Thị trường đang ngày càng nóng lên. Sau chuỗi ngày dài tăng mạnh kéo VN-Index vượt đỉnh 1.000 điểm, nhà đầu tư càng hưng phấn hơn, tiếp tục bơm lượng tiền lớn vào thị trường giúp chỉ số này vững vàng tiến bước. Ngoại trừ phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật ngày 5/1/2018, còn lại các trong gần 3 tuần qua, VN-Index duy trì đà tăng khá mạnh qua từng phiên giao dịch.
Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 9/1), nhóm cổ phiếu VN30 đồng loạt nhảy vọt và lan tỏa ra toàn thị trường giúp nhiều nhóm cổ phiếu như thép, ngân hàng, bất động sản đua nhau khởi sắc, đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 1.030 điểm và kết phiên ở mức cao nhất.
Bên cạnh dòng tiền trong nước hoạt động mạnh, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường với những phiên mua ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính trong hơn 1 tuần giao dịch trong năm mới 2018 này, khối ngoại đã mua ròng tới gần 2.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Theo nhận định của ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime, “Yếu tố định giá rẻ chung của thị trường giảm đi, nhưng thị trường vẫn có những cơ hội đầu tư do dự báo lợi nhuận các công ty niêm yết tiếp tục tăng mạnh ở mức khoảng 20% trong năm 2018, cũng như nhiều cổ phiếu còn định giá ở mức khá hấp dẫn.
Ngoài ra, một số công ty lớn, hoạt động hiệu quả dự kiến cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước năm 2018 sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư ngoại nói riêng tìm kiếm lợi nhuận trong năm nay”.
Với những nhận định và diễn biến trên, thị trường tiếp tục bước vào phiên giao dịch sáng 10/1 khởi sắc. Dòng tiền mạnh nhập cuộc đã giúp sắc xanh lan tỏa, chỉ số VN-Index vẫn đi trên con đường chinh phục lại mốc đỉnh mới.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhiều mã bluechip đã quay đầu điều chỉnh trước áp lực chốt lời gia tăng, trong đó phải kể tới nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau khi thành viên mới HDB gia nhập thị trường đã tạo nên đợt sóng khá mạnh, các cổ phiếu bank đã có những phiên khởi sắc, tuy nhiên trong phiên sáng nay, hầu hết các mã đã lùi về dưới mốc tham chiếu.
Đáng kể, VCB giảm hơn 1,7% xuống mức 57.500 đồng/CP sau hơn 1 giờ giao dịch; STB cũng đảo chiều giảm 1,7% xuống mức 14.600 đồng/CP sau 2 phiên tăng mạnh, tuy nhiên thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 13,59 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Không nằm ngoài dự đoán của ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc Tư vấn nghiên cứu và Đầu tư CTCK SSI khi cho rằng, “Điểm rơi lợi nhuận của nhóm bất động sản thường rơi vào quý IV cho nên chúng tôi cho rằng sóng bất động sản có thể sẽ hình thành trong các tháng đầu của quý I/2018, đặc biệt nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ có lợi nhuận đột biến đến từ việc chuyển nhượng các dự án”.
Các cổ phiếu trong nhóm bất động sản trong phiên sáng nay tiếp tục duy trì đà tăng mạnh nhờ lực cầu hấp thụ tích cực.
Bên cạnh "người anh cả" VIC tăng 1% lên mức 81.400 đồng/CP, nhiều mã vừa và nhỏ vẫn trong cuộc đua tăng giá như SCR, FLC, ASM, ITA, HQC, KBC, DXG… Trong đó, SCR vẫn cố níu giữ sắc tím và hiện đang tăng 5,9% lên sát trần 10.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua STB đạt hơn 6 triệu đơn vị.
Dòng tiền lan tỏa mạnh giúp thị trường tiếp tục leo cao. Bên cạnh nhóm cổ phiếu bất động sản, thép duy trì đà tăng tích cực, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí đã đua nhau khoe sắc và đặc biệt là sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua, hỗ trợ tốt giúp VN-Index vượt qua mốc 1.040 điểm.
Chốt phiên sáng 10/1, VN-Index tăng 9,5 điểm (+0,92%) lên mức 1.043,06 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 224,17 triệu đơn vị, giá trị 5.199,84 tỷ đồng, tăng 15,55% về lượng và hơn 11% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 527,19 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều hồi phục sau nhịp điều chỉnh đầu phiên. Ngoại trừ STB giảm nhẹ, còn lại các mã VCB, BID, CTG, VPB, MBB, HDB đều khởi sắc, tuy nhiên STB vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với gần 33 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS tăng 2,35% lên mức 104.400 đồng/CP, PVD có thời điểm được kéo lên kịch trần và có chút hạ nhiệt về cuối phiên khi tăng 6,79% lên sát mức giá trần 28.300 đồng/CP, PLX tăng 3,5% lên mức cao nhất phiên 86.000 đồng/CP, PVT tăng hơn 5% lên mức 19.900 đồng/CP, PXS tăng 6,48% lên sát mức trần 11.500 đồng/CP…
Trái lại, một số mã lớn lại đóng vai trò là lực hãm, cản trở bước tiến của VN-Index như SAB giảm 0,27% xuống mức 260.300 đồng/CP, ROS giảm 4,03% xuống 162.000 đồng/CP, MSN giảm 1,33% xuống mức 88.800 đồng/CP, VJC giảm 0,3% xuống mức 147.000 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, SCR đã lấy lại sắc tím với mức tăng 6,9%, chốt phiên tại mức giá 10.850 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 9,2 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Các mã vừa và nhỏ bất động sản khác như FLC, HQC, KBC, ITA, DXG… cũng duy trì sắc xanh với khối lượng khớp vài triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX, đà tăng mạnh của các cổ phiếu dầu khí đã giúp chỉ số sàn đảo chiều hồi phục thành công.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,31%) lên mức 122,52 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 45,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 631 tỷ đồng, giảm 23,34% về lượng và 11,74% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,14 triệu đơn vị, giá trị 19,73 tỷ đồng.
Điểm sáng trên sàn HNX là nhóm cổ phiếu họ P. Bên cạnh PVC tăng hết biên độ 9,76% lên mức giá trần 13.500 đồng/CP, các mã khác cũng tăng mạnh như PVS tăng 7,69% lên mức cao nhất phiên 29.400 đồng/CP, PVB tăng 5,7% lên mức 24.000 đồng/CP…
Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng đóng góp tích cực giúp thị trường lấy lại sắc xanh như VCG tăng 2,13% lên mức 24.000 đồng/CP, NTP tăng 2,56% lên mức 68.000 đồng/CP, LAS tăng 2,88% lên mức 14.300 đồng/CP, TV2 tăng 3,67% lên mức 147.000 đồng/CP…
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB cùng đứng giá tham chiếu, trong đó SHB có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sắc xanh được giữ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,35%) lên mức 56,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,4 triệu đơn vị, giá trị 166,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,82 triệu đơn vị, giá trị 184,47 tỷ đồng, trong đó riêng SCS thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, giá trị 167 tỷ đồng.
Cặp đôi lớn ngành hàng không là HVN và ACV chịu áp lực bán chốt lời đã quay đầu điều chỉnh. Trong đó, HVN sau 6 phiên tăng đã đảo chiều giảm 2,3% xuống mức 50.100 đồng/CP, còn ACV tiếp tục giảm 3,9% xuống mức 108.000 đồng/CP.
Trong khi đó, sau khi nhận quyết định hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu GEX đã tăng mạnh với biên độ 5,36% lên mức 29.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,4 triệu đơn vị.
Ngoài GEX, các mã giao dịch sôi động trên sàn UPCoM còn có LPB, DVN, SBS với khối lượng giao dịch đạt trên dưới 1,3 triệu đơn vị, trong đó LPB dẫn đầu với 1,48 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.