Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang có dấu hiệu tiêu cực khi có thông tin đàm phán cấp thứ trưởng bế tắc và đàm phán cấp cao khả năng kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày. Chính vì vậy, diễn biến chứng khoán trong nước trong những phiên gần đây không mấy tích cực.
Mặc dù trong gần suốt cả phiên, chỉ số VN-Index đều duy trì đà tăng nhẹ nhưng sự thiếu tự tin xuống tiền trong khi áp lực bán mất kiên nhẫn và gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường dần đuối sức. Chỉ số VN-Index đã loay hoay quanh mốc 990 điểm và liên tiếp điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên vừa qua.
Trước khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần 11/10, thị trường quốc tế đã có phiên tăng điểm tích cực trong phiên thứ Năm (10/10) khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào việc Mỹ - Trung sẽ có thỏa thuận thương mại trong vòng đàm phán đang diễn ra.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tweet rằng, sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu (11/10).
Thông tin chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm đã tác động tích cực tới thị trường trong nước. Chỉ số VN-Index hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa phiên giao dịch 11/10.
Dòng tiền vẫn giao dịch khá hạn chế nhưng lực bán được tiết chế, đã giúp các cổ phiếu lớn bé đua nhau khởi sắc dù biên độ tăng không quá lớn. Tuy nhiên, cũng như phiên 2 sáng vừa qua, chỉ số VN-Index đã thử thách ngưỡng kháng cự 990 điểm chỉ trong thời gian khá ngắn và nhanh chóng đuối sức do áp lực bán gia tăng.
Trong đó, sự đảo chiều của nhiều mã bluechip, đặc biệt là các mã lớn là tác nhân chính đẩy VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu. Điển hình ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt quay đầu, trong đó VCB đang ngấp nghé tạo đỉnh lịch sử mới khi có thời điểm được kéo lên mức 85.400 đồng/CP đã hụt hơi, thậm chí đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ASM vẫn là điểm sáng khi ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp, tạm đứng tại 8.440 đồng/CP, tăng 3,6% và là mã đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 2,16 triệu đơn vị được khớp lệnh. HSG cũng duy trì đà tăng tốt với biên độ 1,9% lên 7.520 đồng/CP và khớp 1,46 triệu đơn vị.
Những tưởng FTM sẽ thoát sắc xanh mắt mèo nhờ cung giá thấp được tiết giảm nhưng lực bán gia tăng mạnh sau gần 1 giờ giao dịch khiến cổ phiếu có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Hiện FTM đứng tại mức 3.840 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1,3 triệu đơn vị và dư bán sàn 40.070 đơn vị.
Thị trường diễn biến lình xình dưới mốc 990 điểm trong hơn nửa thời gian còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 137 mã tăng 135 mã giảm, VN-Index tăng 1,54 điểm (+0,16%), lên 988,92 điểm. Thanh khoản xấp xỉ phiên sáng qua với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 80 triệu đơn vị, giá trị 1.652,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,55 triệu đơn vị, giá trị 373,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu VN30 giao dịch khá tích cực khi có tới 20 mã tăng và chỉ 4 mã giảm, tuy nhiên biên độ tăng giảm của các mã không quá lớn khiến thị trường động động lực để bứt cao.
Trong đó, BID, MWG, VHM điều chỉnh nhẹ, ROS có mức giảm lớn nhất trong nhóm là 1,9% và tạm chốt phiên sáng tại 25.150 đồng/CP.
Ngoại trừ BID, còn lại hầu hết các mã ngân hàng đã hồi nhẹ trở lại như VCB, MBB, VPB, CTG với mức tăng dưới 0,5%, HDB tăng 1,3% lên mức 28.000 đồng/CP. Điểm sáng ngành là STB đảo chiều khởi sắc sau 2 phiên điều chỉnh nhờ lực cầu tăng vọt khi chốt phiên tại mức giá 11.100 đồng/CP, tăng 2,8% và đã khớp lệnh 5,86 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Bên cạnh đó, một số mã vốn hóa lớn khác như VNM, VIC, VRE, GAS, SAB… cũng đã tìm lại sắc xanh nhạt.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ASM có phần thu hẹp biên độ nhưng vẫn là mã giao dịch tích cực khi tăng 2,1% lên 8.320 đồng/Cp và khớp lệnh gần 3,5 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý là FTM khi lực cầu tăng vọt đã hấp thụ toàn bộ cung giá sàn, giúp cổ phiếu này hồi phục thành công. Theo giới đầu cơ, bất chấp hoạt động kinh doanh không khả quan và những dấu hỏi về lãnh đạo doanh nghiệp chưa được giải đáp, nhưng một khi dòng tiền đã thích thì giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên. Tạm chốt phiên sáng, FTM tăng 1,5% lên 4.180 đồng/CP và khớp 1,41 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX rung lắc diễn ra khá dữ dội. Chỉ số HNX-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu và hụt hơi về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 33 mã tăng và 43 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,15%), xuống 105 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 10,64 triệu đơn vị, giá trị 124,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 2,77 triệu đơn vị, giá trị 17,31 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giao dịch không mấy tích cực khi chỉ có 6 mã tăng và hầu hết các mã này không tác động quá lớn tới biến động của chỉ số như CAP tăng 1,8% lên 28.500 đồng/CP, DHT tăng 0,6% lên 47.200 đồng/CP, DP3 tăng 0,5% lên 65.300 đồng/CP, PVI tăng nhẹ 0,3% lên 32.100 đồng/CP, SLS tăng 6,6% lên 47.000 đồng/CP.
Trái lại, VCS giảm 1,3% xuống 93.000 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống 18.600 đồng/CP, CEO giảm 1% xuống 9.700 đồng/CP, DGC giảm 0,8% xuống 26.000 đồng/CP… Còn ACB, SHB, VCG loay hoay ở mốc tham chiếu.
Trong đó, SHB là mã duy nhất có khối lượng khớp lệnh đạt triệu đơn vị (1,36 triệu đơn vị), tiếp đó là DPS khớp gần 0,93 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng đuối dần về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%), xuống 56,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 6,33 triệu đơn vị, giá trị 67,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 15 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục là điểm sáng của thị trường khi tăng 3,1% và chốt phiên tại mức 9.900 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 2,46 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã vốn hóa lớn như VGI, GVR, VEA, MSR… đang giao dịch dưới mốc tham chiếu, đã tạo sức ép khiến thị trường quay đầu điều chỉnh về cuối phiên.