Sau 5 phiên tăng mạnh liên tiếp, thị trường đã chịu áp lực chốt lời trong 2 phiên cuối tuần qua, nhưng nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, nhất là sự khởi sắc trở lại của TCB sau 3 phiên chào sàn không như ý, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng và có được chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực chốt lời tiếp tục được duy trì, đẩy VN-Index lao thẳng xuống dưới ngưỡng 1.030 điểm, HNX-Index cũng lao về sát mốc 118 điểm chỉ ít phút mở cửa phiên. Tuy nhiên, dòng tiền sau đó nhập cuộc mạnh đã giúp thị trường nhanh chóng đảo chiều lấy lại sắc xanh.
Về cuối phiên, với sự sự trợ giúp đắc lực của các mã lớn như VNM, VRE, VJC, VPB, TCB, VN-Index giữ được sắc xanh nhạt, trong khi HNX-Index dù nhận được lực đỡ từ ACB, nhưng vẫn thiếu chút may mắn để có sắc xanh do nhiều mã lớn khác giảm giá.
Chốt phiên sáng nay, VN-Index tăng 4,74 điểm (+0,46%), lên 1.043,75 điểm với 109 mã tăng và 157 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,62 triệu đơn vị, giá trị 2.893,98 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,75 triệu đơn vị, giá trị 702,44 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm nhẹ 0,08 điểm (-0,06%), xuống 119,78 điểm với 50 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,64 triệu đơn vị, giá trị 291 tỷ đồng, giảm tới 30% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ nửa triệu đơn vị, giá trị 4,75 tỷ đồng - đây là giao dịch của duy nhất cổ phiếu SHB.
Về các nhóm, mã cổ phiếu, trong phiên sáng nay, thị trường ghi nhận sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm và các mã trong cùng nhóm.
Trên HOSE, trong Top 10 mã vốn hóa lớn, số mã tăng giảm chia đều nhau, nhưng mức biến động không mạnh, chỉ VNM và GAS tăng trên 1% trong đó VNM tăng 2,43%, lên 181.300 đồng, GAS tăng 1,13%, lên 60.100 đồng, còn lại đều chỉ tăng, giảm dưới 1%.
Rộng hơn, trong Top 30 mã vốn hóa cũng tương tự, số mã tăng - giảm khá cân bằng và chủ yếu dưới 1%, ngoại trừ 4 mã VRE, VJC, VPB và SSI tăng mạnh lần lượt 2,92% lên 45.800 đồng, 3,85% lên 185.900 đồng, 3,47% lên 53.600 đồng và 2,21%, lên 34.750 đồng.
Sáng nay, mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE là ASM với 4,4 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,15%, lên 14.750 đồng. Tiếp đến là HPG với 3,48 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,16%, xuống 61.200 đồng.
Các mã có tổng khớp trên 2 triệu đơn vị là SSI, MBB, STB, CTG, HSG, DXG, SCR và NVL.
Các cổ phiếu nhỏ cũng có sự phân hóa, nhưng biến động cũng không lớn khi chỉ lình xình quan tham chiếu. Một số mã vừa có giao dịch tích cực về giá sáng nay là SKG tăng trần lên 29.500 đồng, APC tăng trần lên 32.450 đồng, ELC tăng trần lên 11.300 đồng, VRC tăng 5,63%, lên 19.900 đồng…
Tương tự, trên HNX cũng có sự phân hóa, trong Top 10 có ACB và NTP tăng 1,16%, lên 43.600 đồng và 1,96%, lên 52.000 đồng, cùng VPI đứng ở mức tham chiếu 44.900 đồng. Trong khi đó, VCS, SHB, VGC, VCG, PVS, PVI và PHP giảm giá. Trong đó, VCG giảm 2,69%, xuống 18.100 đồng, PVS giảm 2,22%, xuống 17.600 đồng, SHB giảm 1,05%, xuống 9.400 đồng…
Trên sàn này có 4 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó dẫn đầu là SHB và ACB với 2,68 triệu đơn vị, PVS với 1,64 triệu đơn vị và PVX với 1,35 triệu đơn vị.
Trong các mã lớn, CEO bị bán tháo mạnh lao xuống mức sàn 15.500 đồng với 0,26 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn tới hơn 5 triệu đơn vị sau khi Quốc hội tái thành lùi thông qua Luật Đặc khu.
Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi lao mạnh đầu phiên, sau đó nhanh chóng phục hồi và lình xình sát tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 53,84 điểm với 57 mã tăng và 51 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,19 triệu đơn vị, giá trị 96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,84 triệu đơn vị, giá trị 8 tỷ đồng.
Thanh khoản trên UPCoM sáng nay rất èo uột khi không có nổi mã nào được khớp quá nữa triệu đơn vị. Trong đó, mã có thanh khoản lớn nhất là LPB cũng chỉ được khớp 435.700 đơn vị, tiếp đó là POW với 392.300 đơn vị và cả 2 đều đứng ở tham chiếu. Tiếp theo là DVN với 389.400 đơn vị và BSR với 317.900 đơn vị.