Sau phiên giảm mạnh hôm qua (13/8), để mất luôn mốc 970 điểm, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo có thể bị xuyên thủng trong phiên hôm nay (14/8). Tuy nhiên, thông tin tích cực từ bên ngoài đã giúp cho thị trường hồi trở lại trong phiên sáng nay.
Trong phiên tối qua, phố Wall khởi sắc sau thông tin Mỹ hoãn áp thuế 10% với một số hàng hóa nhập từ Trung Quốc ra sau tháng 9 (hoãn đến 15/12).
Hưởng ứng tích cực, chứng khoán châu Á sáng nay cũng mở cửa với sắc xanh tràn ngập các bảng điện tử sau phiên giảm mạnh hôm qua.
Không nằm ngoài xu hướng, chứng khoán Việt Nam cũng tăng mạnh ngay khi mở cửa với việc VN-Index tăng gần 9 điểm lên chinh phục lại mốc 975 điểm ngay đầu phiên sáng. Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến ngưỡng kháng cự động này trở thành lực cản mạnh với VN-Index.
Chỉ số bị đẩy lùi trở lại sau đó với thanh khoản không có nhiều cải thiện.
Chốt phiên, VN-Index tăng 4,27 điểm (+0,44%), lên 971,1 điểm với 164 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,7 triệu đơn vị, giá trị 1.485,6 tỷ đồng, giảm 17,7% về khối lượng và 23,5% về giá trị so với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,7 triệu đơn vị, giá trị 131,87 tỷ đồng.
Tất cả các mã cổ phiếu lớn trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất đều tăng giá, nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn dưới 1% và chỉ có duy nhất CTG có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,7 triệu đơn vị).
Rộng hơn, trong Top 30, số mã tăng cũng chiếm ưu thế so với số mã giảm. Cụ thể, trong Top 30 chỉ có 6 mã giảm, còn lại đều tăng giá, trong đó giảm mạnh nhất là ROS khi mất 2,78% xuống 26.250 đồng với 3,24 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, tăng mạnh nhất là BHN với 2,46% lên 95.700 đồng với chỉ 13.500 đơn vị được khớp. Cũng tăng trên 2% còn có FPT khi tăng 2,1% lên 53.600 đồng với 1,36 triệu đơn vị được khớp, còn lại chỉ tăng nhẹ.
Trong khi đó, dòng tiền vẫn hướng tới nhóm cổ phiếu thị trường, nhưng về giá của nhóm này có sự phân hóa.
Trong đó, ITA có thanh khoản tốt nhất với 4,35 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,72% xuống 3.430 đồng. HNG tăng 3,33% lên 18.600 đồng với 3,68 triệu đơn vị. DLG tăng 0,66% lên 1.530 đồng với 2,44 triệu đơn vị…
Tương tự, HNX-Index cũng bật mạnh đầu phiên nhưng sau đó nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại và chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 102,36 điểm với 54 mã tăng và 51 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,3 triệu đơn vị, giá trị 219 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị 44,86 tỷ đồng.
Trong các cổ phiếu lớn trên sàn HNX, ngoại trừ PVI tăng mạnh 3,68%, lên 39.400 đồng với 0,68 triệu đơn vị, còn lại chỉ lình xình quanh tham chiếu. Trong đó, có 2 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị là PVS và SHB.
Trong khi đó, PVX lại khởi sắc khi tăng trần lên 1.500 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Thanh khoản của PVX đứng đầu sàn HNX.
Ngoài ra, sàn này cũng chỉ có thêm 2 mã nữa được khớp trên 1 triệu đơn vị là HUT và TNG, trong đó HUT đóng cửa ở tham chiếu, còn TNG tăng 4,57% lên 18.300 đồng.
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 57,12 điểm với 79 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,46 triệu đơn vị, giá trị 360 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 247,6 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM chỉ có 2 mã khớp trên nửa triệu đơn vị là GVR và BSR, trong đó GVR giảm 1,29% xuống 15.300 đồng, còn BSR đứng giá tham chiếu 9.900 đồng.