Sau tuần giao dịch tiêu cực khiến các chỉ số giảm sâu, thị trường đã hồi phục khá tốt trong phiên đầu tuần qua (14/8) nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng sự lan tỏa tích cực của các mã lớn bé trên thị trường.
Mặc dù các chỉ số đã lấy lại sắc xanh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khiến xu hướng tăng của thị trường kém bền vững cùng thanh khoản khá thấp. Chính vì vậy, ngay khi bước sang phiên giao dịch 15/8, thị trường tiếp tục chịu sức ép khá lớn khi áp lực bán dâng cao và lan rộng khiến sắc đỏ bao trùm, các chỉ số đảo chiều giảm điểm.
Trong đó, sự điều chỉnh của thị trường trong phiên hôm qua chủ yếu tới từ áp lực bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu lớn thuộc VN30. Theo nhận định của MBS, trong phiên giao dịch tới, nhiều khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục dao động giằng co trong biên độ hẹp tương ứng 770-775 điểm với VN-Index và 101-102 điểm với HNX-Index.
Cũng như những phiên giao dịch gần đây, mở cửa phiên 16/8, thị trường hồi phục nhẹ nhờ lực đỡ từ một số mã lớn như GAS, BID, VCB, SAB.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau đó, ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường đã đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip.
Bên cạnh sắc đỏ bao trùm thị trường, ở nhóm VN30 hầu hết đều đảo chiều giảm. Trong đó, các cổ phiếu lớn dẫn dắt đà tăng thị trường ở đầu phiên cũng đảo chiều giảm điểm, khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 770 điểm, thậm chí có thời điểm lùi về sát ngưỡng 765 điểm.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng lan rộng với hàng loạt mã đều đứng dưới mốc tham chiếu như OGC, FIT, FLC, KBC, IJC, DLG, HAG, VHG, GTN, SCR… Đáng kể cặp đôi HAI và TSC tiếp tục chịu áp lực bán tháo và giữ sắc xanh mắt mèo, trong đó HAI dư bán sàn 8,95 triệu đơn vị, còn TSC dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.
Trái lại, sau những thông tin hỗ trợ tích cực như Chủ tịch Nguyễn Gia Bảo, Công ty Tư vấn đầu tư KGB liên tiếp gom lượng lớn cổ phiếu và trở thành các cổ đông lớn nhất của HAR, cổ phiếu này đã tăng mạnh và tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Với mức tăng 7%, HAR đang đứng ở mức giá trần 15.350 đồng/CP với khối lượng khớp 861.820 đơn vị và dư mua trần 70.610 đơn vị.
“Tân binh” VDP tiếp tục tăng trần với khối lượng giao dịch hạn chế. Hiện VDP tăng 6,9% lên mức giá 36.300 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 10.000 đơn vị.
Sau nhịp điều chỉnh sâu về gần mốc 765 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường bật mạnh lên. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trong khi áp lực bán vẫn thường trực khiến VN-Index không thể tiếp cận mốc tham chiếu và tiếp tục bị đẩy lùi về dưới ngưỡng hỗ trợ 770 điểm do sắc đỏ chiếm áp đảo.
Chốt phiên sáng, toàn sàn HOSE có 149 mã giảm/98 mã tăng, VN-Index giảm 1,72 điểm (-0,22%) xuống 769,34 điểm. Thanh khoản khá thấp với khối lượng giao dịch đạt 94,29 triệu đơn vị, giá trị 1.639,31 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 5,24 triệu đơn vị, giá trị 76,34 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX khá rung lắc nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến số mã giảm điểm gấp đôi số mã tăng, đẩy chỉ số sàn về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.
Cụ thể, với mức giảm 0,03 điểm (-0,03%), HNX-Index chốt phiên sáng tại mốc 101,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22 triệu đơn vị, giá trị 282,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 548.171 đơn vị, giá trị 15,51 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip với VN30 và HNX30 vẫn là các tác nhân chính đẩy lùi thị trường. Trong nhóm VN30 có 18 mã giảm/10 mã tăng, Vn30-Index giảm 1,19 điểm xuống 744,88 điểm; còn HNX30-Index giảm 0,29 điểm xuống 187,39 điểm với 14 mã giảm và chỉ 4 mã tăng.
Mặc dù một số mã như GAS, VCB, VIC, MSN, HPG đã đảo chiều hồi phục thành công nhưng đà tăng khá hạn chế và không đủ sức gánh đỡ trước đà giảm khá sâu ở các mã lớn khác như VNM giảm 0,9%, SAB giảm 0,4%, BID giảm 1,5%, PLX, VJC, BVH…
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VCB hồi nhẹ với mức tăng 0,4%, còn lại các mã BID, CTG, MBB, STB đều chốt phiên trong sắc đỏ; trên sàn HNX có ACB và SHB cùng đứng ở mốc tham chiếu.
Tương tự, trong nhóm cổ phiếu dầu khí, hầu hết các mã lớn đều giảm điểm như PVD giảm 1,3%, PLX giảm 0,2%, PVC giảm 1,1%, PLC giảm 2,5%, PVI giảm 0,3%, trong khi GAS đảo chiều tăng 0,8%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp, OGC đã đảo chiều giảm 4,5% và chốt phiên sáng nay tại mức giá 2.750 đồng/CP với khối lượng khớp 8,58 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi TSC và HAI cùng chuyển nhượng thành công 5,4 triệu đơn vị. Cả TSC và HAI này vẫn chịu áp lực bán ồ ạt và tiếp tục nằm sàn với khối lượng dư bán sàn khá lớn, lần lượt đạt2,23 triệu đơn vị vá gần 9 triệu đơn vị.
Trái lại, cặp đôi HVG và HAR tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với khối lượng khớp 1-2 triệu đơn vị và dư mua trần một vài trăm nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX, thanh khoản cũng suy giảm mạnh. Cổ phiếu KLF tiếp tục có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, chỉ đạt hơn 1,9 triệu đơn vị. Cũng có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị gồm có 3 mã khác gồm SHB (1,43 triệu đơn vị), PVS (1,1 triệu đơn vị), LAS (1,06 triệu đơn vị).
Sau thông tin trả cổ tức khủng, cổ phiếu VE9 đã có những phiên tăng vọt cả về giá và thanh khoản. Tuy nhiên, sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp, VE9 đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm 2,7% xuống mức 14.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng đạt 684.800 đơn vị.
Trên sàn UPCoM, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đẩy chỉ số sàn về mức thấp nhất.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,34%) xuống 54,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,29 triệu đơn vị, giá trị 41,41 tỷ đồng. Giao dịch thảo thuận đạt 273.997 đơn vị, giá trị chỉ 3,53 tỷ đồng.
TOP là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM, đạt 1,06 triệu đơn vị; tiếp đó DRI chuyển nhượng thành công 226.100 đơn vị.
Cổ phiếu lớn ngành hàng không HVN tiếp tục giao dịch thiếu tích cực. Trong phiên sáng nay, HVN giảm 0,8% xuống mức 24.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 68.200 đơn vị. Bên cạnh đó, “người anh em” ACV cũng giảm nhẹ 0,4%.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sáng nay co 1.087 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 81,29 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với các phiên trước đó.