Đỉnh điểm của việc hiển thị sai diễn ra vào sáng nay, 5/3, khi ngay từ đầu giờ chỉ số diễn biến theo hình bậc thang ở trên bảng điện tử.
Nếu như trên sàn HNX, bảng giá nhấp nháy liên tục thể hiện lệnh mua bán đưa thêm vào và giá trị được khớp thì bảng điện tử phản ánh giao dịch của HOSE liên tục đứng hình. Diễn biến thể hiện rõ ngay sau đợt khớp lệnh mở cửa (ATO), bảng điện tử cứng đơ, sau một vài phút mới “nhảy” một lần, và mỗi lần như vậy chỉ số VN-Index lại thay đổi với biên độ khá lớn và đồ thị vẽ ra một đường cắt ngang (thể hiện thời gian bảng bị treo), và một đường cắt xuống (thể hiện giá trị chỉ số VN-Index) thay đổi.
Sau 10h sáng, thị trường phục hồi và bảng điện tử có vẻ vận hành bình thường trở lại, nhưng sau một thời gian ngắn tình trạng “lag bảng” lại tái diễn.
Xem trong clip (dưới đây) có thể thấy khoảng 2 phút liên tục, bảng giá HOSE gần như đứng im, chỉ số VN-Index không hề biến động trong khi bên cạnh đó, chỉ số HNX-Index vẫn vận hành bình thường. Tới khi VN-Index thay đổi thì giá trị khớp lệnh toàn sàn nhảy bỗng dưng vọt thêm gần 400 tỷ đồng!
Về diễn biến các giá các cổ phiếu, rất ít mã thể hiện diễn biến bình thường, đáng chú ý thời gian đầu phiên khi bảng điện tử đang đứng hình và chỉ số giảm điểm thì các mã cổ phiếu “dòng P” lại có giá xanh và diễn biến khá chuẩn, các mã trụ khác thậm chí không xác định được giá chào mua, chào bán mà chỉ xác định được giá khớp.
Thực trạng này được nhiều nhà đầu tư lên tiếng. Trên một diễn đàn chứng khoán, một nhà đầu tư Vinh_CK đã bức xúc đặt câu hỏi về tình trạng liệu có sự “ưu ái” gì với mã chứng khoán họ dầu khí, và liệu có sự tiếp tay cho nhà cái đánh dòng cổ phiếu này ngược thị trường?
Cần phải nói thêm, bên cạnh việc nghẽn lệnh thì sự vô lý của bảng giá không phải hôm nay mới diễn ra mà nhiều lần xảy ra trước đó, nhưng hầu hết trong thời gian ngắn. Ngày hôm qua, một số nhà đầu tư đã chỉ ra sự vô lý của bảng điện tử về giá hiển thị và giá khớp lệnh.
Một nhà báo đã chứng minh sự vô lý này theo hình chụp dưới đây sau khi hết phiên ngày 4/3.
Giá Mua: 27.5, giá Bán: 27.55, về nguyên tắc là không thể được phép khớp lệnh. Nhưng hôm nay lại khớp ở mức giá KỲ DIỆU là 27 tại HOSE |
Quay lại với diễn biến thị trường, bước vào đầu phiên giao dịch, toàn thị trường đang chìm trong sắc đỏ bởi áp lực bán mạnh xảy ra trên diện rộng nhưng điểm sáng, ngược dòng thị trường chính là nhóm cổ phiếu dầu khí đang tăng khá mạnh, được cho rằng nhờ diễn biến giá dầu quốc tế tăng vọt, lên cao nhất hơn một năm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (OPEC+) thống nhất giữ nguyên mức sản lượng như hiện tại.
Bên cạnh PVC tăng trần, các mã khác như BSR tăng 7,4% lên 15.900 đồng/CP, OIL tăng 12,8% lên 15.000 đồng/CP, PVB tăng 4,5% lên 20.900 đồng/CP, PVD tăng 2,9% lên 24.900 đồng/CP, PVT tăng 2,3% lên 18.3000 đồng/CP…
Tuy nhiên, giao dịch khởi sắc ở nhóm cổ phiếu dầu khí không đủ mạnh để giúp thị trường hồi phục trước gánh nặng từ nhiều mã lớn khác.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 217 mã tăng và 225 mã giảm, VN-Index giảm 2,57 điểm (-0,22%), xuống 1.165,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 521,55 triệu đơn vị, giá trị 12.934,96 tỷ đồng, giảm 7,38% về khối lượng và 5,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,64 triệu đơn vị, giá trị hơn 506 tỷ đồng.
Dòng bank giao dịch phân hóa với các mã MBB, TCB, VPB nhích nhẹ trên dưới 0,5%, STB tăng 1,6% lên 18.650 đồng/CP, trong khi VCB giảm 1,4% xuống mức 95.900 đồng/CP, TPB và HDB cùng giảm hơn 1%, BID và CTG giảm trên 0,5%.
Thêm vào đó, các mã lớn như VHM, VNM, BVH, VRE cũng có mức giảm hơn 1,5%, gia tăng lực cản khiến thị trường suy giảm.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu dầu khí chính là điểm nhấn của thị trường. Trong khi OIL để mất sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh với biên độ 12% lên 14.900 đồng/CP, thì PVC và PVG vẫn duy trì đà tăng trần.
Ngoài ra, các mã tăng mạnh trong ngành có BSR tăng 7,4% lên 15.900 đồng/CP, POS tăng 6,8% lên 18.800 đồng/CP, PVB tăng 3% lên 20.600 đồng/CP, GAS tăng 2,97% lên 93.600 đồng/CP, PVD tăng 3,1% lên 24.950 đồng/CP, PVS tăng 2% lên 25.100 đồng/CP, PVT tăng 2,5% lên 18.350 đồng/CP.
Thành viên mới của nhóm VN30 là POW đã có phiên giao dịch bùng nổ. Trong khi thị trường vẫn cắm đầu đi xuống khi mở cửa thì POW đã đảo chiều hồi phục sau 3 phiên điều chỉnh nhẹ. Bất chấp áp lực xả của nhà đầu tư nước ngoài khi bán ròng tới hơn 15,4 triệu đơn vị, cầu nội gia tăng mạnh đã giúp POW nhanh chóng được kéo lên mức giá trần.
Tạm chốt phiên sáng nay, POW tăng 6,7% lên mức giá trần 13.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 36,88 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,33 triệu đơn vị.
Một trong những thông tin đáng chú ý với POW chính là kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ hơn 19,93 triệu cổ phần tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, mã chứng khoán: PVM - UPCoM). Hiện cổ phiếu PVM đang giao dịch khá tích cực không chỉ về giá và thanh khoản.
Chỉ tính trong 5 phiên giao dịch của tuần này, cổ phiếu PVM đã tăng hơn 24% lên mức giá 25.700 đồng/CP khi tạm chốt phiên sáng nay 5/3. Trong đó, phiên sáng 5/3 là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này.
PVPower (POW) thông qua kế hoạch thoái toàn bộ hơn 19,9 triệu cổ phiếu PV Machino (PVM)
Trên sàn HNX, sau màn lao dốc khá mạnh đầu phiên, thị trường cũng đã đảo chiều hồi phục. Dù có chút rung lắc trong nửa cuối phiên sáng nhưng lực đỡ từ một số mã lớn đã giúp HNX-Index tạm dừng trong sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,13%), lên 256,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,76 triệu đơn vị, giá trị 1.423,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 39,42 tỷ đồng.
Bên cạnh các cổ phiếu dầu khí như PVS, PVB tăng tốt, các mã lớn khác cũng duy trì sự khởi sắc, tiếp sức giúp thị trường hồi phục như NTP, THD, CEO, VNR… Ngoài ra, các mã như BAB, SHB, DTK cũng đã lấy lại được mốc tham chiếu.
Về thanh khoản, cặp đôi PVS và SHB dẫn đầu trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 14,43 triệu đơn vị và 12,16 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên giao dịch không mấy tích cực, chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều hồi phục.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,26%), lên 78,16 điểm với 161 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 72,17 triệu đơn vị, giá trị 773,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 7,09 tỷ đồng.
Không chỉ tăng mạnh về giá, các cổ phiếu dầu khí trên UPCoM cũng là tâm điểm giao dịch của thị trường với BSR vẫn dẫn đầu khi khớp 15,43 triệu đơn vị; tiếp theo là PVX khớp 12,88 triệu đơn vị và OIL khớp 3,73 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó phải kể đến đà tăng của một số mã lớn khác như VEA tăng 7,1% lên 48.300 đồng/CP, VGI tăng 1,2% lên 43.300 đồng/CP, VEF tăng 1,7% lên 103.500 đồng/CP, PGV tăng 1,7% lên 17.900 đồng/CP…