Hôm nay là ngày giao dịch chính thức của cổ phiếu VPB với mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động 20%. Với mức giá này, VPB trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán niêm yết, đồng thời có vốn hóa vượt qua MBB đứng thứ 4 trong các ngân hàng niêm yết trên HOSE sau VCB, CTG và BID.
Mức giá này được nhiều đánh giá khá cao và tăng so với mức giá trên thị trường OTC sát ngày chốt quyền lưu ký để chuẩn bị lên sàn (28/7). Do đó, ngay khi chính thức được giao dịch trên HOSE, cổ phiếu VPB đã bị bán khá mạnh, khiến mã này nhanh chóng giảm giá, thậm chí có lúc lùi về mức giá 33.000 đồng, giảm 15,39% so với mức giá tham chiếu, trước khi hồi nhẹ trở lại và đóng cửa ở mức 36.000 đồng, giảm 7,7%.
Tuy nhiên, nhờ lực cầu rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, giúp VPB tạo đột biến về giao dịch trong ngày chào sàn với tổng khớp lên tới 48,85 triệu đơn vị, trong đó riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 37,35 triệu đơn vị.
Chính sự đột biến của VPB đã giúp thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh so với các phiên trước đó khi có 139,37 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị hơn 3.600,6 tỷ đồng, tăng 47,8% về khối lượng và 119,6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,65 triệu đơn vị, giá trị 124 tỷ đồng.
Dù vậy, do lực cầu yếu ở các mã khác, khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử với số mã giảm gấp hơn 2 lần số mã tăng, khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng nay. Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,17%), xuống 772,26 điểm.
Trong nhóm ngân hàng, ngại trừ EIB có được sắc xanh nhạt, còn lại đều theo chân VPB giảm giá. Các mã lớn khác như GAS, VIC, VJC, BHN, NVL, DCM, BVH, DCM giảm giá cũng gây áp lực lên thị trường.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc VNM bất ngờ đảo chiều đã góp phần giúp đà giảm của VN-Index được hãm lại dù số mã giảm chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của MSN, ROS, PVD, SAB, trong đó SAB tăng khá tốt 2%, lên 253.900 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, sau 2 phiên tăng trần, HAR đã giảm sàn trở lại trong phiên sáng nay, xuống 14.300 đồng với gần 0,9 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.
TSC sau một lúc cầm cự, cuối cùng cũng đã chịu thua trước lực bán quá lớn, nên cũng đóng cửa ở mức sàn 5.210 đồng với 4,18 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 2,16 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau khi nhận được lực cầu tốt trong 2 phiên vừa qua, HAI lại bị “xa lánh” trong phiên sáng nay khi lực cầu gần như không có, trong khi lượng dư bán còn tới 13,8 triệu đơn vị và dĩ nhiên mã này tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp, xuống 13.650 đồng.
Trong khi đó, HNX-Index dù có mức tăng khá tốt đầu phiên, nhưng sau đó cũng đã quay đầu và sau 40 phút giao dịch, đã đảo chiều giảm điểm, đà giảm sau đó được nới rộng dần về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,5 điểm (-0,49%), xuống 101,24 điểm với 33 mã tăng trong khi có tới 101 mã giảm. Tổng khối lượng khớp đạt 30,37 triệu đơn vị, giá trị 338,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận sáng nay không đáng kể.
Diễn biến trên HNX không có nhiều điểm nhấn, KLF, SHB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với tổng khớp trên 4 triệu đơn vị. Trong đó, KLF giảm 2,94%, xuống 3.300 đồng, còn SHB đứng ở mức tham chiếu 7.900 đồng. NVB sáng nay lại có giao dịch tích cực khi được khớp 2,91 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,85%.
Các mã lớn sáng nay cũng đều giảm như PVS, ACB, VCG, PVC, PVB, VCS…, trong khi sắc tím lại xuất hiện tại MST, KSK, PIV.
Trên sàn UPCoM, trái ngược với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index lại tăng 0,13 điểm (+0,23%), lên 54,66 điểm với 2,77 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 46,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 155.606 đơn vị, giá trị 3,8 tỷ đồng.
Giao dịch sáng nay trên sàn UPCoM không có điểm nhấn. Mã có thanh khoản tốt nhất là SBS cũng chỉ được khớp chưa tới 400.000 đơn vị. Sắc xanh của sàn này nhờ sự hỗ trợ của một số mã như NTC, SDI, ACV, DPG, TVP, ND2…
Thị trường chứng khoán phái sinh sáng nay vẫn duy trì được sự sôi động như phiên sáng qua khi có 1.131 hợp đồng được giao dịch, giá trị 84,95 tỷ đồng.