Sau phiên giao bùng nổ ngày 12/12 giúp chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 960 điểm, thị trường đã quay lại trạng thái điều chỉnh trước áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip. Lực bán càng lớn hơn trong phiên cuối tuần khiến đồng loạt bluechip và các mã vốn hóa lớn đều quay đầu, kéo thị trường lùi sâu về sát mốc 950 điểm.
Theo nhận định của giới phân tích, dù thị trường biến động lên hay xuống thì vẫn có nhiều cổ phiếu tăng tốt. Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT cho rằng, cơ hội sẽ rất chọn lọc và cần có yếu tố cơ bản nổi trội chủ yếu tập trung ở nhóm midcap trong khi các cổ phiếu nhỏ phần lớn là các cổ phiếu làm ăn kém hiệu quả, kém minh bạch làm mất tiền của cổ đông.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 17/12, áp lực bán tiếp tục nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng không ngoại trừ, khiến các chỉ số lần lượt lùi sâu.
Sau gần 2 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm đã gấp hơn 3 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 chỉ còn duy nhất DHG tăng nhẹ, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, cùng các mã trụ cột như VNM, MSN, VHM… là những tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Hiện VN-Index đã mất tới hơn 10 điểm.
Tương tự, trên sàn HNX cũng hầu hết chuyển đỏ, trong đó nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã tăng là BCC, DHT và TV2.
Trái với diễn biến thiếu khả quan của nhóm bluechip và cổ phiếu lớn, các mã thị trường vừa và nhỏ vẫn nổi lên những điểm sáng với mức thanh khoản khá tốt như FLC, ITA, HQC…
Sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường trước áp lực bán lớn. Các chỉ số đều giảm khá sâu trong phiên sáng đầu tuần mới.
Chốt phiên, sàn HOSE có tới 207 mã giảm và chỉ 64 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 9,92 điểm (-1,04%) xuống 942,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,78 triệu đơn vị, giá trị 1.951,93 tỷ đồng, tăng 18,28% về lượng nhưng giảm 10,88% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 43,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 626 tỷ đồng, trong đó riêng STB thỏa thuận 28,89 triệu đơn vị, giá trị 346,65 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có thêm một phiên giảm với tất cả các mã đều giảm trên dưới 2%. Bên cạnh sự suy giảm về giá, thanh khoản trong nhóm này cũng kém sôi động hơn so với những phiên trước khi để mất các vị trí dẫn đầu thị trường.
Trong phiên sáng nay, MBB và CTG đứng ở vị trí thứ 3 và 4 với khối lượng khớp lệnh lần lượt 3,97 triệu đơn vị và gần 3 triệu đơn vị.
Tương tự, cổ phiếu dầu khí cũng tạo sức ép lên thị trường với GAS giảm 1,6% xuống 94.300 đồng/CP, PLX giảm 1% xuống 59.400 đồng/CP, PVD giảm 2,3% xuống 16.800 đồng/CP…
Bên cạnh đó, các mã khác trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn như VIC, VHM, VNM, MSN, SAB cũng đều đứng dưới mốc tham chiếu, trong đó đáng kể VHM giảm 2,5% xuống mức giá thấp nhất phiên 77.800 đồng/CP, tương tự, MSN giảm 2,3% về mức thấp nhất 83.500 đồng/CP.
Trái lại, cặp đôi FLC và ITA vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh lần lượt 8,5 triệu đơn vị và 7,14 triệu đơn vị. Chốt phiên, FLC tăng 3,4% lên 5.550 đồng/CP, còn ITA tăng 5,5% lên sát trần 3.270 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã quen thuộc khác cũng giao dịch khới sắc như HQC, OGC, SHI, HAR, DRH…
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường có nhịp hồi nhẹ giữa phiên, tuy nhiên áp lực bán thường trực tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index ngậm ngùi đi xuống và chốt phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,29%) xuống 106,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 18 triệu đơn vị, giá trị 225,43 tỷ đồng, tăng 24,3% về lượng và 15,6% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (14/12). Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 8,5 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có ACB giảm 0,7% xuống 30.200 đồng/CP, VCS giảm 1,4% xuống 75.900 đồng/CP , PVS giảm 0,5% xuống 20.200 đồng/CP, VGC giảm 0,6% xuống 17.700 đồng/CP.
Trái lại, VCG tăng 0,5% lên 21.500 đồng/CP, SHB tăng 1,3% lên 7.600 đồng/CP, PVI tăng 1,6% lên 32.500 đồng/CP, còn DGC, NTP, DL1 đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 2,55 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp đó là SHB với 2,23 triệu đơn vị; còn lại KLF, HUT, ACB, ART, VCG cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù mở cửa khá tích cực nhưng lực cung giá thấp cũng nhanh chóng lan tỏa khiến thị trường chìm sâu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,67%) xuống 53,11 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,74 triệu đơn vị, giá trị 84,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,25 triệu đơn vị, giá trị 36,58 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường UPCoM, có tới 8 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu như ACV giảm 1,3% xuống 83.400 đồng/CP, MCH giảm 0,3% xuống 99.500 đồng/CP, VEA giảm 0,5% xuống 38.000 đồng/CP, HVN giảm 1,2% xuống 33.900 đồng/CP, BSR giảm 2% xuống 15.000 đồng/CP, POW giảm 1,9% xuống 15.100 đồng/CP, VGI giảm 1,9% xuống 15.100 đồng/CP, BCM giảm 0,9% xuống 23.000 đồng/CP.
Ngoại trừ MSR tăng nhẹ 0,5% lên 21.100 đồng/CP và GVR đứng giá tham chiếu.
Trong đó, cổ phiếu BSR thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM và cũng là mã duy nhất có khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí tiếp theo là VGT chỉ giao dịch hơn nửa triệu đơn vị.