Thông tin này ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần khi cả 2 sàn giảm mạnh với lực bán gia tăng trên diện rộng. Chỉ nhờ sự hỗ trợ của một vài mã vốn hóa lớn, đà giảm của VN-Index mới được chặn lại.
Tuy nhiên, dù sụt giảm do ảnh hưởng bởi quy định kiểm soát tải trọng xe, nhưng chỉ số PMI của Việt Nam vẫn đứng trên mức 50 trong tháng thứ 9 liên tiếp cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tốt.
Vì vậy, sau phiên giảm mạnh đầu tuần, chứng khoán Việt Nam đã trở lại trạng thái cân bằng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Lực mua không còn quá thận trọng, trong khi bên bán thiết cung giá thấp giúp thị trường có sắc xanh ngay khi bước vào phiên sáng nay.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,54 điểm (+0,10%), lên 557,34 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 41 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của VN-Index được nới rộng hơn với sắc xanh lan tỏa dần trên bảng điện tử với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, trái ngược với các phiên giao dịch trước đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn lại trở thành vật cản, ngáng bước chân của VN-Index.
MSN, GAS, VIC, VNM giảm giá khiến VN-Index đảo chiều đi xuống khi chạm mốc 558 điểm. Sau 15 phút nỗ lực và sau 45 phút giao dịch, VN-Index đã chính thức mất mốc tham chiếu, lao xuống mốc hỗ trợ giúp chỉ số này bật lại trong phiên đầu tuần là 555 điểm.
Một lần nữa mốc 555 điểm lại đóng vai trò là mốc hỗ trợ mạnh và VN-Index đã nảy trở lại khi chạm mốc này.
Các mã cổ phiếu lớn cũng dần lấy lại phong độ, có lúc đã chớm xanh, trong khi đó MSN, VCB, VIC đã lên mốc tham chiếu.
Sau những phút rung lắc, VN-Index lại lấy lại đà tăng như đầu phiên và thử sức lẫn nữa với mốc 558 điểm. Sắc xanh trở lại chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,95 điểm (+0,53%), lên 559,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,57 triệu đơn vị, giá trị 580 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 4,82 triệu đơn vị, giá trị 107,78 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,28 điểm (+0,37%), lên 613,27 điểm. HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,54%), lên 75,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 22,1 triệu đơn vị, giá trị 208,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 1,4 triệu đơn vị, giá trị 13,7 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,51 điểm (+1,02%), lên 150,15 điểm.
Các mã bất động sản vốn giảm mạnh trong phiên đầu tuần đã lấy lại đà tăng như IJC, FLC, ITA, HQC, SJS… Trong đó, FLC tăng nhẹ 100 đồng, lên 10.700 đồng với 5,72 triệu đơn vị được khớp. ITA, HQC, IJC đều được khớp trên 1 triệu đơn vị với mức tăng 200-300 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, VHG cũng lấy lại đà tăng nhẹ 100 đồng với lượng khớp hơn 1,16 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay lại đến từ ngoài bảng khớp lệnh với giao dịch thỏa thuận 3,7 triệu cổ phiếu KDH, giá trị 61 tỷ đồng, trong đó, bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, trong khi bên bán chưa được xác định.
Trong số các mã cổ phiếu lớn, sau những phút đầu "hù dọa" thị trường, các mã này đã bật tăng trở lại, trở thành điểm tựa vững chắc cho thị trường. MSN tăng nhẹ 1 bước giá khi đóng cửa, VNM, VIC, VCB đều nằm ở tham chiếu, trong khi GAS thậm chí tăng 1.500 đồng (+1,55%), lên 98.000 đồng.
STB đã được khối ngoại mua ròng mạnh trở lại sau phiên tạm nghỉ đầu tuần. Kết thúc phiên sáng, STB tăng 300 đồng (+1,51%), lên 20.200 đồng với 808.580 đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào 322.990 đơn vị, chiếm gần 40%.
Ngoài STB, các mã như GAS, MSN, VCB, VIC, DPM, BVH... lực mua của khối ngoại cũng là chủ yếu.
Đặc biệt, cổ phiếu LCG được kéo lên mức giá trần 6.800 đồng với lượng khớp hơn 3,15 triệu đơn vị.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index vốn phản ánh chính xác xu hướng thị trường hơn đã có sắc xanh ngay từ đầu phiên và duy trì đà tăng tốt.
KLF là mã gây bất ngờ nhất HNX trong sáng nay khi được khớp lớn nhất trên sàn. Về mức giá, có lúc mã này được kéo lên mức trần 11.500 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 11.200 đồng, tăng 700 đồng (+6,67%) với 4,5 triệu đơn vị được khớp. Biên động dao động của KLF trong sáng này gần 17%.