Sau nhịp giảm khá mạnh vào cuối năm 2018, thị trường đã kết thúc quý I/2019 với mức tăng gần 10%, trong đó, lực đỡ chính của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu lớn với tâm điểm chính là họ Vingroup và dòng bank.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 3, thị trường đã chịu áp lực bán khá lớn cùng dòng tiền tham gia hạn chế bởi tâm lý thận trọng, sau khi VN-Index chạm mốc 1.014 điểm vào phiên 19/3, khiến chỉ số này rung lắc và giao dịch giằng co hơn.
Phiên cuối tuần vừa qua (29/3) diễn ra khá tiêu cực khi bị bán tháo vào những phút cuối trong bối cảnh thị trường quốc tế rất tích cực, đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu và kết phiên tại mốc 980 điểm.
Một trong những điểm nhấn thị trường thời gian gần đây chính là dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá sôi động và liên tiếp rót mạnh dòng tiền tham gia qua từng phiên giao dịch.
Theo ông Lu Hui Hung, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), diễn biến khả quan của dòng vốn ngoại có thể kích hoạt dòng tiền trong nước tham gia thị trường và ủng hộ cho một kịch bản tích cực trong quý II/2019, với mức tăng khoảng 10%, tương ứng với VN-Index quanh ngưỡng 1.100 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 1/4, nhóm cổ phiếu bluechip là lực đỡ chính giúp thị trường mở cửa khởi sắc.
Mặc dù dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát nhưng một số mã lớn như VNM, MSN và VHM đang là trụ cột chính dẫn dắt VN-Index thử thách lại mốc 985 điểm. Đáng chú ý, khối ngoại vẫn đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho thị trường với tâm điểm vẫn là các mã bluechip như VRE, VNM, VCB hay chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
Cổ phiếu ROS sáng nay bất ngờ giao dịch mạnh tuy nhiên áp lực bán khiến mã này duy trì trạng thái dưới mốc tham chiếu. Sau gần 2 giờ giao dịch, ROS giảm 2,5% xuống 31.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 5,11 triệu đơn vị.
Trái lại, YEG đã lấy lại sắc xanh sau 3 phiên lao dốc trở lại với mức tăng 1,1%, tạm đứng tại mức giá 101.100 đồng/CP.
Sau hơn 2 giờ giằng co quanh mốc 985 điểm, áp lực bán gia tăng khiến biên độ bị thu hẹp. Dù sau đó, lực cầu hỗ trợ đã giúp chỉ số VN-Index bật ngược đi lên, tuy nhiên dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp chỉ số này chinh phục được ngưỡng kháng cự 985 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá phân hóa với 138 mã tăng và 149 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 3,99 điểm (+0,41%) lên 984,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 82 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.651 tỷ đồng, giảm 3,87% về lượng và 4,98% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,11 triệu đơn vị, giá trị 196,82 tỷ đồng, riêng ROS thỏa thuận 2,3 triệu đơn vị, giá trị 78,2 tỷ đồng.
Mặc dù có chút hạ nhiệt nhưng “ông lớn” VNM vẫn là trụ đỡ chính của thị trường, sau 5 phiên liên tiếp lình xình hoặc giảm giá trước đó. Với mức tăng 1,8%, cổ phiếu VNM chốt phiên tại 137.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 389.630 đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng đóng vai trì hỗ trợ thị trường như MSN tăng 2,8% lên 86.700 đồng/CP, VRE tăng 2,3% lên 35.400 đồng/CP, VCB tăng 0,9% lên 67.900 đồng/CP, GAS tăng 0,9% lên 99.100 đồng/CP, VHM tăng 0,7% lên 92.100 đồng/CP, VIC tăng nhẹ 0,3% lên 116.200 đồng/CP.
Trái lại, dù đà giảm không quá sâu nhưng các mã như CTG, BID, BVH, HPG… cũng phần nào cản trở khiến VN-Index khó lòng tiếp cận mốc 985 điểm.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng đầu tuần là nhóm cổ phiếu thị trường. Mặc dù dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt nhưng các mã vừa và nhỏ lại có sức hút khá mạnh.
Cụ thể, cổ phiếu ITA tăng 2,2% lên 3.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 4,55 triệu đơn vị, ASM tăng 5,1% lên 7.780 đồng/CP và khớp 3,17 triệu đơn vị; FLC tăng 2% lên 5.180 đồng/CP và khớp hơn 2,94 triệu đơn vị, DLG tăng 4% lên 1.820 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến HNX-Index bị đẩy về dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên thị trường đã kịp đảo chiều hồi phục sắc xanh nhờ lực đỡ từ một số mã lớn.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,19%) lên 107,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 14,68 triệu đơn vị, giá trị 162,94 tỷ đồng, giảm khá mạnh 23,7% về lượng và 42,24% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần. Giao dịch thỏa thuận đạt 670.653 đơn vị, giá trị 44,28 tỷ đồng, trong đó HHC thỏa thuận gần 37,88 tỷ đồng.
Các mã lớn hỗ trợ giúp thị trường lấy lại sắc xanh là ACB tăng 0,3% lên 30.400 đồng/CP, SHB tăng 1,3% lên 7.600 đồng/CP, PVI tăng 1,3% lên 38.000 đồng/CP, PVS tăng 1,5% lên 20.900 đồng/CP, VCG tăng 1,9% lên 27.500 đồng/CP, VGC tăng gần 1% lên 20.700 đồng/CP.
Cổ phiếu nhỏ ACM đang dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh 1,29 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 700 đồng/Cp, tăng 16,7%.
Đứng ở vị trí thanh khoản tiếp theo là 2 mã SHB và PVS với khối lượng khớp lần lượt 1,19 triệu đơn vị và 1,02 triệu đơn vị. Còn lại các mã đều có khối lượng khớp lệnh chưa tới 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, trái với 2 sàn chính, áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ và duy trì đà giảm đến hết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,83%) xuống 57,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,98 triệu đơn vị, giá trị 123,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 2 tỷ đồng.
Mặc dù có thời điểm khởi sắc nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến BSR tiếp tục chốt phiên trong sắc đỏ khi giảm 1,6% xuống 12.500 đồng/CP và khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 1,25 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực khiến thị trường khó hồi phục như ACV giảm 0,9% xuống 84.500 đồng/CP, HVN giảm 0,5% xuống 41.000 đồng/CP, VEA giảm 5,5% xuống 49.900 đồng/CP, VGT giảm 0,8% xuống 12.500 đồng/CP…