Phiên sáng 12/11: Hy vọng vụt tắt

Phiên sáng 12/11: Hy vọng vụt tắt

(ĐTCK) Những tưởng thị trường sẽ hồi phục nhờ lực kéo từ một số mã lớn nhưng dòng tiền khá yếu trước áp lực bán thường trực khiến sắc đỏ nhanh chóng quay trở lại, dập tắt tia hy vọng xanh trong phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 12/11.

Sau tuần giao dịch khởi sắc, thị trường trở lại xu hướng điều chỉnh bởi tác động thiếu tích cực từ thị trường quốc tế trước các dữ liệu bi quan của Trung Quốc và khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất. Đáng kể, phiên giảm sâu ngày 9/11 đã đẩy VN-Index lùi về dưới ngưỡng kháng cự 915 điểm và tính chung cả tuần để mất gần 10 điểm.

Bên cạnh các chỉ số quay đầu đi xuống, điều đáng quan tâm là dòng tiền dường như đứng ngoài khiến thị trường có tuần giao dịch khá ảm đạm. Đặc biệt, trong phiên 8/11 đã xác lập mức thanh khoản thấp kỷ lục.

Trong thời điểm hiện tại, khi bức tranh công bố báo cáo tài chính quý III/2018 đã được vén gần hết, thị trường bước vào vùng trống trống thông tin, thì điểm sáng trong tuần vừa qua chính là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Nếu trong tuần trước đó, dù khối ngoại mua ròng khủng tới 1.600 tỷ đồng nhưng nếu loại trừ yếu tố đột biến từ giao dịch thỏa thuận khủng MSN thì khối này vẫn trong trạng thái bán ròng; ở tuần vừa qua, khối ngoại đã có nguyên 1 tuần mua ròng.

Theo dự báo của ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS, trong kịch bản lạc quan nhất, thị trường ẫn đang trong quá trình điều chỉnh tích lũy bình thường với vùng hỗ trợ xung quanh mốc 900 điểm. Trong kịch bản kém lạc quan hơn, tôi cho rằng thị trường có khả năng retest đáy cũ, chỉ số VN-Index đã 3 lần retest mức này và đều xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật.

Với những diễn biến và phân tích trên, thị trường tiếp tục bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 12/11 thiếu tích cực, sắc đỏ vẫn là chủ đạo trên bảng điện tử.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng đã nhanh chóng lấy đi hơn 10 điểm chỉ trong thời gian ngắn khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, ngay khi về gần vùng 900 điểm, lực cầu hấp thụ khá tốt đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Mặc dù khá khó khăn trước dòng tiền không mấy sôi động nhưng VN-Index đã đảo chiều thành công và le lói sắc xanh sau hơn 2 giờ giao dịch nhờ nỗ lực của một số mã lớn.

Nhưng niềm vui quá ngắn, thị trường nhanh chóng trở lại với “chiếc áo đỏ” chỉ trong vài phút sau đó trước áp lực bán thường trực. Màu đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện tử.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 189 mã giảm và chỉ 79 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 2,17 điểm (-0,24%) xuống 912,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,2 triệu đơn vị, giá trị gần 1.490 tỷ đồng, giảm 5,84% về lượng nhưng tăng 4,56% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,8 triệu đơn vị, giá trị 276,89 tỷ đồng.

Tương tự trên sàn HNX, ngay khi nhận tín hiệu xanh trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều thành công nhưng cũng nhanh chóng sau đó đã bị dập tắt trước sức ép cung khá lớn.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,22%) xuống 102,78 điểm với 52 mã giảm và chỉ 37 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,94 triệu đơn vị, giá trị 198,85 tỷ đồng, giảm 3,28% về lượng nhưng tăng 10,32% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 1,5 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu trụ cột tác động chi phối tới chỉ số chung của thị trường vẫn giao dịch thiếu tích cực như VNM giảm 1,2% xuống 115.600 đồng/CP, VIC giảm nhẹ 0,2% xuống 95.700 đồng/CP, MSN giảm 2% xuống đồng/CP.

Thêm vào đó là sắc đỏ phủ rộng trong nhóm cổ phiếu vua như VCB, CTG, BID, TCB, MBB, STB, VPB, HDB đều có mức giảm trên dưới 1%. Trong đó, VPB là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với chỉ 4,1 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên tại mức 20.150 đồng/CP, giảm 1%.

Trái lại, một số mã bluechip đóng vai trò là lực đỡ giúp thị trường không giảm quá sâu, thậm chí có cơ hội vượt qua mốc tham chiếu như GAS tăng % lên 95.600 đồng/CP, SAB tăng 2,7% lên 231.900 đồng/CP, hay MWG cũng đã hồi phục sau 2 phiên điều chỉnh trước thông cáo gửi tới cổ đông và khách hàng khẳng định việc bị lộ thông tin khách hàng là giả, với mức tăng 1,7% lên 107.800 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường cùng không nằm ngoài xu hướng chung khi phần lớn các mã quen thuộc cũng đều đi xuống. Trong đó, FLC sau 3 phiên liên tiếp khởi sắc, đã quay đầu giảm 2,4% xuống 5.650 đồng/CP và khớp 3,67 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE.

Tương tự, HAI cũng đảo chiều giảm trước áp lực bán gia tăng, với mức giảm 7% xuống mức giá sàn 2.530 đồng/CP và khớp 3,54 triệu đơn vị, dư bán sàn 74.100 đồng/CP.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu ngân hàng cũng thiếu tích cực. Bên cạnh SHB đứng giá tham chiếu, ACB sau khi le lói sắc xanh hỗ trợ cho thị trường khởi sắc cũng đã quay đầu đi xuống với mức giảm 0,7%, chốt phiên tại mức giá 28.500 đồng/CP và khớp 1,16 triệu đơn vị.

Tương tự, NVB cũng đảo chiều giảm 1% xuống 9.700 đồng/CP và khớp 1,13 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý là PVS. Sau 4 phiên liên tiếp giảm, PVS đã hồi phục khá tốt trước thông tin kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế quý III đạt 222 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 1.488 tỷ đồng, tăng trưởng 5% và vượt xa kế hoạch 560 tỷ đồng của cả năm.

Chốt phiên, PVS tăng 2,8% lên 18.300 đồng/CP với khối lượng khớp 3,59 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Cũng giống 2 sàn niêm yết, sàn UPCoM đã mang mang lại chút tia hy vọng cho nhà đầu tư khi có thời điểm chỉ số UPCoM-Index được kéo qua mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ số này đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,1%) xuống 51,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,11 triệu đơn vị, giá trị 74,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,56 triệu đơn vị, giá trị 22,28 tỷ đồng. Trong đó riêng LAW thỏa thuận hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 21,37 tỷ đồng.

Không có mã nào có khối lượng giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu họ dầu khí BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch 683.300 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 15.700 đồng/CP, giảm 0,63%.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng có diễn biến thiếu tích cực và chốt phiên dưới mốc tham chiếu như HVN, QNS, VGT, VGI, GVR, MSR…

Tin bài liên quan