Thị trường đã tuần giao dịch nhiều kịch tính, trong đó đáng chú ý là phiên lao dốc ngày 11/10. Chịu tác động khá lớn từ diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến ngày “đen tối”. Với tâm lý nhà đầu hoảng loạn khiến lực bán tháo diễn ra trên diện rộng và khá ồ ạt, các chỉ số đều lao dốc không phanh.
Ngay sau phiên rơi mạnh, thị trường đã nhanh chóng hồi phục khá tích cực trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, theo giới phân tích, phiên hồi phục này chỉ mang tính chất thông thường sau khi thị trường bị bán tháo mạnh và theo quan sát diễn biến thực tế thì không xuất hiện cổ phiếu trụ cột dẫn dắt.
Mặc dù vậy nhưng phiên hồi phục cuối tuần vừa qua cũng có tác dụng trấn an tâm lý nhà đầu tư khá tốt và nhờ đó mà thị trường đã không còn rơi vào tình trạng quá bán nữa.
Theo ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC, diễn biến của thị trường tuần tới, thị trường sẽ sớm trở lại trạng thái cân bằng và bước vào giai đoạn dao động tích lũy sau khi trải qua các phiên biên động mạnh trong tuần qua.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 15/10, tâm lý thận trọng sau tuần điều chỉnh sâu khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế. Trong khi đó, lực bán vẫn khá lớn và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ.
Đà giảm càng sâu hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Chỉ số VN-Index đang giằng co quanh mốc 960 điểm. Sau khoảng 1 giờ, trong nhóm VN30, chỉ còn BMP và STB nhích nhẹ trên mốc tham chiếu, SAB và DHG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ, đang là gánh nặng chính của thị trường.
Trong khi đó, trên sàn HNX, sau diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu ở đầu phiên, áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index quay đầu giảm điểm.
Áp lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng hơn về cuối phiên khiến sắc đỏ bao phủ trên diện rộng và chỉ số VN-Index thủng mốc 960 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 93 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index giảm 10,98 điểm (-1,13%), xuống 959,1điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,79 triệu đơn vị, giá trị 1.735,26 tỷ đồng, giảm 45,32% về khối lượng và 64,13% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 313 tỷ đồng.
Tương tự, sàn HNX cũng nởi rộng đà giảm về cuối phiên. Chốt phiên, sàn HNX có 44 mã tăng và 59 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 1,03 điểm (-0,94%) xuống 108,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,48 triệu đơn vị, giá trị 224,35 tỷ đồng, giảm 52,76% về lượng và 48,21% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,17 triệu đơn vị, giá trị 53,18 tỷ đồng.
Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ có duy nhất VIC tăng nhẹ, còn lại đều giảm như VNM -1,8%, VCB -1,2%, GAS -2,3%, TCB -0,3%, CTG -0,8%. BID -1,5%, MSN -1,6%, VHM -0,6%.
Không chỉ có các mã lớn đầu ngành ngân hàng, dầu khí, bất động sản ở trên sụt giảm, các cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm cũng lần lượt chuyển đỏ. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng có thêm MBB, VPB, HDB, hay dầu khí như PLX, PVT, PXS…
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Trong đó, STB dẫn đầu với chưa đến 5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và nhờ lực cầu ngoại hỗ trợ tích cực cổ phiếu này đã chốt phiên tại mốc tham chiếu 13.050 đồng/CP.
Đứng ở vị trí tiếp theo, các mã FLC, MBB, HPG và HQC cùng có khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, các mã lớn cũng là nhân tố chính đẩy thị trường lùi sâu như ACB -1,6%, SHB -1,2%, VCS -1,2%, VGC -1,17%, PVC -2,6%, PVB -1,5%...
Giao dịch trên sàn HNX cũng khá nhỏ giọt. Top 5 mã giao dịch mạnh nhất gồm PVS với 2,14 triệu đơn vị, SHB với 1,2 triệu đơn vị, còn ART, ACB và HUT cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Không chỉ dừng lại ở sàn niêm yết, trên sàn UPCoM, lực bán cũng dâng cao về cuối phiên khiến đà giảm sâu hơn.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,54%) xuống 52,47 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,48 triệu đơn vị, giá trị 76,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 936.770 đơn vị, giá trị 9,75 tỷ đồng.
Trong hơn 700 mã giao dịch trên sàn, chỉ có duy nhất LPB có lượng giao dịch tới hàng triệu đơn vị. Cụ thể, LPB chốt phiên tại mức 9.600 đồng/CP, tăng 2,13% và đã chuyển nhượng thành công 1,23 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi cổ phiếu họ dầu khí BSR và POW với hơn 0,67 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR -0,6% xuống 16.800 đồng/CP, còn POW +0,7% lên 14.900 đồng/CP.