Sau nhiều tuần lình xình với thanh khoản thấp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ khởi sắc trong 2 phiên chào Xuân với mức tăng của VN-Index gần 29 điểm và thanh khoản được cải thiện mạnh. Sắc xanh tràn ngập bảng điện tử trong 2 phiên giao dịch đầu năm mới Kỷ Hợi 2019.
Sau phiên giao dịch hôm qua (12/2), BVSC đánh giá mẫu hình nến xanh dài thứ 2 liên tiếp xuất hiện trên đồ thị giá của chỉ số cho thấy động lực tăng điểm của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Tuy vậy, việc đường giá vượt ra ngoài dải BB trong phiên 12/2 có thể là dấu hiệu cảnh báo áp lực rung lắc, điều chỉnh của thị trường sẽ sớm xuất hiện trong một vài phiên kế tiếp.
Đúng dấu hiệu kỹ thuật này, bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa, nhưng VN-Index sau đó đã nhanh chóng đảo chiều xuống dưới tham chiếu trước khi quay đầu tăng trở lại, nhưng mức tăng không lớn.
Đà tăng nhẹ được duy trì đến hết phiên sáng, nhưng thị trường có sự phân hóa khá rõ khi sắc xanh không còn quá áp đảo trên bảng điện tử.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,3%) lên 940,38 điểm với 146 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,56 triệu đơn vị, giá trị 2.510,8 tỷ đồng, tăng 4,9% về khối lượng và 6,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,2 triệu đơn vị, giá trị 463,5 tỷ đồng.
Trong phiên sáng nay, Top 10 mã vốn hóa lớn đã không còn có sự đồng thuận như 2 phiên trước khi số mã tăng và giảm gần như chia đều nhau. Trong các mã tăng, MSN tăng tốt nhất với 2,67% lên 84.500 đồng, tiếp đến là GAS tăng 1,76% lên 92.600 đồng, VCB tăng 1,37% lên 59.400 đồng, TCB tăng 0,18% lên 27.500 đồng, CTG may mắn trở lại tham chiếu. Ở chiều ngược lại, VIC giảm 0,55% xuống 108.500 đồng, VHM giảm 0,13% xuống 79.900 đồng, VNM giảm 0,65% xuống 137.100 đồng, SAB giảm 0,76% xuống 236.000 đồng và BID giảm 0,31% xuống 32.350 đồng.
Trong khi đó, nhờ lực cầu mạnh của khối ngoại, HPG lại có đà tăng khá tốt 2,88% lên 30.350 đồng với 5,88 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 2,4 triệu đơn vị.
Ở các mã nhỏ, sắc tím của HSG không còn được duy trì khi áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh. Chốt phiên, HSG tăng 6,32% lên 7.400 đồng với 6,3 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn.
HQC cũng duy trì sắc xanh với mức tăng 4,17% lên 1.500 đồng với 4,95 triệu đơn vị được khớp…
Trên sàn HNX, dấu hiệu rung lắc đã xuất hiện từ phiên hôm qua, nhưng may mắn có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu lớn nên lấy lại đà tăng tốt nửa cuối phiên. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, áp lực thực sự đã đến với chỉ số này khi giằng co nhẹ quanh tham.
Chốt phiên, HNX-Index đứng ở mức tham chiếu 106,04 điểm với 61 mã tăng và 55 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,88 triệu đơn vị, giá trị 214 tỷ đồng, giảm 9,3% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với phiên sáng qua.
Top 10 mã vốn hóa lớn trên sàn này cũng có diễn biến tương tự với sàn HOSE khi có 5 mã giảm, 4 mã tăng và 1 mã đứng giá. Trong đó, 4 mã vốn hóa lớn nhất là ACB, VCG và VCS đều giảm nhẹ dưới 1%. Ngoài ra còn có VGC, PVI cũng đóng cửa với mức giảm nhẹ dưới 1%. Trong khi đó, SHB đứng giá tham chiếu, PVS tăng 1,05% lên 19.300 đồng, DGC tăng mạnh 3,08% lên 43.500 đồng, NTP và PHP tăng nhẹ dưới 1%. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 4,7 triệu đơn vị được khớp. Thêm 2 mã nữa là VGC và ACB có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trong các mã nhỏ, ART có thanh khoản khá tốt với 2,2 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 4,34% lên 2.400 đồng.
Trên thị trường UPCoM, sau ít phút đầu khó khăn, chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều thành công và đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%), lên 55,78 điểm với 62 mã tăng và 44 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,53 triệu đơn vị, giá trị 141 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 0,1 triệu đơn vị, giá trị 8,7 tỷ đồng.
Trên thị trường này, chỉ duy nhất BSR được khớp trên 1 triệu đơn vị (hơn 2 triệu đơn vị) và đóng cửa tăng 4,44% lên 14.100 đồng. HVN cũng tăng 3,54% lên 41.000 đồng với gần 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng.