Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường đã gặp khó khi tiếp cận ngưỡng kháng cự 980 điểm trong tuần vừa qua. Trong khi lực cầu chưa mấy mạnh dạn thì áp lực bán xuất hiện và gia tăng mạnh lên mỗi khi VN-Index tiến tới vùng thử thách này khiến thị trường diễn biến khá rung lắc. Thị trường đã kết thúc tuần thứ 2 của tháng 7 với phiên điều chỉnh nhẹ và trở lại với mốc 975 điểm.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), việc thị trường đi lên một cách chậm rãi với các đoạn nến xanh ngắn và xen kẽ có những phiên phân phối tráo đổi giữa các nhóm cổ phiếu. Điều này giúp thị trường tăng bền vững hơn và dòng tiền đầu cơ tiếp tục ở lại thị trường chứ không theo kiểu đánh nhanh rút nhanh như trước đó.
Đồng thời, ông Khanh đánh giá lạc quan với hiện tại và cho rằng, việc thị trường chinh phục trở lại mốc 1000 có thể chỉ trong thời gian ngắn sắp tới.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 15/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá tích cực đã tiếp sức giúp thị trường đảo chiều hồi phục thành công.
Tuy nhiên, đà tăng không quá lớn cùng với việc thiếu đồng thuận của các mã, nhóm ngành lớn khác, đã khiến VN-Index nhanh chóng thoái lui.
Ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục, lực bán được kích hoạt khiến sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó nhóm bluechip giao dịch thiếu tích cực khi các mã lớn như VNM, VHM, VIC, MSN… cùng nới rộng biên độ giảm, dòng bank cũng trở nên phân hóa, đã đẩy VN-Index về sát mốc 970 điểm.
Mặc dù sau đó, lực cầu hỗ trợ đã giúp thị trường bật ngược đi lên, nhưng cơ hội lấy lại thăng bằng và hồi phục đang khá khó khăn trước việc thiếu trụ đỡ dẫn dắt cùng dòng tiền tham gia khá yếu.
Sau hơn 90 phút giao dịch, trên toàn thị trường, chỉ có 10 mã có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị và chưa có mã nào khớp tới 2 triệu đơn vị.
“Tân binh” GAB vẫn là tâm điểm của thị trường. Sau 3 phiên chào sàn, cổ phiếu GAB đã tăng hơn 37% và hiện đang đứng tại mức giá trần 16.450 đồng/CP, thanh khoản GAB cũng khá sôi động với gần nửa triệu đơn vị đã được chuyển nhượng thành công (trong 2 phiên đầu, khối lượng khớp đều đạt trên 1,3 triệu đơn vị).
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 123 mã tăng và 150 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 2,05 điểm (-0,21%) xuống 973,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,67 triệu đơn vị, giá trị 1.549,99 tỷ đồng, cùng giảm hơn 8% cả về lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 12,36 triệu đơn vị, giá trị 280,33 tỷ đồng, trong đó riêng VPB thỏa thuận 5,49 triệu đơn vị, giá trị gần 110 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng lình xình với VCB, TCB tăng tương ứng 0,54% lên 74.100 đồng/CP và 1,45% lên 21.000 đồng; trong khi EIB, BID, HDB điều chỉnh nhẹ, còn CTG, STB và VPB đứng giá tham chiếu.
Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu lớn vẫn giao dịch thiếu tích cực, là gánh nặng chính khiến thị trường chưa thể hồi phục như VHM giảm 1,3% xuống 82.000 đồng/CP, VIC giảm gần 1% xuống 114.900 đồng/CP, MSN giảm 1,7% xuống 80.100 đồng/CP, VHM, GAS, SAB cũng giảm nhẹ…
Cổ phiếu ROS lùi về vị trí thứ 3 về thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh chỉ 2 triệu đơn vị và tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch thiếu tíc cực thứ 5 liên tiếp khi giảm 3,2% xuống mức 27.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAG đã hồi phục trở lại nhưng chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 5.610 đồng/CP, nhưng là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 3,26 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công. “Người anh em” HNG cũng khởi sắc hơn khi tăng 1,6% lên mức cao nhất ngày 19.100 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù rung lắc khá mạnh nhưng về cuối phiên, lực đỡ từ một số bluechip đã giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,23%) lên 106,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 172 tỷ đồng, giảm 17,93% về lượng và 21,35% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,44 triệu đơn vị, giá trị 41,3 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu lớn hỗ trợ cho thị trường hồi phục như SHB tăng 1,5% lên 6.800 đồng/CP, PVI tăng 2,2% lên 37.800 đồng/CP, PVS tăng 0,4% lên 23.900 đồng/CP, DBC tăng 1,71% lên đồng/CP, L14 tăng 2,6% lên 59.500 đồng/CP, VCG tăng 0,8% lên 26.100 đồng/CP…
Trong khi đó, VCS sau phiên tăng vọt cuối tuần trước đã giằng co và quay đầu điều chỉnh với mức giảm nhẹ 0,5% xuống 74.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HUT để mất sắc tím do lực bán gia tăng và chốt phiên tại mức giá 2.700 đồng/CP, tăng 3,8%. Tuy nhiên, HUT vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 1,95 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản, NDN khớp hơn 1,41 triệu đơn vị và PVS khớp 1,27 triệu đơn vị, còn lại các mã chỉ khớp lên đến hơn nửa triệu đơn vị.
Trái lại, trên UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ trong nửa đầu phiên, áp lực bán gia tăng đã đẩy thị trường lùi về dưới mốc tham chiếu và duy trì trạng thái giảm đến hết phiên sáng.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,3%) xuống 56,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,55 triệu đơn vị, giá trị 85,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3,2 triệu đơn vị, giá trị 37,56 tỷ đồng, trong đó riêng XMC thỏa thuận gần 2,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 32 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu lớn giao dịch thiếu tích cực như MCH giảm 2,9% xuống 95.000 đồng/CP, GVR giảm 0,7% xuống 13.400 đồng/CP, BSR giảm 0,8% xuống 12.100 đồng/CP, MSR giảm 0,5% xuống 18.300 đồng/CP…
Trong khi đó, VGI đảo chiều khởi sắc sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước, với mức tăng 5,8% lên 29.400 đồng/Cp và là mã dẫn đầu thanh khoản với gần 1,43 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Điểm sáng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là VIB tiếp tục giao dịch khởi sắc dù các thành viên khác đuối sức. Chốt phiên, VIB tăng 4,6% lên mức 18.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 708.700 cổ phiếu, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.