Trong phiên hôm qua, diễn biến giao dịch nhàm chán tiếp diễn do sự thận trong của nhà đầu tư, và là nguyên nhân khiến thị trường bị kéo giảm sau mỗi nhịp hồi phục. VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp.
Càng về cuối phiên, dòng tiền vẫn chỉ tham gia nhỏ giọt trong khi áp lực bán vẫn khá lớn. Sắc đỏ luôn chiếm áp đảo trên bảng điện tử, nhưng nhờ VNM và VIC khởi sắc đã đưa chỉ số tránh được 1 phiên giảm điểm.
Theo KBSV thì hiện VN-Index đang vận động ngay trên vùng hỗ trợ quanh 970, sát với cận dưới của dải Bollinger vốn cũng đang đi ngang, nên trạng thái kỹ thuật của thi trường đang rất trung tính.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 10/9, diễn biến thị trường sau khi mở cửa vẫn khá ảm đạm với thanh khoản thấp, VN-Index tiếp tục dao động nhàm chán quanh quanh tham chiếu với biên độ hẹp.
Nhưng sau nửa giờ đồng hồ, cổ phiếu VCB bất ngờ được kéo khá mạnh, vọt hơn 2% và cùng khá nhiều bluechip trở lại sắc xanh đã kéo chỉ số có nhịp tăng đáng chú ý, mặc dù số điểm có được chưa đủ để trở lại mốc 980 điểm.
Thanh khoản vẫn là điều khiến nhà đầu tư bất an. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ có 4 mã khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, và giá trị toàn sàn HOSE chưa quá 730 tỷ đồng.
Dòng tiền chảy chậm nhưng vẫn có một số cổ phiếu có câu chuyện riêng tạo sự khác biệt, như NAF đã tăng kịch trần từ sớm lên 21.550 đồng, sau thông tin Chủ tịch đăng ký muốn mua hơn 10,55 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên trên 51%.
Cũng có sắc tím khác đáng chú ý là YEG +6,9% lên 74.300 đồng. Nếu giữ nguyên được mức giá này, thì YEG sẽ có 7 phiên liên tiếp tăng gần đây, trong đó là 5 phiên tăng hết biên độ.
Trái lại, một số cổ phiếu vận tải, cảng biển, hay khu công nghiệp đang bị bán khá dứt khoát và giảm điểm như GMD, PVT, VSC, SZC, CTI, SZL, ITA, LDG...
FTM vẫn đang khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu chán nản, khi thêm một ngày giảm sàn về 6.560 đồng và hiện dư bán sàn hơn 12 triệu đơn vị.
Sau nửa đầu phiên, cổ phiếu nâng đỡ VCB thu hẹp đà tăng, trong khi các bluechip xuất hiện sắc đỏ nhiều hơn đã đẩy chỉ số VN-Index xuống dưới tham chiếu, về gần 970 điểm khi tạm kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 89 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index giảm 3,14 điểm (-0,32%), xuống 970,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 76,48 triệu đơn vị, giá trị 1.657,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,6 triệu đơn vị, giá trị 265 tỷ đồng.
Như đã đề cập, cổ phiếu đầu ngành ngân hàng VCB sau khi tăng tốt hỗ trợ thị trường, đã chững lại và kết phiên chỉ còn +1% lên 78.000 đồng.
Sắc xanh cũng chỉ còn ở một vài mã như MSN +1% lên 74.700 đồng; PLX +0,3% lên 62.100 đồng; NVL +1% lên 61.900 đồng; VJC +0,3% lên 133.200 đồng; MBB +0,2% lên 22.650 đồng…
Trong khi đó, nhiều mã giảm điểm sâu như ROS -3,8% xuống 26.500 đồng; TPB -4,5% xuống 21.150 đồng; PNJ -2% xuống 78.800 đồng; HVN -1,8% xuống 32.750 đồng; BVH -1,6% xuống 73.800 đồng; SAB -1,1% xuống 263.000 đồng, cùng hàng loạt sắc đỏ tại VHM, VNM, GAS, VRE, TCB, MWG, VPB, STB… và HPG, CTG, BID đứng tham chiếu.
Khớp lệnh cao nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng với MBB có 3,27 triệu đơn vị; STB có 2,2 triệu đơn vị; TCB có 1,4 triệu đơn vị; CTG có 0,9 triệu đơn vị. Trong khi ROS có 2,96 triệu đơn vị và HPG có 1,6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường bị lệnh bán lấn át, đa số mất điểm như PVD, HQC, SCR, ITA, LDG…thậm chí nhiều mã có thời điểm về giá sàn như PHR, VOS, SZL…
2 mã đáng chú ý gần đây tiếp tục diễn biến trái chiều là YEG tăng kịch trần lên 74.300 đồng, khớp hơn 46.000 đơn vị và FTM nằm sàn về 6.560 đồng, khớp chỉ hơn 15.000 đơn vị và dư bán sàn hơn 12,1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, NAF tăng hết biên độ +6,9% lên 21.550 đồng, khớp gần 300.000 đơn vị, thanh khoản tốt nhất trong nhiều phiên trở lại đây.
Hay RAL, mất 2,1% xuống 73.000 đồng, với giao dịch giằng co mạnh trong suốt cả phiên, khớp hơn 10.000 đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng kém tích cực, khi chỉ số HNX-Index chỉ có được sắc xanh nhạt khi mở cửa và đổ đèo ngay sau đó.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,79%), xuống 100,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,27 triệu đơn vị, giá trị 212 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,07 triệu đơn vị, giá trị 35,5 tỷ đồng.
Gần như tất cả các mã lớn, các mã thanh khoản tốt đều mất điểm như ACB -0,9% xuống 21.700 đồng; PVS -3% xuống 19.600 đồng; VCS -1,2% xuống 83.800 đồng; VCG -0,8% xuống 26.200 đồng; MBS -2% xuống 14.800 đồng; SHS -2,8% xuống 6.900 đồng; CEO -2% xuống 9.800 đồng; NDN -1,8% xuống 16.500 đồng…trong khi SHB, PVI, TNG đứng tham chiếu.
Một vài mã xanh như C69 +3% lên 27.500 đồng; NVB +1,4% lên 7.200 đồng; AMV +1,6% lên 19.300 đồng, cùng các mã nhỏ SPP, PVX, SPI tăng trần.
Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS với hơn 3,45 triệu đơn vị; SHB có 1,14 triệu đơn vị; HUT có 1,01 triệu đơn vị, đứng tham chiếu 2.300 đồng; CEO, NDN, SHS, C69 có từ 0,4 triệu đến 0,75 triệu đơn vị,
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên và sau đó lao dốc nhanh, và kết phiên tại mức điểm thấp nhất.
Thị trường chỉ còn GEG, HTM, OIL, NHH, MSR là còn tích cực khi giữ được sắc xanh, còn lại những cổ phiếu quan thuộc khác đồng loạt giảm như VGI, GVR, CTR, BSR, VIB, ACV, NTC…
Đáng chú ý, cổ phiếu C71 của CTCP 471 bất ngờ có thanh khoản cao với 0,96 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi nhiều tháng nay giao dịch với khối lượng rất thấp, thậm chí đa số trắng thanh khoản. Mặc dù vậy, kết phiên C71 lại giảm 12% xuống 6.600 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,77 điểm (-1,36%), xuống 55,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,5 triệu đơn vị, giá trị 103,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,27 triệu đơn vị, giá trị 3,34 tỷ đồng.