Sau chuỗi tăng điểm mạnh vừa qua, thị trường đã có 1 phiên điều chỉnh thực sự ở phiên hôm qua. Diễn biến điều chỉnh trong phiên cùng với việc thanh khoản tăng cao chứng tỏ áp lực chốt lời đã được thể hiện rõ nét trên cả 2 sàn.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng gia tăng đáng kể tại vùng giá thấp giúp thị trường lấy lại thăng bằng trong những thời điểm cuối phiên. Điều này cũng mở ra hy vọng thị trường sẽ cân bằng hơn trong những phiên tới.
Ngoài ra, nhiều CTCK còn đánh giá phiên điều chỉnh ngày 10/7 là không quá bất ngờ sau chuỗi phiên phục hồi ấn tượng vừa qua và trong bối cảnh thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ. Thị trường giảm khá sâu, nhưng thanh khoản tăng cao cho thấy dòng tiền đầu tư tiếp tục quay trở lại và phần nào thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào xu hướng tăng của thị trường.
Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng vẫn bao phủ ngay từ khi mở cửa phiên 11/7, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,94 điểm (-0,16%) xuống mức 583,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,48 triệu đơn vị, trị giá 108,65 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch ở mức cao là nhờ giao dịch thỏa thuận của hơn 741.000 cổ phiếu VNM trị giá trên 89 tỷ đồng và gần 297.000 cổ phiếu ABT trị giá 13,36 tỷ đồng.
Lúc đầu phiên, VNM là trụ đỡ chính của VN-Index với mức tăng nhẹ 1.000 đồng. Tuy nhiên, vào cuối phiên, cùng với áp lực cung lớn của thị trường, VNM cũng bị kéo về giá tham chiếu, khiến thị trường giảm sâu dần trước khi bật nhẹ trở lại khi về sát mốc hỗ trợ 580 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,41 điểm (-0,41%), xuống 582,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,7 triệu đơn vị, trị giá 747,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 1,2 triệu đơn vị, giá trị 105,68 tỷ đồng. VN30-Index giảm 4,16 điểm (-0,66%), xuống 624,62 điểm.
Cùng lúc, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,68%) xuống 78,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,6 triệu đơn vị, trị giá 351,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 14,87 triệu đơn vị, giá trị 106,97 tỷ đồng, nhờ sự đóng góp của 14,7 triệu cổ phiếu NVB, giá trị 102,9 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,11 điểm (-0,7%), xuống 158,39 điểm.
Trên HOSE, sắc đỏ bao trùm khắp bảng điện tử với số mã giảm giá gấp hơn 3 lần số mã tăng giá. Trong nhóm cổ phiếu bluechip và cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ còn mỗi BID giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, nhờ GAS, VCB, VIC, VNM, CTG, DPM không giảm giá, nên đà giảm của VN-Index cũng được hãm bớt phần nào.
Trong các mã dẫn dắt dòng tiền, FLC giảm 300 đồng, xuống 12.700 đồng với gần 6 triệu đơn vị được khớp. HQC, ITA, VHG cũng giảm giá với lượng khớp từ hơn 1 triệu đơn vị, đến hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi các mã dẫn dắt chỉ lình xình quanh tham chiếu với sự thận trọng của cả người mua và người bán, thì cổ phiếu HLA lại gây bất ngờ trong ngày được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát sau 3 phiên tạm dừng giao dịch để giải trình nguyên nhân lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Ngay khi được giao dịch trở lại trong phiên hôm nay, HLA đã được nhà đầu tư ồ ạt mua vào kéo mã này tăng 100 đồng, lên mức giá trần 2.500 đồng/đơn vị với gần 40.000 đơn vị được khớp trong khi còn dư mua gần 1,2 triệu đơn vị.
Theo giải trình của HLA, Công ty đang cố gắng tiết giảm dư nợ vay thông qua việc giải phóng hàng tồn kho, đồng thời, đàm phán với các ngân hàng, chủ nợ về việc giãn thời gian trả nợ và tiếp tục cho HLA vay để hỗ trợ Công ty vượt qua khó khăn, sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tái cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Nếu tình hình hiện nay không được cải thiện, nhiều khả năng HLA sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc bởi số lỗ lũy kế của Công ty đến 31/3/2014 là 463,22 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp tới hơn 110 tỷ đồng.
Ngoài HLA, SMA cũng gây bất ngờ khi nhận được lực cầu tốt vào nửa cuối phiên để leo lên mức giá trần 5.900 đồng với 348.610 đơn vị được khớp. Trong khi SKG tiếp tục tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp sau ngày chào sàn, nhưng thanh khoản rất thấp.
Trên HNX, ngoại trừ sự đột biến về giao dịch thỏa thuận của NVB, giao dịch trên sàn khá trầm lắng, mã được khớp lớn nhất là PVX chỉ gần 2,8 triệu đơn vị và giảm nhẹ 100 đồng.
Về mức giá, ngoại trừ DBC tăng mạnh 600 đồng (+1,82%), các bluechip còn lại chủ yếu là giảm nhẹ. Đà tăng của DBC nhờ lực cầu ngoại khi khối này mua vào hơn 28% tổng lượng khớp của DBC. Tuy nhiên, dù cũng được khối ngoại mua vào lớn, tới gần 40% tổng lượng khớp, nhưng PVS lại giảm 200 đồng, xuống 29.700 đồng.