Việc giá dầu thế giới giảm điểm mạnh phiên thứ Hai (14/3), khiến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước chịu ảnh hưởng và đồng loạt giữ sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm qua (15/3), qua đó là một trong các tác nhân chính khiến thị trường chứng khoán giảm điểm khá mạnh.
Đà giảm này tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (16/3), tuy nhiên mức giảm không còn mạnh và đến giữa phiên sáng, hầu hết cổ phiếu dầu khí đều phục hồi, tăng trở lại.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,03%) xuống 573,88 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 3,45 triệu đơn vị, giá trị 50,47 tỷ đồng.
Khá bất ngờ trong phiên sáng nay là trong khi giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm trở lại, thì nhóm cổ phiếu trong nước lại “đi ngược” và đồng loạt tăng điểm. Chính điều này đã giúp cả 2 chỉ số nhanh chóng lấy lại sắc xanh, sau khi để sắc đỏ chiếm lĩnh với dư âm từ phiên giảm điểm khá mạnh trước đó.
Các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT, PVC, PVS, PLC… đều đồng loạt tăng từ 100-500 đồng/CP.
Ngoài ra, các chỉ số còn được hỗ trợ từ các mã lớn như VNM, VBC, BID, CTG, NTP, AAA, CEO, DBC…
Mặc dù vậy, thị trường lại giao dịch khá thận trọng, khi mà trước đó liên tục thất bại trước ngưỡng cản mạnh 580 điểm, khiến dự báo thị trường đang trong kỳ phân phối đỉnh trở nên rõ ràng hơn và rủi ro được đánh giá đang gia tăng.
Giao dịch vẫn chỉ tập trung ở một vài mã vừa và nhom, trong đó nổi bật nhất vẫn là HNG, HAG. HNG đã khớp được hơn 6 triệu đơn vị và HAG là hơn 2 triệu đơn vị sau hơn 1 tiếng giao dịch, điểm số cũng tăng khá mạnh nhờ sức cầu ổn định.
Đáng chú ý, nhóm khoáng sản đang “rục rịch” tạo sóng khi một số mã như KSA, BGM, HKB, KHL đã tăng trần ngay từ sớm, trong đó KSA và BGM có thanh khoản mạnh khi lần lượt khớp hơn 3 triệu và 2 triệu đơn vị.
Sau khi tiếp cận trở lại mốc 575 điểm, áp lực bán đã được gia tăng nên chỉ số bắt đầu rung lắc và có lúc đã lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ đà tăng tương đối ổn định của nhóm cổ phiếu dầu khí và một số mã vốn hóa lớn, nên thị trường vẫn giữ lại được sắc xanh, dù chưa về lại được mốc 575 điểm.
Cùng với đó, sự thận trọng đã khiến thanh khoản thị trường giảm khá mạnh trở lại khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ đạt hơn 1.300 tỷ đồng, giảm 24% so với phiên sáng qua.
Kết thúc phiên sáng, với 93 mã tăng và 111 mã giảm, VN-Index tăng 0,7 điểm (+0,12%) lên 574,75 điểm. Trong khi chỉ số VN30-Index giảm 0,98 điểm (-0,17%) về 582,04 điểm với 7 mã tăng và 13 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,81 triệu đơn vị, giá trị 1.052,18 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 2,2 triệu đơn vị, giá trị gần 123 tỷ đồng.
Tương tự, với 73 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,14%) lên 79,74 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 142,31 điểm với 8 mã tăng và 13 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,26 triệu đơn vị, giá trị 164,6 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là 4,4 tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng vào nhóm cổ phiếu bluechips khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm như VIC, MSN, STB, MBB, KDC, FPT, HPG, HSG…, dù vậy mức giảm khá nhẹ. MSN giảm 500 đồng về 73.000 đồng/CP. VIC giảm 300 đồng về 44.700 đồng/CP.
Trong khi các mã VNM, VCB, BID, SBT, HVG… vẫn tăng điểm khá ổn, qua đó giúp duy trì sắc xanh của chỉ số. VNM tăng 1.000 đồng lên 137.000 đồng/CP. VCB tăng 3000 đồng lên 42.300 đồng/CP.
Mặc dù vậy, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này lại không được tốt khi không có mã nào có mức khớp lệnh đạt đến con số 1 triệu đơn vị.
Tương tự, sự phân hóa cũng diễn ra trong nhóm dầu khí, các mã GAS, PVT, PLC, PGS, PVG còn giữ được mức tăng nhẹ, còn lại PVD, PVC, PVB đã quay đầu giảm điểm khi áp lực gia tăng. Đáng chú ý, với sức cầu tốt, 2 mã PVT và PGS đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, đa phần nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giữ được đà tăng nhờ sức cầu ổn định, qua đó góp công không nhỏ trong việc giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
HNG tăng 400 đồng lên 9.800 đồng/CP và khớp 7,2 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. HAG tăng 200 đồng lên 8.500 đồng/CP và khớp 4,4 triệu đơn vị. Các mã như DLG, VHG, TSC, BHS, KSA, FIT cũng có thanh khoản từ trên 1-3 triệu đơn vị.
Với nhóm khoáng sản, KSA giữ vững sắc tím 6.000 đồng/CP và khớp gần 3,58 triệu đơn vị. BGM, HKB, BAM và KHL cũng giữ được sắc tím, trong đó BGM khớp trên 3 triệu đơn vị , BAM khớp 1 triệu đơn vị. Ngược lại, DHM đã giảm sàn xuống 9.700 đồng/CP, tức giảm 700 đồng và khớp được 1,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhiều mã lớn như NTP, AAA, CEO, ACB… cũng đã quay đầu giảm điểm, nên đà tăng của sàn này bị thu hẹp. SCR dẫn đầu thanh khoản HNX với 2,5 triệu đơn vị được khớp, nhưng cũng giảm 200 đồng về 9.400 đồng/CP.
Ngoài, SCR, PGS và BAM, trên sàn này cũng chỉ có thêm KLS là khớp được trên 1 triệu đơn vị.