khác như VCB, CTG, VRE…
Bước sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy xuất hiện khá mạnh, đặc biệt tại nhóm ngân hàng và bất động sản-xây dựng cùng với đó là đa số các mã vốn hóa lớn hồi phục dần đã kéo VN-Index trở lại vùng trên 1.150 điểm khi đóng cửa.
Tuy nhiên thanh khoản sụt giảm mạnh hơn 30% trên HOSE cho thấy tín hiệu không mấy khả quan của thị trường.
Theo PHS, tuy VN-Index có phiên tăng điểm trở lại, nhưng các tín hiệu xác nhận xu hướng tăng điểm một cách bền vững vẫn chưa thực sự phát ra một cách rõ ràng.
Chỉ số có thể tiếp tục hồi phục tuy nhiên đây là nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật trong xu hương điều chỉnh ngắn hạn.
Bước vàng phiên giao dịch sáng nay (18/4), giống như diễn biến của phiên sáng hôm qua, lực cầu ngay khi mở cửa kéo VN-Index thẳng lên trên và lấy lại mốc 1.160 điểm, nhưng cũng chỉ rất nhanh sau đó, chỉ số lại lùi dần.
Sau hơn 1 giờ giao dịch,VN-Index vẫn loay hoay tìm hướng đi, hiện chỉ đang ở quanh tham chiếu, với dộ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về các mã giảm, và dòng tiền phần lớn đang tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như IDI, ASM, SBT, SCR, FLC, cùng 2 mã ngân hàng là HDB và EIB.
Nhưng nhiều cổ phiếu tăng tốt hôm qua, điển hình như nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng lại đang bị chốt lời như NVL, CTD, DXG, PDR, KBC, LDG, TCH, VRE… cùng một số mã ngân hàng đang rung lắc mạnh là STB, MBB, CTG đang khó khăn cho tâm lý thị trường, nhất là trong bối cảnh thông tin hỗ trợ dường như không có và sự “căng thẳng” do thanh khoản luôn giảm đang ám ảnh nhà đầu tư.
Áp lực chốt lời ngày một gia tăng lên tất cả các nhóm cổ phiếu, và tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ còn VIC, VNM tăng, nhưng chỉ là chớm xanh, còn lại đều giảm, và nhất là thanh khoản vẫn trên đà đi xuống tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư…đã góp phần đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu và mất ngưỡng 1.150 điểm khi chốt phiên sáng nay.
Với 93 mã tăng và 157 mã giảm trên HOSE, VN-Index giảm 5,82 điểm (-0,5%), xuống 1.147,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 84,49 triệu đơn vị, giá trị 2.662,85 tỷ đồng, giảm hơn 9% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 369,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ có VIC tăng 0,1% lên 130.100 đồng; VNM tăng 0,9% lên 186.100 đồng và GAS đứng tham chiếu 128.000 đồng, còn lại đều giảm.
SAB giảm 0,5% xuống 227.800 đồng; VJC giảm 0,2% xuống 209.600 đồng, và đặc biệt là MSN, khi mất 3,8% xuống 100.100 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB giảm 0,4% xuống 66.700 đồng; BID giảm 0,8% xuống 41.500 đồng; CTG giảm 0,9% xuống 34.500 đồng; VPB giảm 0,6% xuống 64.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng khác trên HOSE chia đôi ngả khi HDB và EIB tiếp đà tăng, còn STB và MBB bị chốt lời và giảm điểm.
Cụ thể, HDB tăng 2,2% lên 51.900 đồng, khớp 3,66 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên sàn HOSE trong phiên sáng nay, trong đó khối ngoại mua ròng gần 1,7 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu HDB đã có chuỗi tăng ấn tượng kể từ ngày 24/3 sau thông tin chia cổ tức khủng 35%. Cổ phiếu này thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài khi thường xuyên nằm trong top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua, cổ phiếu này đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên sáng nay với sức hút lớn nhà đầu tư sau khi công bố lợi nhuận khủng 1.000 tỷ đồng trong quý I.
Ngoài HDB, EIB cũng tăng tốt trong phiên sáng nay với mắc tăng 3,8%, lên 16.400 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó STB giảm 0,9% xuống 15.650 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị; MBB giảm 0,6% xuống 34.300 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu Buechip VN30 ngoài VNM, VIC tăng thì sắc xanh chỉ còn hiện diện ở CII (+1,2%), FPT (+0,5%), và NT2 (+0,3%).
Trong khi đó, nhóm giảm điểm sâu là ROS -5% xuống 95.500 đồng; PLX giảm 3,5% xuống 71.400 đồng; BMP giảm 2% xuống 65.100 đồng; CTD giảm 1,8% xuống 148.500 đồng…
Khớp lệnh cao nhất nhóm ngoài nhóm ngân hàng như STB, MBB, CTG còn có SBT với hơn 4,4 triệu đơn vị, chốt phiên đứng tham chiếu 18.650 đồng; SSI có 1,61 triệu đơn vị khớp, giảm 0,4% xuống 41.850 đồng; HSG và NVL có hơn 1 triệu đơn vị khớp, giảm lần lượt 2,3% và 0,8%, HPG may mắn đứng tham chiếu 59.700 đồng, và cũng có hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thị trường tăng điểm và thanh khoản khá chỉ còn ở IDI, ASM hơn 5,6 triệu đơn vị khớp lệnh, và đây cũng là 2 mã thanh khoản cao nhất HOSE.
Nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng bị chốt lời từ sớm và tiếp diễn cho đến hết phiên, giảm điểm có FLC, HQC, DXG, QCG, NVL, KBC, VRE, PDR, LDG, TCH, DIG, KDH…khớp lệnh từ nửa triệu đơn vị đến hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi le lói sắc xanh hiện diện ngoài VIC thì chỉ còn có SCR, VRC, NLG, trong đó SCR có 1,97 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mặc dù phần lớn thời gian giao dịch trong phiên sáng tăng điểm, nhưng với đà giảm của SHB, VGC, VCS và nhiều mã chi phối đứng tham chiếu vào những phút cuối đã kéo chỉ số xuống dưới tham chiếu.
Cụ thể, SHB giảm 2,3% xuống 13.000 đồng, khớp lệnh 13,44 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; VGC giảm 0,4% xuống 23.300 đồng, khớp hơn 330.000 đơn vị; VCS giảm 1,5% xuống 115.000 đồng.
Các mã ACB, PVS, CEO, SHS, SHN đứng tham chiếu, khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến hơn 2 triệu đơn vị.
Tăng điểm đáng kể chỉ còn VCG, HUT, MBS, PHC cùng mã nhỏ MST, KLF, DST (tăng trần), khớp lệnh từ hơn 350.000 đến 1,2 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 60 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,22%), xuống 133,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,8 triệu đơn vị, giá trị 474,56 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 360.000 đơn vị, giá trị 7,41 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó bật tăng, nhưng cũng rơi dần về tham chiếu khi chốt phiên sáng nay với sự phân hóa từ các nhóm cổ phiếu hút dòng tiền, khi LPB, HVN, DVN, QNS tăng điểm, thì nhóm dầu khí lại giảm nhưu BSR, POW, cùng OIL đứng tham chiếu.
Cụ thể, LPB tăng 0,6% lên 16.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn, nhưng chỉ có 892.000 đơn vị; HVN tăng 2,4% lên 47.000 đồng, khớp hơn 550.000 đơn vị; QNS tăng 2,9% lên 53.000 đồng và có hơn 112.000 đơn vị khớp lệnh.
POW giảm 0,6% xuống 15.400 đồng; BSR giảm 1,3% xuống 22.800 đồng, khớp lệnh trên dưới 300.000 đơn vị.
Trong khi đó, OIL, VIB đứng tham chiếu lần lượt ở 18.000 đồng và 40.000 đồng, khớp từ 78.500 đến hơn 118.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,04%), lên 59,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,11 triệu đơn vị, giá trị 82,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 513.000 đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.