Sau phiên sáng giao dịch tích cực với thanh khoản tăng vọt và VN-Index vượt qua ngưỡng cản 1.150 điểm khá dễ dàng, thị trường bước vào phiên chiều đã tiếp tục tiến tới thử thách ngưỡng cao hơn tại 1.160 điểm, và cũng như phiên sáng, sau khi ngập ngừng đôi chút trước ngưỡng cản, chỉ số đã chinh phục ngưỡng trên nhờ động lực lớn vẫn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Dù vậy, tính từ mốc 1.160 điểm thì VN-Index đã ghi nhận mức tăng gần 70 điểm với chuỗi 11 trên 12 phiên tăng gần nhất, do đó, không khó hiểu khi điều này đã kích hoạt lực bán chốt lời gia tăng, bảng điện tử xuất hiện thêm nhiều sắc đỏ và nhóm ngân hàng hạ độ cao đã khiến VN-Index hạ độ cao, nhưng vẫn giữ được mức trên 1.150 điểm khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 299 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index tăng 6,55 điểm (+0,57%), lên 1.150,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,18 tỷ đơn vị, giá trị 25.296,7 tỷ đồng, tăng gần 65% về khối lượng và 72% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,7 triệu đơn vị, giá trị 975 tỷ đồng.
Vẫn là câu chuyện ở nhóm ngân hàng, khi tăng tốc trong phiên chiều, với hai cổ phiếu là điểm nhấn chính là MBB và CTG, khi đã có lúc leo lên mức giá trần, trước khi đóng cửa thu hẹp đà tăng khá đáng tiếc.
Theo đó, MBB đóng cửa còn +5% lên 20.100 đồng, khớp lệnh tới hơn 49,4 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ phiên 07/10/2022 và giá cổ phiếu cũng ở mức cao nhất kể từ những phiên đầu tháng 9/2022.
Trong khi cổ phiếu CTG +3,62% lên 28.600 đồng, khớp được hơn 14,6 triệu đơn vị.
Ở phía sau hai mã trên trong nhóm bluechip, ngoài SSI +2% thì cũng đều là các mã ngân hàng, với TPB +2,6% 17.900 đồng, HDB +2% lên 20.400 đồng, SHB +1,8% lên 11.450 đồng, các mã SSB, ACB VPB, VPB, VIB, TCB, VCB nhích từ 1,1% đến 1,7%.
Trong đó, SHB và SSI là hai cổ phiếu khớp lệnh cao nhất nhì trong nhóm và toàn thị trường, với lần lượt 61,5 triệu và 58,7 triệu đơn vị. Các mã khác cũng có khối lượng giao dịch tích cực như STB và TPB với trên dưới 31 triệu đơn vị; ACB và VPB khớp 23-25 triệu đơn vị…
Đáng tiếc là cổ phiếu BID sau phiên sáng là trụ đỡ lớn nhất cho VN-Index thì đã chịu lực bán chốt lời và đảo chiều giảm, dù mức giảm chỉ -0,3%.
Lực bán gia tăng cũng đã khiến nhóm cổ phiếu phiên sáng khởi sắc là công ty chứng khoán lùi bước trong phiên chiều và đa số chỉ còn tăng nhẹ, với CTS, VDS, VIX, TVB tăng dưới 1%, thậm chí VCI, HCM, ORS, VND, FTS còn đảo chiều giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.
Dù vậy, đây cũng là nhóm thu hút dòng tiền không thua kém gì ngân hàng, ngoài SSI nêu trên thì VND khớp gần 45 triệu đơn vị, VIX khớp 31,6 triệu đơn vị, HCM và VCB khớp trên dưới 10 triệu đơn vị…
Các cổ phiếu riêng lẻ khác cũng bị chốt lời và giảm khá mạnh như FIR về lại giá sàn -7% xuống 16.050 đồng, HNG -3,9% xuống 5.160 đồng, ABS -3,9% xuống 6.190 đồng, TTF -3% xuống 4.510 đồng, HAG -2,9% xuống 13.300 đồng, các mã VPG, ITC, SMC, BMP, TSC giảm 2 đến 2,5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc và nhích lên đôi chút trong phiên chiều trước khi hạ độ cao về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,40%), lên 232,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,7 triệu đơn vị, giá trị 2.156 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,68 triệu đơn vị, giá trị 24,5 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh và đa số chỉ tăng, giảm với biên độ thấp. Trong đó, các cổ phiếu CEO, HUT, PVS, LAS, TKG tăng chỉ trên dưới 1%, NVB +3,6% lên 11.400 đồng.
Trong khi đó, SHS, MBS, IDC, PVC, MBG, LIG, DDG, NRC đứng giá tham chiếu, còn TIG, TNG, IDJ, AMV giảm nhẹ, với SHS phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 30 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, các cổ phiếu cũng chỉ nhích thêm đôi chút giúp chỉ số UpCoM-Index hồi phục, nhưng cũng chỉ kịp về gần tham chiếu khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 87,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 588,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thanh khoản cao với BCR, SBS, AAS, ABB và BSR đều nhích nhẹ, khớp từ 1,6 triệu đến 4,6 triệu đơn vị. Riêng BSR có hơn 9,7 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM và tăng 1,1% lên 18.800 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2401 nhích 8,2 điểm, tương đương +0,71% lên 1.156,5 điểm, khớp lệnh đạt hơn 260.800 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 63.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2325 phiên này thanh khoản tốt nhất với gần 6 triệu đơn vị, giá giảm nhẹ 2,9% xuống 340 đồng/cq. Theo sau là CACB2303 với 4,43 triệu đơn vị và tăng 9,9% lên 780 đồng/cq.
Một mã khác là CVPB2308 với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng mạnh hơn 33% lên 80 đồng/cq.