Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, thị trường chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh từ các cổ phiếu bluechip, đã tạo lực hãm lớn khiến VN-Index trượt dốc, lùi về ngưỡng 675 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Việc Vn-Index liên tục tăng giảm trong biên độ hẹp những ngày gần đây cho thấy thị trường đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư và vẫn chưa xuất hiện tín hiệu mới. Theo nhận định của SHS, với phiên giảm khá mạnh vào ngày hôm qua cùng thanh khoản ở mức trung bình cho thấy, áp lực bán vẫn chưa kết thúc và đà giảm sẽ tiếp tục vào phiên hôm nay để test lại các ngưỡng hỗ trợ gần nhất.
Bước vào phiên giao dịch sáng 1/11, áp lực bán đã hạ nhiệt trong khi dòng tiền tham gia vẫn hạn chế, thị trường tiếp tục duy trì đà giảm nhẹ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,1%) xuống 675,13 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 34,22 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, MSN, BVH, BID đã đồng loạt khởi sắc, đóng vai trò là điểm tựa cho thị trường giúp VN-Index có thời điểm vượt mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào các trụ cột trên khá thấp khiến đà tăng chưa đủ mạnh để giúp nhà đầu tư an tâm về sắc xanh của thị trường. Chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo chiều sau thời gian ngắn lóe sáng và trở lại giao dịch lình xình dưới mốc 675 điểm.
Trong khi đó, sàn HNX cũng đã đảo chiều thành công nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip như NTP, PVB, HUT, ACB… Tuy nhiên, cũng giống sàn HOSE, lực cầu khá yếu khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá, chỉ số HNX-Index cũng giao dịch khá giằng co quanh mốc tham chiếu và liên tục đổi sắc.
Thanh khoản trên cả 2 sàn khá thấp, sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh đến hàng triệu đơn vị gồm ITA dẫn đầu với lượng khớp 3,25 triệu đơn vị, DLG khớp hơn 1 triệu đơn vị; còn dẫn đầu trên trên HNX là KLF có khối lượng khớp hơn 2 triệu.
Trong khi đó, FLC đã không còn duy trì được sức hút như 2 phiên vừa qua khi chỉ được khớp 2,85 triệu đơn vị. Cùng thời điểm này phiên sáng qua, cổ phiếu này đã được khớp hơn 14 triệu đơn vị.
Sau công bố kết quả kinh doanh quý III/2016 thiếu tích cực, cổ phiếu TMT đã có chuỗi ngày lao dốc mạnh, đón nhận 7 phiên liên tiếp giảm sàn, đưa mức giá cổ phiếu từ mức 20x xuống còn 12x. Tuy nhiên, trong phiên sáng đầu tiên của tháng 11, TMT đã có cú đảo chiều ngoạn mục sau nhịp giảm sàn đầu phiên.
Hiện TMT tăng 6,7% leo mức giá trần 13.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 0,3 triệu đơn vị với lượng dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.
Điểm nhấn trên sàn HNX là cổ phiếu KVC. Sau chuỗi ngày giảm sàn và vừa có giải trình về việc giảm sàn 13 phiên liên tiếp vào cuối tuần trước, cổ phiếu này cũng đã đảo chiều thành công khi tăng vọt lên mức giá trần 3.300 đồng/CP với giao dịch khá tích cực đạt 1,6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn.
Sau khi rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh 673 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc tích cực giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm và hồi phục dần về cuối phiên. Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá thận trọng, các cổ phiếu trụ cột chỉ tăng nhẹ khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,74 điểm (+0,11%) lên 676,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 62,1 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 970,87 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 81 tỷ đồng. Nhóm VN30 có 11 mã tăng, 14 mã giảm và 5 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 0,48 điểm xuống 643,74 điểm.
Trong khi đó, sàn HNX liên tục đổi sắc và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,03%), HNX-Index đứng ở mức 82,22 điểm. Thanh khoản suy giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 19,18 triệu đơn vị, giá trị 174,55 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,12 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VNM diễn biến khá giằng co và chốt phiên với mức tăng nhẹ 100 đồng/CP, tương tự, các trụ cột khác như VIC, VCB, BID, GAS cũng có mức tăng nhẹ dưới 500 đồng/CP.
Đáng chú ý trong phiên sáng nay là BVH. Sau công bố báo cáo tài chính khả quan trong 9 tháng đầu năm 2016 với mức lãi ròng 1.097 tỷ đồng, hoàn thành 90,7% kế hoạch năm, BVH đảo chiều tăng điểm mạnh sau phiên giảm sâu ngày hôm qua.
Đà tăng duy trì khá tốt đến cuối phiên, với mức tăng 1.500 đồng (+2,3%), BVH đứng ở mức giá 65.500 đồng/CP. Tuy nhiên, giao dịch của BVH khá thấp khiến cổ phiếu này chưa phát huy hết vai trò nâng đỡ thị trường.
Trong nhóm có tính thị trường, cổ phiếu nóng ROS đã chịu áp lực bán khá mạnh trong phiên sáng nay khiến có thời điểm chạm sàn. Tuy nhiên, ngay khi rơi xuống mức giá sàn, lực cầu đỡ giá nhập cuộc đã giúp ROS thu hẹp đà giảm điểm.
Với mức giảm 2.300 đồng (-2,7%), ROS đã chốt phiên ở mức giá 84.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,37 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi ITA và FLC vẫn duy trì sắc xanh nhạt với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 8,94 triệu đơn vị và hơn 8 triệu đơn vị. Còn lại, các mã khác chỉ có lượng khớp 1-2 triệu đơn vị như DLG, HHS, KBC, HAG…
Trên sàn HNX, KLF và HUT vẫn là 2 mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, cùng đạt hơn 2 triệu đơn vị.