Trong phiên cuối tuần trước, nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã lớn khác, thị trường đã có phiên hồi phục mạnh sau khi giảm sâu trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng khiến thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp.
Nhận định về xu hướng thị trường trong tuần mới, một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng đây chỉ là đợt hồi phục kỹ thuật, thị trường chỉ có thể tiếp tục duy trì đa hồi phục trong 2 phiên đầu tuần, sau đó sẽ trở lại đà giảm, bởi các yếu tố cơ bản của thị trường như vĩ mô, dòng tiền, khối ngoại…, nhất là tỷ giá chưa có tín hiệu cải thiện.
Các chuyên gia cho biết, nếu VN-Index vượt qua ngưỡng 930 điểm, chỉ số này nhiều khả năng sẽ hướng tới 1.050 điểm, nhưng nếu xuyên thủng 884 điểm, thì dowtrend sẽ lại tiếp diễn.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, dù có những rung lắc, nhưng thị trường chứng khoán thế giới vẫn duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần qua khi nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp.
Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng kỳ vọng, kết quả kinh doanh quý II và bán niên của các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại đà tăng trong thời gian tới.
Trở lại với thị trường phiên sáng nay, ngay khi mở cửa phiên, sắc xanh đã lan tỏa trên bảng điện tử, kéo VN-Index vượt qua ngưỡng 915 điểm và HNX-Index cũng vượt qua ngưỡng 103 điểm. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn duy trì khiến thanh khoản thị trường chưa được cải thiện.
Về nửa cuối phiên, lực cung gia tăng đã đẩy cả 2 chỉ số về thẳng sát ngưỡng tham chiếu và chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,98 điểm (+0,22%), lên 911,7 điểm với 155 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 79,78 triệu đơn vị, giá trị 1.476,67 tỷ đồng, tăng 5,9% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị 189,4 tỷ đồng.
Đà phục hồi của các chỉ số đầu phiên phiên sáng nay vẫn đến từ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã lớn khác như VHM, VNM, MSN, VJC… Tuy nhiên, lực cầu gia tăng cuối phiên đã khiến nhiều mã quay đầu như VHM, SAB, các mã ngân hàng cũng hạ nhiệt.
Cụ thể, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, có 4 mã giảm, 4 mã tăng và 2 mã đứng giá là VIC, VCB. Các mã tăng có VNM tăng nhẹ 0,9%, lên 167.800 đồng, CTG tăng 0,66%, lên 22.750 đồng, BID tăng 2,34%, lên 24.050 đồng, MSN tăng 0,13%, lên 75.000 đồng, trong khi GAS giảm 0,24%, xuống 81.600 đồng, SAB giảm 1,33%, xuống 215.100 đồng, TCB giảm 1,53%, xuống 25.800 đồng.
Các mã tăng trong nhóm cổ phiếu bluechip có HPG, VJC, VRE, PLX, BVH, NVL, MBB, MWG…, nhưng mức tăng không lớn, chỉ trên dưới 1%, trong khi cũng chỉ có một số mã giảm như BHN, SSI, TPB, trong đó BHN giảm mạnh nhất 3,57%, xuống 81.000 đồng.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong phiên sáng nay vẫn là cổ phiếu HAG khi có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên 5.720 đồng với 8,86 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE và còn dư mua giá trần tới hơn 3,3 triệu đơn vị.
Tương tự, người anh em HNG cũng có mức tăng tốt 2,14%, lên 11.95 đồng với 3 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên sàn HOSE.
Đứng thứ 2 về thanh khoản trong phiên sáng nay là một mã penny khác FLC với 6,25 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 2,4%, lên 5.110 đồng. Trong khi đó, nhóm bluechip, MBB có giao dịch sôi động nhất với 5 triệu đơn vị.
Ngoài HAG, EVG có sắc tím lên mức 5.230 đồng với 1,42 triệu đơn vị được khớp. AGR cũng lên mức trần 3.400 đồng. AMD lại để mất sắc tím khi đóng cửa ở mức 3.760 đồng, tăng 4,73% với 1,5 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, TLD lại giảm sàn xuống 9.680 đồng với 1,33 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn.
Trên HNX, đà tăng của chỉ số HNX-Index gần như neo theo diễn biến của ACB và SHB trong phiên sáng nay. Nửa đầu phiên, khi ACB và SHB tăng mạnh, HNX-Index cũng leo lên qua ngưỡng 104 điểm, nhưng chỉ số này đã yếu đà, mất ngưỡng 103 điểm khi chốt phiên do ACB và SHB hạ nhiệt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,39%), lên 102,92 điểm với 67 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,98 triệu đơn vị, giá trị 252 tỷ đồng, giảm 8,4% về khối lượng, nhưng tăng 5,9% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua.
Như đã đề cập ACB và SHB hạ nhiệt sau khi tăng tốt đầu phiên. Chốt phiên, ACB chỉ còn tăng nhẹ 0,58%, xuống 34.400 đồng với 2,74 triệu đơn vị, đứng sau SHB về thanh khoản. SHB được khớp 2,77 triệu đơn vị và đóng cửa cũng chỉ còn tăng 1,3%, lên 7.800 đồng, mất mức giá cao nhất phiên 7.900 đồng.
Ngoài ra, cũng chỉ có thêm PVS tăng 0,64%, lên 15.700 đồng, còn lại là đứng giá tham chiếu, hoặc giảm nhẹ với thanh khoản không cao.
Trên sàn này sáng nay cũng chứng kiến một số mã cổ phiếu nhỏ tăng trần như MBG, ACM, KVC, DPS…
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này cũng tăng vọt trong nửa đầu phiên, nhưng nhanh chóng lao mạnh trở lại xuống dưới tham chiếu, trước khi hồi phục và có được mức tăng nhẹ khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 49,3 điểm với 54 mã tăng và 40 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,2 triệu đơn vị, giá trị 82 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,47 triệu đơn vị, giá trị 19,53 tỷ đồng.
Trên sàn này, ART tiếp tục là mã duy nhất có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (2,15 triệu đơn vị), nhưng đóng cửa giảm 7,59%, xuống 13.400 đồng, thậm chí có lúc giảm sàn 12.400 đồng.
Ngoài ra, chỉ có thêm LPB được khớp hơn nửa triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1 bước giá, lên 10.300 đồng, dù có lúc có sắc tím 11.700 đồng. Các mã còn lại cũng chỉ lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.