Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6 đã biến động khá mạnh bởi một trong những tác nhân chính là hoạt động chốt NAV quý II/2019 của các quỹ đầu tư, đặc biệt trong những phiên cuối tuần. Cụ thể, sau cú sốc ngày 27/6 khi để mất tới hơn 16 điểm, thị trường đã bật ngược đi lên trong phiên cuối tuần nhờ sự tăng trưởng trở lại của hầu hết các bluechip trong nhóm VN30, HNX30.
Theo đánh giá của BVSC, với những tín hiệu hồi phục tích cực vào cuối phiên 28/6, cộng thêm kỳ vọng từ kết quả cuộc gặp gỡ Mỹ - Trung sẽ hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong những phiên đầu tuần, qua đó có thể giúp chỉ số tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 952-956 điểm.
Không nằm ngoài dự báo trên, bên cạnh những thông tin tích cực như căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt, EVFTA chính thức ký kết, chứng khoán trong nước đã bật tăng mạnh ngay từ những phút mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 7.
Chỉ số VN-Index đã nhanh chóng chinh phục được mốc 960 điểm chỉ sau hơn 20 phút giao dịch nhờ điểm tựa khá tốt từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.
Trong đó, những cổ phiếu bị bán mạnh trong tuần qua đã hồi phục tích cực trở lại. Điển hình là CTG đã dành lại được những gì đã mất trong phiên cuối tuần vừa qua khi tăng vọt 5,6%, tạm đứng tại mức giá 20.600 đồng/CP. Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng như VCB, TCB, BID, STB, MBB... cũng đều khởi sắc.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt đảo chiều tăng mạnh sau tuần điều chỉnh giảm. Cụ thể, GAS tăng 5,3% lên 102.700 đồng/CP, PLX tăng 3,9% lên 61.800 đồng/CP, PVD tăng 1,3% lên 18.900 đồng/CP…
Sắc xanh không chỉ lan tỏa ở thị trường cơ sở, tại thị trường phái sinh cũng đồng loạt khởi sắc. Bên cạnh 4 hợp đồng tương lai số đều tăng khá mạnh với mức tăng trên dưới 10%, sản phẩm mới của thị trường CW cũng đều bật tăng. Trong đó, CMBB1901 tăng nhẹ 0,2% lên 3.000 đồng/CQ và đang giao dịch sôi động nhất với 243.350 chứng quyền được khớp lệnh thành công; tiếp theo đó, CMWWG1901 khớp 182.580 đơn vị và tăng 1,3% lên 3.860 đồng/CQ.
Sau khi chinh phục thành công mốc 960 điểm, thị trường đã lình xình đi ngang trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng. Tuy nhiên, việc hạ độ cao của GAS hay việc đảo chiều giảm của một số mã khác đã khiến VN-Index trượt mất ngưỡng kháng cự vừa dành được.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 175 mã tăng và 106 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,48 điểm (+1%) lên 959,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 85,3 triệu đơn vị, giá trị 1.723,93 tỷ đồng, tăng 16,53% về lượng nhưng giảm gần 5,4% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Giao dịch thỏa thuận đạt 22,59 triệu đơn vị, giá trị 384,26 tỷ đồng, trong đó riêng TCB thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 120 tỷ đồng; VNM thỏa thuận 571.370 đơn vị, giá trị gần 70,9 tỷ đồng.
Trong khi CTG vẫn giữ được mức giá 20.600 đồng/CP, thì GAS đã hạ độ cao khi tăng 4,5% và chốt phiên tại mức giá gần thấp nhất phiên 101.900 đồng/CP, tuy nhiên đây vẫn là cặp đôi tăng vượt trội trong nhóm VN30.
Cùng với GAS và CTG, các mã lớn vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường duy trì đà tăng mạnh như VNM +1,2% lên 124.500 đồng/CP, MSN +1,4% lên 84.200 đồng.CP, VHM +1,1% lên 80.200 đồng/CP, VRE +1,5% lên 34.300 đồng/CP, VIC, VCB, TCB…
Một trong những điểm đáng chú ý khác là hầu hết các cổ phiếu cơ sở cho chứng khoán bảo đảm hầu hết cũng đều giao dịch khá tích cực, ngoại trừ HPG đảo chiều giảm 1,9% xuống 23.050 đồng/CP sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước. Trong đó, FPT +2,1% lên 46.450 đồng/CP, MBB +0,5% lên 21.000 đồng/CP, MWG +1,6% lên 94.300 đồng/CP, PNJ +1,2% lên 73.900 đồng/CP, VNM +1,2%.
Trong khi đó, ROS vẫn chưa thoát khỏi việc điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,8% và chốt phiên tại mức giá 29.550 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường đạt hơn 4,92 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng đua nhau khởi sắc như AAA +2,5% lên 18.800 đồng/CP và khớp hơn 2,9 triệu đơn vị; HAG +0,9% lên 5.400 đồng/CP và khớp 2,3 triệu đơn vị; KBC +1,4% lên 14.400 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị, ASM, FLC, HSG, ITA, NTL, PVD… cũng giao dịch trên mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, sau khi tăng vọt đầu phiên vượt mốc 104 điểm, thị trường cũng hạ độ cao.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,37%) lên 103,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,67 triệu đơn vị, giá trị 130,23 tỷ đồng, giảm 5,57% về lượng nhưng tăng 2,65% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,87 triệu đơn vị, giá trị 62,79 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu HNX30 cũng giao dịch khá tích cực khi có 19 mã tăng và chỉ 5 mã giảm, trong đó đáng kể DBC -8,53% xuống 22.500 đồng/CP, còn lại đều giảm nhẹ 100 đồng/CP.
Trong đó, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều giao dịch khởi sắc dù đà tăng không quá lớn như ACB, SHB, PVS, PVI, VCG, VCS đều tăng trên dưới 1%, DGC +3,39 lên 29.500 đồng/CP.
Cặp đôi SHB và PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX. Trong đó SHB khớp 1,44 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 6.900 đồng/CP, tăng 1,47%; còn PVS +1,3% lên 23.300 đồng/CP và khớp 1,26 triệu đơn vị.
Trái lại, thị trường UPCoM giao dịch trong sắc đỏ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,8%) xuống 55,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 3,6 triệu đơn vị, giá trị 60,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 923.860 đơn vị, giá trị gần 73,8 tỷ đồng.
Trong đó, ACV sau màn bứt phá ngoạn mục cuối tuần trước đã đảo chiều giảm, là một trong những tác nhân chính khiến thị trường giảm. Cụ thể, ACV giảm 4,2% xuống mức 85.000 đồng/CP.
Cổ phiếu VGI dẫn đầu thanh khoản với 493.700 đơn vị được giao dịch thành công nhưng chốt phiên cũng giảm 1,83% xuống mức thấp nhất 26.800 đồng/CP