Theo đánh giá của CTCK FPTS, nếu ngưỡng hỗ trợ 575-580 điểm dễ dàng bị phá vỡ, thì cần đánh giá lại xu hướng ngắn hạn của VN-Index theo kịch bản xấu hơn là chỉ số sẽ lùi về khu vực đáy của giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2015 trong phạm vi 540-560 điểm.
Và các vùng hỗ trợ 580-582 hay 575-580 đều bị xuyên thủng một cách dễ dàng trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Nhận định về phiên giao dịch hôm nay, FPTS cho biết, tín hiệu từ RSI cho thấy, chỉ số bắt đầu vào khu vực “quá bán”. Như vậy, VN-Index mới chỉ trong giai đoạn “dò đáy”, do đó khả năng xuất hiện các bẫy tăng giá trong phiên là rất cao.
Diễn biến phiên giao dịch sáng nay dường như đang khá sát với nhận định này khi VN-Index được kéo tăng khá tốt trở lại trong đầu phiên, nhưng chỉ chờ có vậy, lực bán đã nhanh chóng được đẩy ra, khiến VN-Index thoái lui.
Cảnh báo về khả năng bulltrap khiến nhà đầu tư rụt tay trong phiên giao dịch sáng nay, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Cùng với đó, việc VNM giảm mạnh đã khiến nỗ lực phục hồi của thị trường bị ảnh hưởng.
Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,03%), lên 573,39 điểm với gần 4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 80,64 tỷ đồng.
Đà tăng của VN-Index nhanh chóng được nới rộng khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục với sắc xanh bao trùm bảng điện tử, từ nhóm bluechip đến các cổ phiếu thị trường. Tuy nhiên, dường như cảnh báo về bulltrap như FPTS là không thừa.
Ngay khi kéo nhiều mã hồi phục, kích thích lực cầu bắt đáy nhập cuộc, lực bán đã nhanh chóng gia tăng hấp thụ hết lượng dư mua giá cao và đẩy nhiều mã lùi về tham chiếu, một số quay đầu giảm giá. Tuy nhiên, nhịp của thị trường vẫn được giữ và thế chủ động, điều tiết nhịp thị trường đang thuộc về bên nắm giữ cổ phiếu.
Dù một số mã lớn như GAS, FPT, KDC, SSI, BVH, sau đó có thêm BID, CII giữ được đà tăng, nhưng chỉ có may mắn mới giúp được VN-Index tránh được phiên giảm điểm tiếp theo trong phiên sáng nay.
Trong khi bên bán khá chủ động, điều tiết nhịp của thị trường, thì bên mua lại tỏ ra khá rụt rè, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 0,19 (+0,03%), lên 573,39 điểm - đúng bằng mức điểm mở cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,15 triệu đơn vị, giá trị 975 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,26 triệu đơn vị, giá trị 178,5 tỷ đồng.
Độ rộng của thị trường sáng nay nghiêng về sắc xanh khi có tới 106 mã tăng, trong khi chỉ có 67 mã giảm.
Tuy nhiên, đà đà tăng của VN-Index bị hãm và suýt chút nữa giảm điểm chính là do sức ép từ VNM. Cổ phiếu có vốn hóa lớn này sau thời gian cầm cự ở mức tham chiếu đầu phiên đã giảm mạnh sau đó và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 121.000 đồng, giảm 2,42%. VNM giảm có thể do thông tin về việc các doanh nghiệp sữa bất ngờ bị truy thu thuế 1.000 tỷ đồng.
Ngày 30/11, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa nguyên liệu đã đồng loạt ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính để phản đối công văn thay đổi mã số không có căn cứ đối với mặt hàng dầu bơ khan và buộc các doanh nghiệp phải nộp lại thuế nhập khẩu chênh lệch của mặt hàng này từ năm 2010 đến nay.
Đáng nói hơn, việc truy thu thuế lại được thực hiện trong thời gian rất gấp, điển hình như một công ty sữa lớn ở Việt Nam đã bị Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Chi cục Hải quan TP.Hải Phòng) yêu cầu phải nộp bổ sung đủ tiền thuế chênh lệch trong 5 năm qua chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra thông báo. Theo ước tính của các doanh nghiệp, nếu thay đổi mức thuế từ 5% ban đầu lên đến 15% thì số tiền truy thu lên đến 1.000 tỷ đồng.
(Nguồn: Thanh Niên)
Diễn biến trên sàn HNX cũng khá giống với HOSE khi chỉ số HNX-Index cũng đang tạo thành một parabol với đỉnh ở phía trên. Tuy nhiên, không may mắn như VN-Index, lực đỡ của HNX-Index là ACB, các mã dầu khí, một vài mã lớn khác lại yếu sức về cuối phiên, khiến chỉ số này đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%), xuống 80,48 điểm với 73 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 202 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 35 tỷ đồng.
Ngoài trừ VNM, các mã bluechip khác trên HOSE có giao dịch khá tích cực về giá trong phiên sáng nay, như GAS, FPT, BID, BVH, CII, KDC, VIC, MBB, trong khi VIC, DPM, CTG, HAG, MSN cũng giữ được mức tham chiếu.
Trong nhóm thị trường, giao dịch đã không diễn ra sôi động được như trước, nhưng áp lực chốt lời dường như đã giảm, giúp nhóm này chủ yếu đứng ở tham chiếu hoặc tăng giảm nhẹ 1 bước giá. Trong đó, FLC được khớp lớn nhất với 7,55 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, vẫn có một số mã bị bán rất mạnh như SHI bị bán ồ ạt ngay khi mở cửa và suốt phiên đứng ở mức sàn 14.600 đồng. Chốt phiên, mã này chỉ được khớp hơn 0,3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 0,9 triệu đơn vị.
Tiếp đó, SII cũng bị đóng cửa ở mức sàn, nhưng thanh khoản đì đẹt do lượng hàng tự do không nhiều.
JVC cũng bị bán mạnh trong phiên sáng nay và chỉ có chút may mắn với giúp mã này không đóng cửa ở mức sàn. Chốt phiên, JVC giảm 4,76%, xuống 6.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, VNG lại có sự đảo chiều ngoạn mục, từ mức sát sàn, lên thẳng mức trần 11.300 đồng khi đóng cửa và còn dư mua trần.
BHS cũng có sự đảo chiều ấn tượng trong phiên sáng nay khi từ giảm gần 2%, thành tăng gần 2% khi chốt phiên, đứng ở mức giá cao nhất phiên 20.700 đồng với hơn 2,2 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, sự hứng khởi đầu phiên ở KLF, ITQ, TIG, SCR cũng dần hạ nhiệt khi bên mua thận trọng trở lại để tránh mắc vào bẫy bulltrap. Chốt phiên, KLF đứng ở tham chiếu 4.700 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp. PVX cũng đứng ở tham chiếu 3.200 đồng với 1,24 triệu đơn vị được khớp. Đây cũng là 2 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị trong sáng nay của sàn HNX.
Trong khi đó, TVC lại có sự đột biến khi được kéo từ 11.900 đồng, lên thẳng mức trần 13.400 đồng và còn dư mua trần khi chốt phiên. Cũng có sắc tím là SDN, PVV, KHB, PVL. TNG cũng có cú đảo chiều khá ấn tượng khi từ mức sàn 17.600 đồng, lên 19.800 đồng.