Phiên giao dịch sáng 7/8: Nhà đầu tư muốn thoát hàng, VN-Index quay đầu giảm điểm

Phiên giao dịch sáng 7/8: Nhà đầu tư muốn thoát hàng, VN-Index quay đầu giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu Vingroup không thể giúp VN-Index duy trì đà hồi phục khi nhiều nhà đầu tư muốn tranh thủ các nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Sau phiên bán tháo khiến VN-Index lao dốc theo chứng khoán khu vực trong phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục trở lại trong phiên hôm qua, lấy lại được gần một nửa số điểm số đã mất trước đó, đưa VN-Index trở lại ngưỡng 1.210 điểm, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản đứng ở mức thấp.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng tiếp tục được duy trì và đây cũng là khuyến nghị của hầu hết các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trong nhóm cổ phiếu họ Vingroup khi bất ngờ tăng mạnh ngay đầu phiên và sau đó VHM, VRE được kéo thẳng lên kịch trần với khối lượng khớp lớn và đang hướng tới mức kỷ lục mới về thanh khoản. VIC nặng nề hơn nên không thể lên kịch trần.

Sự khởi sắc bất ngờ của nhóm Vingroup bắt nguồn từ thông tin HĐQT của Vinhomes (VHM) quyết định mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giao dịch trên sẽ được thực hiện sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/8, thị giá cổ phiếu VHM đạt 34.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 21% so với giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024. Việc mua lại cổ phiếu quỹ, theo Vinhomes, nhằm đảm bảo quyền lợi của Công ty và cổ đông do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của Công ty.

Sự khởi sắc của nhóm Vingroup giúp VN-Index duy trì đà tăng và hướng tới ngưỡng 1.220 điểm. Tuy nhiên việc các công ty chứng khoán cảnh báo về khả năng rủi ro điều chỉnh vẫn còn, nên nhiều nhà đầu tư không dám mạnh tay mua vào ở các nhóm khác, thậm chí còn tận dụng nhịp hồi để hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nên VN-Index quay đầu hạ nhiệt khi chưa kịp tới ngưỡng 1.220 điểm. Ngay cả VHM và VRE lượng dư mua trần lớn trước đó cũng đã được hấp thụ hết. Trong đó, VHM may mắn giữ được mức trần 37.200 đồng, thanh khoản khớp lệnh đạt mức kỷ lục mới là 29,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, VRE đã lùi xuống ngưỡng 18.000 đồng, tăng 5,88%, khớp hơn 16,5 triệu đơn vị. Đây là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay. “Anh cả” VIC lùi lại xa hơn khi đóng cửa chỉ còn tăng 2,54% lên 42.350 đồng, khớp 4 triệu đơn vị.

Ngoài 3 cổ phiếu họ Vin, chỉ còn một số ít mã khác trong nhóm Vn30 tăng giá, nhưng mức tăng nhẹ, như GAS, GVR, VNM, cùng với đó là VCB và SHB đứng tham chiếu, còn lại đều giảm giá. Trong đó, giảm mạnh nhất là BCM khi giảm 2,11% xuống 69.500 đồng, tiếp đến là TCB giảm 2,02% xuống 21.850 đồng, khớp gần 9 triệu đơn vị, cao nhất nhóm ngân hàng và thứ 3 trên sàn sau VHM và VRE; VJC cũng giảm 2% xuống 98.500 đồng; POW giảm 1,82% xuống 13.500 đồng; 2 mã ngân hàng là VPB và HDB giảm hơn 1,6%; 4 mã ngân hàng khác giảm trên dưới 1,4% là CTG, TPB, STB và BID…; qua đó kéo VN-Index quay đầu giảm điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,25%), xuống 1.207,3 điểm với 120 mã tăng và 275 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 323,9 triệu đơn vị, giá trị 6.942 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 69,4 triệu đơn vị, giá trị 1.349,8 tỷ đồng.

Về các nhóm ngành, trong nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất TPB tăng giá với mức tăng 1,62% lên 28.300 đồng. Trong khi NAB giảm mạnh nhất với 2,41% xuống 14.200 đồng, tiếp đến là TCB.

Nhóm chứng khoán chỉ còn APG may mắn giữ tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó CTS giảm mạnh nhất 3,15% xuống 35.400 đồng, VDS và ORS giảm hơn 2%. Các mã dẫn dắt trong nhóm là SSI, VND, VIX, HCM, VCI giảm trên dưới 1%.

Nhóm bất động sản ngoài VHM, còn có 2 sắc tím khác tại VRC lên 8.240 đồng và TDH lên 2.890 đồng.

Nhóm cổ phiếu thép cũng chỉ có 5 mã may mắn đứng tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó SMC giảm mạnh nhất 3,64% xuống 10.600 đồng. Tiếp đến là HSG giảm 1,91% xuống 20.550 đồng, NKG giảm 1,69% xuống 20.400 đồng. HPG giảm 1,33% xuống 25.950 đồng.

Trong khi đó, 2 cổ phiếu bị HOSE thông báo sẽ bị đưa vào diện hủy niêm yết bắt buộc là HNG và HBC sáng nay lại có diễn biến trái chiều. Trong khi HNG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 4.170 đồng, thì HBC lại quay đầu giảm 2,58% xuống 5.280 đồng, sau phiên hồi phục 5,65% hôm qua.

Sàn HNX sau khi mở cửa với sắc đỏ đã bật lại sau tín hiệu trên sàn HOSE, nhưng cũng nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi sàn HOSE quay đầu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-0,46%), xuống 225,4 điểm với 58 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,2 triệu đơn vị, giá trị 461,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 144,8 tỷ đồng.

Sáng nay HNX có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa giảm, trong đó NRC thậm chí giảm kịch sàn xuống 3.600 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị sau SHS 2,92 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,37% xuống 14.400 đồng và CEO khớp 1,51 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,71% xuống 13.900 đồng. Mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn lại là MBS khớp 1,04 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,04% xuống 28.800 đồng. Rộng trong top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều đóng cửa trong sắc đỏ.

UPCoM cũng chỉ giằng co trong nửa đầu phiên sáng sau đó quay đầu giảm và nới rộng đà giảm theo thời gian.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,57%), xuống 91,7 điểm với 130 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,6 triệu đơn vị, giá trị 150,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sàn này sáng nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR (2 triệu đơn vị) và BCR (1,07 triệu đơn vị). Trái ngược với sàn HNX, cả 2 mã này đều đóng cửa trên tham chiếu, trong đó BSR tăng nhẹ 0,45% lên 22.100 đồng, còn BCR tăng 4,08% lên 5.100 đồng.

Tin bài liên quan