Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một tuần giao dịch khá thành công. Bên cạnh chứng khoán châu Á lên cao nhất trong 5 tuần, chứng khoán Mỹ cũng có chuỗi tăng liền 5 phiên liên tục, trong đó chỉ số S&P 500 đang có chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ tháng 9, chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy lại những gì đã mất trong tuần đầu năm.
Cụ thể, sau 4 tuần liên tiếp đi xuống, chỉ số VN-Index đã hồi phục và đã lấy lại được mốc tâm lý 900 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng và chưa mấy tự tin về xu hướng tăng khiến dòng tiền chủ yếu đứng ngoài và các “ông lớn” vẫn là trụ đỡ chính mà vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung của thị trường.
Theo ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco, trong ngắn hạn thị trường cơ bản vẫn sẽ khó khăn - ít động lực để đi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ giờ cho tới hết tháng 2/2019, tôi cho rằng thị trường cũng khó có cơ sở để giảm sâu, khi thỏa thuận thương mại Mỹ Trung vẫn chưa ngã ngũ, vì vậy từ giờ cho tới lúc đó thị trường sẽ giao dịch như thời gian qua: biến động mạnh và thường xuyên có những nhịp giảm đột ngột và nhanh nhưng sau đó lại hồi phục - dẫn dắt bởi tâm lý yếu của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 14/1, hưởng ứng đà tăng tích cực trong tuần vừa qua, thị trường tiếp tục nhích nhẹ khi mở cửa.
Tuy nhiên, sắc xanh nhanh chóng bị đẩy lui và thay vào đó là sắc đỏ ngay trong đợt khớp lệnh liên tục khi mà diễn biến ở nhóm cổ phiếu bluechip có phần thiếu tích cực.
Không nằm ngoài lo ngại của giới phân tích khi mà thị trường tăng nhờ vào sự luân phiên thay thế dẫn dắt của một số trụ cột thì khi nhóm cổ phiếu này diễn biến xấu, thị trường cũng ngay lập tức sẽ quay đầu.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhẹ và rung lắc, cổ phiếu lớn VNM cũng đảo chiều giảm phiên khởi sắc cuối tuần trước, ngoài ra, một số mã lớn khác như GAS, VIC, SAB… cũng đang giao dịch thiếu tích cực, là những yếu tố chính tác động tới diễn biến thị trường. Chỉ số VN-Index khá rung lắc và có thời điểm đe dọa mốc 900 điểm.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là thanh khoản thị trường khá thập. Sau hơn 1 giờ giao dịch, tổng giá trị trên 2 sàn chỉ hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có vài mã có khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Sau diễn biến giằng co và rung lắc, thị trường đã bị đẩy lùi sâu hơn trước áp lực bán gia tăng. Bên cạnh đó, lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng và chưa mấy nhập cuộc khiến sắc đỏ dần chiếm áp đảo, VN-Index nhanh chóng bị mất mốc 900 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 154 mã giảm và 96 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,95 điểm (-0,44%) xuống 898,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,17 triệu đơn vị, giá trị 1.104,46 tỷ đồng, giảm 7,67% về lượng và hơn 24% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 9,97 triệu đơn vị, giá trị 150,32 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, mặc dù diễn biến nửa đầu phiên sáng khá tích cực nhưng giao dịch thiếu tích cực trên sàn HOSE đã nhanh chóng lan sang khiến HNX-Index giằng co mạnh và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán có phần gia tăng về cuối phiên đã lấy đi sắc xanh của thị trường.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã giảm và 31 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,12%) xuống 101,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,82 triệu đơn vị, giá trị 181,68 tỷ đồng, tăng 32,86% về lượng và 16,48% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,89 triệu đơn vị, giá trị 47,81 tỷ đồng.
Nhóm VN30, chỉ còn 7 mã tăng và có tới 21 mã giảm, trong đó các mã vốn hóa tác động chính tới xu hướng thị trường đều giao dịch thiếu tích cực như VNM giảm 0,6% xuống 133.200 đồng/CP, GAS giảm 2% xuống đồng/Cp, MSN, PLX, SAB, VIC…
Ở dòng bank, diễn biến phân hóa vẫn tiếp diễn khi VCB tăng nhẹ 0,4% lên 55.400 đồng/CP, CTG tăng 1,1% lên 19.000 đồng/CP, trong khi BID giảm 0,5% xuống 31.750 đồng/Cp, TCB giảm 0,4% xuống 25.900 đồng/CP, MBB, STB, HDB, VPB cũng giảm nhẹ.
Hôm nay, POW chính thức chuyển sang niêm yết trên HOSE và cũng là thành viên mới đầu tiên của sàn này trong năm 2019. Với giá tham chiếu 14.900 đồng/CP, POW đã tăng 3,7% lên 15.450 đồng/CP và đã khớp lệnh 2,25 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HOSE.
Trong khi đó, cổ phiếu giao dịch sôi động nhất vẫn là FLC. Thông tin Bamboo Airways đã sẵn sàng bán vé từ 12h trưa ngày 12/1/2019, tiếp tục giúp FLC khởi sắc khi tăng 2,4% lên 5.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7,4 triệu đơn vị.
Trái lại, các mã thị trường khác như KBC, ITA, SCR, DXG, HQC, ASM… đều đảo chiều giảm.
Đáng chú ý, cổ phiếu SJF tiếp tục tiến bước đi ngược xu hướng thị trường sau chuỗi ngày dài giảm sâu. Xác lập phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, chốt phiên sáng nay, SJF tăng 7% lên 6.880 đồng/CP và khớp lệnh 1,27 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, cặp đôi ACB và SHB diễn biến trái chiều nhau. Trong khi SHB tiếp tục khởi sắc và tăng 1,4% lên 7.100 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn, đạt 4,47 triệu đơn vị; còn ACB giảm 0,7% xuống 28.700 đồng/CP và khớp hơn 0,54 triệu đơn vị.
Đứng tiếp theo về thanh khoản trên sàn HNX là VCG khớp hơn 2 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 23.400 đồng/CP, tăng 1,3%; PVS giảm 1,1% xuống 17.700 đồng/CP và khớp 1,22 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, trong khi toàn bộ các mã cùng ngành đều suy giảm thì SHS lại là điểm sáng của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Chốt phiên, SHS tăng 9,3% lên mức giá trần 10.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 626.500 đơn vị, dư mua trần 39.200 đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng khá rung lắc và có phần kém may mắn trong những phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nheh 0,02 điểm (-0,03%) xuống 53,17 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,36 triệu đơn vị, giá trị 67,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chưa tới 3 tỷ đồng.
Không có mã nào có khối lượng giao dịch nửa triệu đơn vị, BSR dẫn đầu thanh khoản với chỉ 410.600 đơn vị và chốt phiên giảm 1,46% xuống 13.500 đồng/CP.
Cặp đôi lớn ngành hàng không đã đảo chiều giảm với HVN giảm 0,6% xuống 88.800 đồng/CP, còn ACV giảm 1,4% xuống 36.500 đồng/CP.