Sau khi thử thách không thành công tại mốc 980 điểm, thị trường đã chịu áp lực bán gia tăng mạnh và liên tiếp thủng các ngưỡng kháng cự mạnh thấp hơn. Chỉ số VN-Index đã liên tiếp giảm trong 6 phiên, đóng cửa phiên hôm qua (9/5) dưới mốc 950 điểm.
Một trong những nguyên nhân chính tác động tới thị trường là ảnh hưởng tiêu cực của chứng khoán quốc tế với những phiên lao dốc mạnh do những bất ổn về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Tâm lý nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng trong từng phiên giao dịch khiến thanh khoản thị trường khá thấp, ngoại trừ phiên giao dịch đột biến hôm qua với sự góp sức của giao dịch thỏa thuận cổ phiếu lớn VHM với giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị giao dịch toàn phiên vượt con số 6.200 tỷ đồng. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những nhân tố thiếu tích cực khi phiên liên có những phiên bán ròng hàng trăm tỷ đồng.
Với những diễn biến trên, hầu hết các các công ty chứng khoán đều dự báo rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường trong ngắn hạn vẫn được đánh giá cao.
Theo BVSC, các phiên tăng điểm của thị trường (nếu có) có thể chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật và đó được xem là cơ hội bán đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 10/5, mặc dù dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát nhưng với diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip khi hầu hết các mã trong nhóm VN30 đều bật tăng, đã nhanh chóng giúp VN-Index lấy lại mốc 950 điểm.
Tuy nhiên, cũng do lực cầu khá yếu khiến thị trường thiếu sức bật cao, chỉ số VN-Index chỉ tăng loanh quanh trên vùng 950 điểm.
Trong đó, đóng góp khá lớn vào đà tăng của chỉ số chung là cổ phiếu lớn VHM. Sau 6 phiên giảm liên tiếp, VHM đã đảo chiều hồi phục thành công với mức tăng 1,4%, tạm đứng tại mức giá 85.700 đồng/CP sau khoảng 45 phút giao dịch.
Lúc này, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chỉ đạt hơn 350 tỷ đồng, trong đó, chỉ có duy nhất cổ phiếu TPB có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ cố gắng, một số cổ phiếu bluechip và vốn hóa hạ độ cao, đặc biệt là việc VHM quay đầu, đã khiến thị trường thu hẹp đà tăng. Chỉ số VN-Index để mất mốc 950 điểm và đi ngang trong suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 126 mã tăng và 123 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,2 điểm (+0,13%) lên 948,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,79 triệu đơn vị, giá trị 1.163,8 tỷ đồng, giảm 22,84% về lượng và 16,45% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,48 triệu đơn vị, giá trị 185,86 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, áp lực bán khiến VHM chưa thể thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 0,7% xuống 83.900 đồng. Thêm vào đó, một số mã lớn cũng đảo chiều giảm như VRE giảm 0,9% xuống 34.800 đồng, HPG giảm 0,5% xuống 32.750 đồng hay quay lại mốc tham chiếu như VIC, BVH…
Mặt khác, đà tăng ở các mã lớn khác cũng thu hẹp đáng kể với các mã VNM, GAS, MSN, TCB… chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Mặc dù vậy, một số bluechip là điểm sáng như HDB +2,2% lên 27.350 đồng; NVL +1,4% lên 58.500 đồng và TPB tăng khá tốt +4% lên 22.350 đồng, cùng sắc xanh tại khá nhiều mã khác như CTD, FPT, REE, DPM, GMD, PNJ…
Ngược lại, ROS là bluechip giảm sâu nhất khi mất 2,3% xuống 29.600 đồng. Còn lại các mã giảm khác cũng chỉ với biên độ thấp như MBB -0,7% xuống 20.850 đồng; DHG -0,8% xuống 116.100 đồng; CII -1,3% xuống 23.000 đồng; SBT -0,6% xuống 17.550 đồng…
Thanh khoản cao nhất nhóm vẫn là ROS, đồng thời lớn nhất HOSE với hơn 2,6 triệu đơn vị. Tiếp theo là MBB với 1,75 triệu đơn vị; HDB có 1,18 triệu đơn vị; HPG có 0,97 triệu đơn vị; VPB có 0,8 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hoá, với sắc xanh tại AAA, HSG, DXG, TTF, ASM, PPI, IDI, HAG, DLG…khớp lệnh từ 0,35 triệu đến 1,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sắc đỏ chiếm lấy PVD, QHC, VHG, AMD, SCR, SJF, QCG…khớp từ 0,3 triệu đến 1,1 triệu đơn vị. Riêng PVD có 2,55 triệu đơn vị.
Mặc dù thị trường giao dịch buồn tẻ, nhưng một số mã đã bật khá mạnh như MSH +3,5% lên 59.000 đồng; VCI +3,7% lên 32.000 đồng; CLC +2,6% lên 35.900 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index về những phút cuối phiên đã rơi dần về tham chiếu và kết phiên may mắn tăng nhẹ sau khi có 2 nhịp rơi xuống sắc đỏ trước đó.
Đa số các mã lớn giao dịch với diễn biến lình xình trong biên độ hẹp, như ACB +0,4% lên 29.200 đồng; PVS +0,4% lên 23.000 đồng; VGC +0,5% lên 20.200 đồng; SHS +0,9% lên 11.500 đồng.
Tăng tốt có PGS +4,4% lên 35.900 đồng; TNG +2,9% lên 21.600 đồng; TV2 +2,6% lên 153.000 đồng.
Các mã giảm cũng không lớn như VCG -0,4% xuống 26.700 đồng; NVB -1,1% xuống 9.100 đồng; CEO -0,9% xuống 11.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản tốt phần lớn đứng giá tham chiếu như DCS, ART, BII, MPT, TIG, ACM, KLF, thậm chí có cả SHB.
Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS với hơn 1,97 triệu đơn vị. Tiếp theo là DCS có hơn 0,7 triệu đơn vị; ART có 0,62 triệu đơn vị; BII và VGC có hơn 0,5 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,11%), lên 105,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,14 triệu đơn vị, giá trị 115,76 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn 0,5 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.
Trên UpCoM, sau khi chớm đỏ khi mở cửa, UpCoM-Index dần đi lên trên tham chiếu, nhưng sức bật không lớn cho đến giữa phiên, khi một số mã nới đà tăng đã kéo chỉ số tăng khá, mặc dù cuối phiên có bị đẩy xuống đôi chút.
BSR là mã thanh khoản cao nhất và vượt trội so với phần còn lại, khớp lệnh hơn 1,87 triệu đơn vị, tăng 1,5% lên 13.400 đồng.
Sắc xanh còn hiện diện tại OIL, MPC, VIB, VEA, MSR, nhưng thanh khoản không cao, với OIL tốt nhất cũng chỉ có hơn 100.000 đơn vị khớp lệnh.
Điểm đáng chú ý là một số mã nhỏ được kéo lên kịch trần như VNA, PVA, GGG, CNT.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,16%), lên 54,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,09 triệu đơn vị, giá trị 62,07 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 5,23 triệu đơn vị, giá trị 66,1 tỷ đồng.