Phiên giao dịch hôm qua ghi nhận diễn biến trái chiều giữa 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và top những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.
Với việc BID bùng nổ và sát cánh với CTG đã giúp VN-Index đứng vững trước việc hàng loạt các mã lớn như VNM, VIC, VRE, PLX, MSN, VJC, HPG giảm điểm.
Cùng với thanh khoản khớp lệnh cao ở nhóm cổ phiếu thị trường đều là những mã tăng điểm cũng là động lực tâm lý tốt cho thị trường cho những phiên tới.
Theo FPTS, tâm lý thận trọng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đeo bám thị trường và gây khó khăn cho việc nhận diện tín hiệu của xu hướng tiếp theo.
Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch mạnh của khối ngoại như thường lệ sẽ được kích hoạt trong phiên ATC và tiềm ẩn rủi ro của những biến động xu hướng bất ngờ.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (16/3), lực cầu tự tin nhập cuộc rất nhanh, VN-Index leo thẳng một mạch lên trên 1.147 điểm, nhưng ngay tại đây, áp lực chốt lời từ một số bluechips xuất hiện, VN-Index điều chỉnh nhẹ trở lại ngưỡng 1.140 điểm, tạm thời “dưỡng sức”, trước khi một lần nữa thử thách ngưỡng 1.145 điểm sau hơn gần 1 giờ giao dịch.
Trong suốt thời gian này, độ rộng thị trường cân bằng trên sàn HOSE khi số mã tăng và giảm đang không có chênh lệch đáng kể, và điều tương tự cũng đang diễn ra ở nhóm VN30.
Đà tăng tốt VN-Index có lẽ nhờ vào nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn đang giao dịch tích cực hơn phiên hôm qua, đặc biệt là SAB, sau nhiều phiên giảm đã tăng nhanh hơn 3%, cùng với BID và CTG, và có thêm VCB vẫn đang là đầu kéo tâm lý cho cả nhóm cổ phiếu ngân hàng đi lên và có thanh khoản cao, và STB là nhân tố tích cực nhất, khi tăng sớm cùng dẫn đầu thanh khoản trên sàn, bỏ cách rất xa phần còn lại.
Đáng chú ý trong sáng sớm phiên giao dịch hôm nay là cổ phiếu EMC khi tăng trần ngay khi mở cửa, và thanh khoản chỉ đứng sau STB, và nếu giữ được sắc tím này cho đến hết ngày thì mã này sẽ có 7 phiên tăng liên tiếp, trong đó 6 phiên tăng trần.
Sau nhịp nghỉ nhẹ tại vùng 1.140 điểm, thị trường đã bật mạnh, VN-Index dần tiến sát ngưỡng 1.150 điểm, nhưng có lẽ do thanh khoản chưa thật sự đột phá và nhóm cổ phiếu dẫn dẵn có biên độ tăng không cao, và những lo ngại nhất định trong phiên ATC vào phiên chiều, với hoạt động mạnh của khối ngoại trong đợt 2 quỹ ETFs cơ cấu lại danh mục, đã chưa thể VN-Index chiếm lĩnh thành công mốc quan trọng này.
Tuy vậy, chốt phiên sáng nay, chỉ số VN-Index vẫn tăng tới hơn 10 điểm với điểm nhấn là nhóm cổ phiếu ngân hàng tất cả đều tăng và điều tương tự ở nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 140 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 10,97 điểm (+0,96%), lên 1.149,73 điểm. Tổng khối lượng giao địch dạt hơn 134,35 triệu đơn vị, giá trị 3.939,11 tỷ đồng, tăng hơn 7% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 8 triệu đơn vị, giá trị 414,1 tỷ đồng.
Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, STB có thanh khoản tốt nhất nhóm cũng như toàn sàn HOSE với gần 15 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 1,5% lên 16.400 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 0,4% lên 36.750 đồng/cổ phiếu, khớp 4,48 triệu đơn vị; VPB tăng 0,8% lên 64.300 đồng/cổ phiếu, khớp 2,66 triệu đơn vị; MBB tăng 0,4% lên 36.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,63 triệu đơn vị; HDB tăng 0,4% lên 44.700 đồng/cổ phiếu, khớp 1,98 triệu đơn vị; VCB tăng 1,4% lên 74.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,77 triệu đơn vị; BID không còn tăng mạnh như phiên hôm qua, nhưng kết phiên sáng nay vẫn cộng thêm 2,9% lên 42.900 đồng/cổ phiếu, khớp 1,53 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa đáng kể nhất là cặp đôi GAS và PLX khi tăng tốt nhất nhóm. GAS tăng 2,5% lên 124.000 đồng/cổ phiếu; PLX tăng 3,9% lên 84.300 đồng/cổ phiếu, cả 2 đều có trên nửa triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó là SAB, khi tăng 3,3% lên 221.000 đồng/cổ phiếu; MSN tăng 1,2% lên 94.100 đồng/cổ phiếu, còn lại VIC (+0,9%); VRE (+0,8%), và VNM (+0,9%).
Nhóm VN30 có 17 mã tăng, trong đó, ngoài các mã ngân hàng hút phần lớn thanh khoản thì đáng kể có SSI có hơn 6,2 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,9% lên 40.400 đồng/cổ phiếu và DHG tăng 3% lên 104.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có gần 260.000 đơn vị khớp lệnh.
Trong khi nhứng SBT, HPG, NVL, REE, FPT, HSG, ROS bị chốt lời. SBT giảm 3,4% xuống 18.700 đồng/cổ phiếu, khớp 3,85 triệu đơn vị; HPG giảm 0,3% xuống 60.400 đồng/cổ phiếu, khớp 2,7 triệu đơn vị; NVL giảm 0,1% xuống 78.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,8 triệu đơn vị; REE giảm 1,7% xuống 40.400 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1,3 triệu đơn vị, ROS giảm 2% xuống 134.000 đồng/cổ phiếu; HSG giảm 1,5% xuống 13.650 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu thị trường hôm nay vẫn có những sự trái ngược khi SCR, FLC, HQC, IDI, ASM, HAI, OGC, ITA tăng điểm thì HAG, HNG (đứng tham chiếu), HAR, QCG, EVG mất điểm.
Nhưng tích cực là nhóm cổ phiếu tăng điểm lại có thanh khoản vượt trội như SCR có 8,82 triệu đơn vị khớp; FLC có 5,5 triệu đơn vị, IDI có 4,87 triệu đơn vị; HQC có 3,8 triệu đơn vị; ASM có hơn 3,1 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu khác đáng chú ý tiếp tục là EMC, APC và TLD. Trong khi EMC có thêm một phiên tăng trần 6,7% lên 17.450 đồng/cổ phiếu và thanh khoản đột biến hơn 3,87 triệu đơn vị, thì TLD lại quay về mức giá sàn, giảm 21.750 đồng/cổ phiếu, khớp gần nửa triệu đơn vị.
APC sau 7 phiên giảm sàn liên tiếp đã có những tín hiệu tích cực trong phiên sáng nay, khi tăng trần 7% lên 49.950 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 770.000 đơn vị.
Cũng có sắc tím còn có CTS, khi tăng lên 14.650 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng từ sớm và duy trì mức tăng cho đến hết phiên với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu trụ cột như SHB, ACB, SHS, PVS, VCG, VGC, trong khi giảm điểm chỉ còn PVI, MBS.
Cụ thể, SHB tăng 3% lên 13.700 đồng/cổ phiếu, khớp gần 20 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX; ACB tăng 1,8% lên 50.300 đồng/cổ phiếu, khớp 2,5 triệu đơn vị; SHS tăng 1,2% lên 24.600 đồng/cổ phiếu, khớp 2,34 triệu đơn vị; PVS tăng 1,7% lên 23.700 đồng/cổ phiếu, khớp 2,15 triệu đơn vị. VCG tăng 0,4% lên 24.900 đồng/cổ phiếu, VGC tăng 3,7% lên 25.100 đồng/cổ phiếu, cả 2 đều có trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một số cổ phiếu tăng khác còn có HUT, NDN, VC3, NVB…thanh khoản từ hơn 400.000 đến 700.000 đơn vị khớp lệnh.
Ngược lại, PVI giảm 1,9% xuống 41.400 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 900.000 đơn vị, MBS giảm 0,5% xuống 18.400 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có hơn 345.000 đơn vị khớp lệnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,42 điểm (+1,08%), lên 132,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,2 triệu đơn vị, giá trị gần 734 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,33 triệu đơn vị, giá trị 98,2 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, sự tích cực cũng được thể hiện trong suốt thời gian giao dịch, tuy khối lượng khớp lệnh không quá khác biệt, nhưng giá trị đã giảm đáng kể, chỉ bằng 2/3 so với phiên sáng hôm qua.
Trong đó, POW thanh khoản tốt nhất với hơn 2,15 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,8% lên 17.100 đồng/cổ phiếu.
Một cổ phiếu khá lạ là NED, bất ngờ có hơn 2,11 triệu cổ phiếu được trao tay, trong khi rất nhiều phiên trước chỉ vài chục nghìn đơn vị, thậm chí nhiều phiên còn trắng thanh khoản. Kết thúc phiên sáng, mã này tăng 2% lên 10.000 đồng/cổ phiếu.
LPB tăng 1,9% lên 16.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,38 triệu đơn vị; HVN tăng 0,2% lên 52.400 đồng/cổ phiếu, khớp gần 700.000 đơn vị; OIL tăng 0,5% lên 22.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 600.000 đơn vị.
Các mã khác như VGT, PXL, ATA, DVN cũng tăng điểm, khớp từ 246.000 đến hơn 500.000 đơn vị, trong đó PLX và ATA có sắc tím.
Ngược lại, giảm điểm đáng kể có BSR, khi mất 0,4% xuống 27.000 đồng/cổ phiếu; VIB giảm 0,9% xuống 42.900 đồng/cổ phiếu, khớp từ 400.000 đến hơn 600.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,23%), lên 61,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 11,5 triệu đơn vị, giá trị 189,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 26,65 tỷ đồng.