Sau chuỗi phiên lao dốc không phanh, có lúc VN-Index xuống sâu dưới ngưỡng 900 điểm với hàng trăm mã dư bán sàn trong nhiều phiên liên tiếp, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh trong phiên 16/11, giúp thị trường hồi phục. Nhiều mã đã “quay xe” hồi phục trên dưới 50% so với mức đáy. VN-Index cũng đã đứng vững trong các bài test lực cung trong các phiên bắt đáy để nhanh chóng vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, sau đó là các mốc cao hơn.
Trong khi thị trường hồi mạnh với nhiều mã đã hồi phục được khoảng 30-40% từ đáy, thì 3 mã bất động sản là NVL, PDR và HPX lại vẫn chứng kiến cảnh dư bán sàn trên dưới 100 triệu đơn vị nhiều phiên liên tiếp sau đó.
Tuy nhiên, tới phiên 22/11, “chiến dịch giải cứu” 3 mã này bắt đầu với cái tên được ưu tiên lựa chọn đầu tiên là NVL. Lực cầu ồ ạt chảy vào giúp hấp thụ hết gần 90 triệu cổ phiếu dư bán sàn của NVL, nhưng trước lực bán giải chấp mạnh, cổ phiếu này vẫn chưa thể thoát mức sàn 4 phiên liên tiếp sau đó. Sau chuỗi ngày giải cứu nhiệt tình, lực cung giá thấp của NVL đã được hấp thụ hết trong phiên đầu tuần này (28/11), giúp mã này chặn đà rơi, đóng cửa ở tham chiếu, rồi sau đó bật sắc tím trong phiên hôm qua và tiếp tục duy trì đà tăng trần sáng nay.
Sau NVL, tới lượt PDR dù tín hiệu giải cứu cũng đã xuất hiện trong phiên 22/11, nhưng trước lực cung vẫn duy trì ở NVL, nên sau khi NVL được an toàn, PDR mới chính thức được cứu từ phiên 28/11. Lực cầu lớn giúp hấp thụ hơn 41 triệu cổ phiếu giá sàn của PDR trong phiên đầu tuần và phần còn lại được giải quyết nốt trong phiên hôm qua, sau đó bên mua thừa thắng xông lên, đẩy PDR lên mức kịch trần 12.800 đồng cùng với NVL.
Sau khi 2 sĩ quan NVL và PDR được giải cứu an toàn, sáng nay tới lượt “binh nhì” HPX.
Mở cửa phiên sáng nay, diễn biến thị trường chung khá cân bằng khi lực cung chốt lời diễn ra ở nhiều mã hồi phục mạnh trong những phiên gần đây, nhưng bên mua vẫn tích cực giải ngân, giúp các mã điều chỉnh không sâu, giúp VN-Index giằng co nhẹ. Tuy nhiên, mọi chú ý đổ dồn về 3 mã bất động sản nêu trên.
Trong khi PDR gây chú ý với lượng dư mua trần tiếp tục ở mức khủng, gần 40 triệu đơn vị, thì NVL lại có giao dịch sôi động khi nhà đầu tư tham gia bắt đáy từ tuần trước hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn, khiến mã này có lúc rung lắc không giữ được sắc tím. Tuy nhiên, lực cầu vẫn rất mạnh, đã nhanh chóng hấp thụ hết lượng dư bán, kéo NVL trở lại mức trần 23.350 đồng, và như để át đi ý định ra hàng tiếp của bên đang nắm hàng, bên mua tung vào lệnh mua trần lớn, giúp NVL trở lại trạng thái dư mua trần. “Liệu pháp” này của bên mua dường như phát huy tác dụng, khi bên bán không còn ra hàng, khiến giao dịch chững lại, trong khi lệnh dư mua trần tăng dần lên. Chốt phiên sáng, NVL khớp hơn 11,2 triệu đơn vị và còn dư mua 6,76 triệu đơn vị.
Trong khi đó, giao dịch tại HPX mới thật sự hấp dẫn, ngay khi mở cửa phiên sáng nay, những toán tiên phong đã tiếp cận, tỉa dần trong hơn 100 triệu cổ phiếu dư bán sàn (7.920 đồng) tại HPX. Sau khoảng 20 phút đầu đội quân trinh sát hành động, đã xác định được mục tiêu, đại quân ồ ạt nhảy vào, hấp thụ hoàn toàn hơn 100 triệu cổ phiếu dư bán sàn, cũng như lượng dư bán ở các mức giá khác, kéo HPX tăng vọt lên mức trần 9.100 đồng với hơn 146,5 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HOSE. Dù vậy, lực bán cũng khá lớn, nên chốt phiên HPX không còn dư mua trần, mà còn dư bán trần gần 1,75 triệu đơn vị.
Trở lại diễn biến chung của thị trường, sau 90 phút giằng co nhẹ quanh tham chiếu, từ 10h30, lực cầu lấy lại vị thế, kéo nhiều mã tăng trở lại và VN-Index theo đó cũng được đẩy lên qua mốc 1.040 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn lớn khiến VN-Index hạ nhiệt dần vào cuối phiên, đóng cửa chỉ còn mức tăng nhẹ.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,53 điểm (+0,34%), lên 1.035,69 điểm với 228 mã tăng (18 mã trần) và 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 578,5 triệu đơn vị, giá trị 7.854,8 tỷ đồng, giảm 20,8% về khối lượng và 24,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,6 triệu đơn vị, giá trị 731,6 tỷ đồng.
Ngoài 3 mã bất động sản kể trên, thị trường hôm nay cũng chứng kiến sự khởi sắc một số mã bất động sản khác là DXG khi tiếp tục tăng trần lên 12.800 đồng, khớp 11,19 triệu đơn vị, dư mua trần 1,8 triệu đơn vị. Đây là phiên hồi phục thứ 5 liên tiếp của DXG và là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. So với mức đáy 7.940 đồng xác lập trong phiên 16/11, DXG đã hồi phục được hơn 61%.
Tiếp theo là ITA với mức trần 3.850 đồng, khớp 4,54 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 2,15 triệu đơn vị; KDH cũng leo trần lên 27.400 đồng, NVT dù không lên được mức trần, nhưng cũng có phiên tăng mạnh 6,7% lên 9.200 đồng, nhưng thanh khoản lèo tèo.
DIG dù có thời điểm rung lắc do áp lực chốt lời, nhưng cuối cùng vẫn giữ được đà tăng 1,4% khi chốt phiên, lên 15.000 đồng, khớp 14,43 triệu đơn vị, đứng thứ 3 toàn sàn.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng dù đầu phiên có nhiều mã giảm do lực cung chốt lời, nhưng dòng tiền hoạt động tốt đã kéo nhiều mã đảo chiều tăng trở lại, chỉ còn 7 mã giảm, trong đó STB giảm mạnh nhất 2% xuống 19.350 đồng, tiếp đến là TPB giảm 1,9% xuống 21.100 đồng, còn lại đều dưới 1%.
Ở chiều tăng, EIB có lúc đã lên mức kịch trần 22.250 đồng, nhưng hạ nhiệt vào cuối phiên, chỉ còn đóng cửa ở mức 21.800 đồng, tăng 4,8%, nhường vị trí tăng mạnh nhất nhóm cho VIB khi tăng 6,3% lên 20.150 đồng. Các mã tăng tốt khác có VPB tăng 2,5% lên 16.550 đồng và BID tăng 2,2% lên 41.900 đồng. Các mã khác chỉ tăng trên dưới 0,5%. Thanh khoản tốt nhất nhóm này là STB với 11,78 triệu đơn vị. Hai mã VPB và SHB cũng có thanh khoản tốt hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán sau chuỗi phiên nở rộ sắc tím, sáng nay đã chịu áp lực chốt lời nên đa số quay đầu điều chỉnh, dù mức giảm không quá lớn. Chỉ còn 5 mã giữ được đà tăng, trong đó chỉ duy nhất APG giữ được mức trần 4.880 đồng. Các mã tăng khác có TVB tăng 4,6% lên 4.760 đồng, CTS tăng 3,9% lên 10.700 đồng, VDS tăng 2,2% lên 8.200 đồng và VND tăng 0,8% lên 12.900 đồng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất với 14,4 triệu đơn vị.
Trong nhóm thép, dù cũng chịu áp lực chốt lời và rung lắc trong phiên, nhưng HPG vẫn đóng cửa với sắc xanh nhạt ở mức 17.450 đồng, khớp 24,14 triệu đơn vị, trong khi chỉ có HSG và SMC điều chỉnh nhẹ.
Trên HNX, dù phần lớn thời gian dao động trong sắc xanh, nhưng chốt phiên HNX lại không giữ được đà tăng, đóng cửa giảm nhẹ.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,88 điểm (0,42%), xuống 207,35 điểm với 101 mã tăng (24 mã trần) và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42 triệu đơn vị, giá trị 535,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4 triệu đơn vị, giá trị 68,7 tỷ đồng.
Trên sàn này, trong top các mã có thanh khoản tốt nhất, chỉ duy nhất SHS giảm điểm khi mất 2,3% xuống 8.600 đồng, khớp 9,34 triệu đơn vị, còn lại đều tăng. Trong đó, CEO tăng 4,2% lên 17.300 đồng, khớp 4,97 triệu đơn vị. PVS tăng 0,9% lên 21.300 đồng, khớp 2,86 triệu đơn vị. IDC tăng 2% lên 35.700 đồng, khớp 2,79 triệu đơn vị…
Trong khi đó, UPCoM có diễn biến khá giống HOSE khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, sau đó bốc đầu đi lên, nhưng hạ nhiệt vào những phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,28%), lên 70,57 điểm với 159 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,9 triệu đơn vị, giá trị 254,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên thị trường này sáng nay chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất DDV giảm giá 1,1% xuống 9.400 đồng, khớp 1,22 triệu đơn vị, còn lại đều tăng.
Mã thanh khoản tốt nhất là BSR tăng 1,4% lên 14.500 đồng, khớp 3,27 triệu đơn vị. VHG tăng 4,2% lên 2.500 đồng, khớp 3 triệu đơn vị. SBS tăng 3,6% lên 5.800 đồng, khớp 1,39 triệu đơn vị.