Phiên giao dịch hôm qua ghi nhận sự khởi sắc tiếp diễn của thị trường, đặc biệt là thanh khoản gia tăng mạnh và các bluechip có ngày thứ 2 liên tiếp đón dòng tiền, khiến nhiều mã tăng tốt, qua đó góp phần lớn đưa VN-Index vượt lên trên ngưỡng 995 điểm khi đóng cửa,
SHS cho rằng, chỉ số đã vượt qua được ngưỡng kháng cự tâm lý tại vùng 950 điểm với khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn đều tăng đặc biệt tại sàn HOSE.
Điều này cho thấy việc tâm lý nhà đầu tư tiếp tục đang cải thiện dần, tuy nhiên áp lực cung ngắn hạn cũng đang có xu hướng mạnh lên khiến cho đà tăng của VN-Index trong những phiên tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 1/8, ngay khi mở cửa, chỉ số rung lắc nhẹ và bất ngờ vọt hẳn lên trên ngưỡng 960 điểm rất nhanh, nhưng đà tăng này cũng nhanh chóng bị chặn lại và VN-Index bị đẩy ngược trở lại và giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sự phân hóa tiếp tục diễn ra giữa các nhóm ngành cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn còn hút lực mua là FLC, HQC, IDI, HHS, DLG…trong số này HQC và ITA tăng lên mức giá trần từ sớm.
Trong số các mã mất điểm ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ góp mặt cặp đôi HAG và HNG cùng TTF, GTN, SCR, QCG, PDR, DAH…
Điểm đáng chú ý là việc PVD gia nhập sắc tím, với thanh khoản khớp lệnh gia tăng mạnh so với các phiên trước, với hơn 4 triệu đơn vị, nhưng mã này đã bị khối ngoại bán khá mạnh từ sớm, khi đã có hơn 1,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trong cuối giờ chiều hôm qua, PVD đã có báo cáo sơ bộ và giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 với doanh thu tăng 71% lên hơn 1.618 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 67 tỷ đồng, trong khi quý II/2017 chỉ lỗ hơn 45 tỷ đồng.
Nhìn chung, một số mã thuộc nhóm cổ phiếu năng lượng nổi bật hơn phần còn lại của thị trường, khi 2 mã lớn trên HOSE và GAS và PLX vẫn đang tăng khá, PVS trên HNX cũng vọt lên trên dưới 5% và đã khớp gần 7 triệu đơn vị.
Tại các bluechip khác, trên bảng điện tử dòng tiền vẫn ưu tiên nhóm cổ phiếu với ngân hàng với MBB, VPB, CTG, BID, STB, HSG,… và ngược lại những VHM, VNM, NVL, MSN đang giảm điểm đã níu chân chỉ số.
Sau nửa phiên đầu so thấy sự phân hóa, giằng co giữa các nhóm ngành cổ phiếu thì nửa phiên sau, nhóm bluechip đã đột ngột bị sắc đỏ lấn át, áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã tăng từ sớm đã hạ dần độ cao, qua đó kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu, và phải khá may mắn chỉ số này mới kết phiên trong sắc xanh, nhưng cũng chỉ là xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 129 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index tăng 0,33 điểm (+0,03%), lên 956,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 119,5 triệu đơn vị, giá trị 2.465,79 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 9,6 triệu đơn vị, giá trị 392,6 tỷ đồng.
Các mã giảm điểm lấn át các mã tăng trong khoảng 30’ phút cuối phiên tại rổ VN30 là nguyên nhân chính kéo VN-Index đi xuống.
Theo đó, VN30 có 17 mã mất điểm, trong đó nhiều mã lớn như VNM -0,8%; VJC -1,3%; SAB -0,2%; MSN -0,2%; NVL -1,8%; MWG -1,6%; FPT -1,8%; PNJ -1,9%, cùng VHM -1%.
Trong khi đó, bảo toàn sắc xanh, hãm bớt đà rơi của chỉ số là VIC +0,6% lên 107.000 đồng, và cặp đôi dầu khí lớn GAS +2,5% lên 90.000 đồng và PLX +1,8% lên 61.600 đồng…
Hút lực mua nhất nhóm, nhưng về cuối phiên vẫn còn tăng điểm là SSI +1,2% lên 29.250 đồng, khớp 3,22 triệu đơn vị; HPG +0,9% lên 37.700 đồng, khớp 4,84 triệu đơn vị; HSG +1,5% lên 11.400 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng phân hóa rõ rệt khi CTG -0,6% xuống 23.450 đồng; VPB -0,4% xuống 27.000 đồng; MBB -0,4% xuống 23.350 đồng; EIB -0,4% xuống 14.000 đồng; và STB cùng TPB đứng tham chiếu.
Ngược lại, tăng điểm còn VCB +0,7% lên 58.900 đồng; TCB +0,7% lên 28.000 đồng; BID +0,8% lên 26.500 đồng; HDB +0,7% lên 35.850 đồng.
Khớp lệnh cao nhất nhóm là MBB với hơn 3,1 triệu đơn vị; CTG và VPB có 2,1 triệu đơn vị; BID và TCB có hơn 1,5 triệu đơn vị; VCB và HDB trên dưới 1 triệu đơn vị…
Tương tự tại nhóm bluechip, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng phân hóa rõ nét hơn, khi FLC, HAG, HNG, SCR, GTN, TTF, QCG, PDR, KBC đã chính thức mất điểm, trong đó FLC khớp lệnh vượt trội với hơn 15,6 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, tiếp sau là HAG với hơn 7 triệu đơn vị; HNG có 1,22 triệu đơn vị; SCR có 1,5 triệu đơn vị…
Dòng tiền chảy mạnh vẫn còn tại HQC và ITA, khi 2 mã này vẫn giữ mức giá trần, khớp lần lượt 6,48 triệu và 2,4 triệu đơn vị.
PVD đánh mất sắc tím, nhưng chốt phiên vẫn +6,5% lên 14.000 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị.
Các mã khác có thanh khoản tốt và tăng gồm ASM, GEX, DLG, HHS, LDG, TNI, OGC, HAI…khớp từ hơn 700.000 đến 4,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc nhẹ trên tham chiếu trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch và sự phân hóa cũng đã diễn ra, nhưng một số mã tăng mạnh đã làm trụ đỡ khá tốt.
Đặc biệt là PVS khi tăng 4,7% lên 18.000 đồng, khớp lệnh hơn 8,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; NVB +1,5% lên 6.600 đồng; CEO +0,8% lên 13.100 đồng; VCG +1,2% lên 17.000 đồng; VGC +0,6% lên 17.800 đồng; PGS +4,2% lên 34.400 đồng… cùng các mã nhỏ như KLF, TIG, ITQ, HHG.
Trong khi đó, HUT -3,6% xuống 5.400 đồng; VC3-1,6% xuống 19.000 đồng; SHS -0,7% xuống 13.900 đồng; MBS -1,2% xuống 16.300 đồng; VCS -2,2% xuống 87.000 đồng, cùng SHB, ACB, PVI đứng tham chiếu.
Khớp lệnh KLF chỉ đứng sau PVS với hơn 4,1 triệu đơn vị; SHB có 3,1 triệu đơn vị; HUT có 2,3 triệu đơn vị; ACB có 1,5 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%), lên 106,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,46 triệu đơn vị, giá trị 357,87 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,26 triệu đơn vị, giá trị 11,7 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index lại chỉ chớm xanh nhạt khi mở cửa, sau đó mất điểm và chìm trong sắc đỏ trong suốt thời gian giao dịch.
Điểm tích cực là nhóm các cổ phiếu thanh khoản tốt hầu hết vẫn tăng như BSR +3,2% lên 16.300 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; HVN +4,1% lên 37.700 đồng, khớp hơn 840.000 đơn vị; VEA +0,9% lên 23.000 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Ngoài ra còn có thêm VGT +2,2%; GVR +1,2%; ACV +5,6%; ART +2%.
Ngược lại là LPB -4% xuống 9.600 đồng; POW -1,5% xuống 12.900 đồng; QNS -0,2% xuống 40.600 đồng; KOS -0,5% xuống 19.000 đồng; cùng OIL, DVN và VIB đứng tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,43%), xuống 50,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,78 triệu đơn vị, giá trị 116,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,36 triệu đơn vị, giá trị 48,4 tỷ đồng.