Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng trong những phiên gần đây nhưng dòng tiền sau khi nghỉ tết dương lịch tham gia thiếu tích cực khiến giới phân tích đánh giá chứng khoán đang tăng trong nghi ngờ.
Nhận định về xu hướng, ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách mảng phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, thị trường vẫn ở trong giai đoạn nhiều biến động. Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân hiện vẫn đang ưu tiên giữ tiền và chọn cách tạm thời đứng ngoài thị trường do sắp nghỉ Tết Nguyên đán và do tâm lý bi quan, nghi ngờ về khả năng phục hồi của thị trường sau một năm 2018 “đau thương”.
Thị trường chung đang tỏ ra vô cùng nhạy cảm và có xu hướng phản ứng một cách thái quá với các thông tin tiêu cực. Trong khi đó, những thông tin hỗ trợ như nền tảng vĩ mô khả quan của năm 2018 với tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp trong tầm kiểm soát, tỷ giá giảm, hay như kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2018 tích cực hầu như không ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến của thị trường. Tâm lý thận trọng hầu như đang bao trùm lên toàn thị trường.
Nhóm cổ phiếu bluechip là trụ cột chính dẫn dắt đà tăng của thị trường trong những phiên vừa qua và cũng là những nhân tố tiếp sức cho VN-Index dành lại mốc 900 điểm khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 11/1.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa mấy cải thiện khiến thị trường thiếu sức bật cao. Biên độ tăng không quá lớn khiến VN-Index diễn biến khá giằng co quanh ngưỡng kháng cự mạnh 900 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với hầu hết đều có được sắc xanh, tuy nhiên biên độ tăng khá hẹp.
Bên cạnh đó, “ông lớn” VNM đã lấy lại phong độ sau phiên điều chỉnh nhẹ ngày hôm qua (10/1), là một trong những trụ cột chính dẫn dắt VN-Index chạm mốc 900 điểm. Sau hơn 90 phút giao dịch, VNM tăng 1,7% lên 133.900 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng tiếp sức cho thị trường như VHM, MSN, GAS...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu SJF tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 sau chuỗi ngày dài giảm mạnh về mức giá thấp nhất kể từ ngày chào sàn, nhờ thông tin các lãnh đạo đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu. Hiện SJF tăng 7% lên 6.430 đồng/CP và dư mua trần 9.640 đơn vị.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 144 mã tăng và 87 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 3,98 điểm (+0,44%) lên 920,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,58 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 1.454 tỷ đồng, tăng 8,3% về lượng và 18,12% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 356,8 tỷ đồng. Trong đó riêng ROS thỏa thuận 3,14 triệu đơn vị, giá trị 106,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 diễn biến khá phân hóa với 14 mã tăng và 10 mã giảm, trong đó VNM vẫn là trụ đỡ chính với mức tăng 1,6% lên 133.800 đồng/CP và khớp 441.430 đơn vị.
Một số mã lớn khác cũng tăng khá tốt như VHM tăng 1,2% lên 75.500 đồng, TCB tăng 1,2% lên 26.100 đồng/CP, MSN tăng 0,9% lên 80.900 đồng/CP, BVH tăng 1% lên 90.400 đồng/Cp.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch có phần kém khởi sắc hơn. Bên cạnh CTG, VPB chỉ còn nhích nhẹ, các mã BID, MBB, STB đều quay về mốc tham chiếu.
Trong khi đó, VIC tiếp tục đón nhận thêm phiên giao dịch thiếu tích cực khi giảm 0,7%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 100.700 đồng/CP, trong khi đó 2 mã cùng họ Vingroup là VRE và VHM vẫn duy trì đà tăng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi SJF vẫn duy trì sắc tím nhưng giao dịch có phần kém sôi động hơn chút ít so với phiên hôm qua, thì HAG lại tiếp tục khởi sắc nhờ thông tin hỗ trợ khá tích cực.
Cụ thể, với thông tin giá cao su đột nhiên tăng mạnh mẽ đã tác động tích cực giúp HAG duy trì đà tăng khá mạnh 4,1%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 5.060 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE đạt 3,78 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trên sàn HNX, áp lực bán tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn đột nhiên gia tăng vào giữa khiến khiến HNX-Index có nguy cơ bị đẩy về sát mốc tham chiếu, tuy nhiên chỉ số này đã nhanh chóng bật cao trở lại và chốt phiên trên mốc 102 điểm.
Cụ thể, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,3%) lên 102,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,66 triệu đơn vị, giá trị 155,98 tỷ đồng, giảm 44,33% về lượng và 46,76% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,57 triệu đơn vị, giá trị 70,92 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX có ACB tăng 0,3% lên 29.000 đồng/CP, SHB tăng 1,4% lên 7.100 đồng, DGC tăng 2,3% lên 45.000 đồng/CP, PHP tăng 0,9% lên 10.700 đồng/CP.
Trong khi đó, VCG, VGC, PVS, PVI, NTP đang đứng giá tham chiếu, chỉ có duy nhất VCS giảm 1,6% xuống 63.300 đồng/CP.
Chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó ART dẫn đầu với khối lượng khớp 1,87 triệu đơn vị; tiếp đó là VCG với 1,6 triệu đơn vị, SHB với 1,33 triệu đơn vị, PVS với 1,19 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, diễn biến khá rung lắc và liên tục đổi màu, tuy nhiên, thị trường đã giao dịch khởi sắc trong nửa cuối của phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,27%) lên 53,17 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,15 triệu đơn vị, giá trị 76,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,48 triệu đơn vị, giá trị 32,2 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu lớn hỗ trợ giúp thị trường lấy lại sắc xanh như ACV, BSR, VEA, OIL, VTP… Trong đó, BSR tăng 2,22% lên 13.800 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản với 1,79 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VEA, cách khá xa BSR với khối lượng giao dịch chỉ đạt 356.700 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 41.300 đồng/CP, tăng 3,25%.