Trong phiên hôm qua, dù duy trì sắc xanh trong gần như phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến VN-Index quay đầu giảm nhẹ giống như phiên giao dịch đầu tuần.
Điểm nhấn của thị trường vẫn đến từ nhóm cổ phiếu họa FLC. Tuy không bùng nổ về giá như phiên đầu tuần, nhưng nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là FLC và ROS vẫn là những “cái rốn” hút dòng tiền của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường trong nước đón các thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô. Theo đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 9,5% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn so với mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng đây là mức tăng khá.
Ngoài ra, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và nhiều khả năng, mức lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát dưới mục tiêu mà Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, dự kiến 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều vượt và hoàn thành. Đây là năm thứ 2 liên tiếp thành tích này được lặp lại.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thời gian gần đây dường như không quan tâm nhiều tới các thông tin kinh tế vĩ mô, cũng như các thông tin khác cả trong và ngoài nước. Dù thông tin tốt, hay xấu, thị trường vẫn cứ lình xình với thanh khoản thấp và ngưỡng cản tâm lý lịch sử 1.000 điểm nhiều lần tưởng như dễ dàng vượt qua, nhưng không thể.
Diễn biến phiên giao dịch sáng nay cũng không phải ngoại lệ. Trầm lắng, thận trọng và phân hóa là diễn biến chính của thị trường. VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong những phút đầu phiên, sau đó với sự hỗ trợ của một số mã lớn như VIC, VCB, VHM, VRE, VJC đã tăng trở lại và có lúc đã chạm ngưỡng cản tâm lý lịch sử 1.000 điểm. Tuy nhiên, bước đi vẫn còn rất rón rén và cuối cùng không thể giữ nổi ngưỡng điểm này khi động lực chính của thị trường là dòng tiền chưa nhập cuộc mạnh mẽ.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,68 điểm (+0,37%), lên 999,55 điểm với 129 mã tăng và 155 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,6 triệu đơn vị, giá trị 1.719,8 tỷ đồng, giảm 32,5% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 146 tỷ đồng.
Khối lượng phiên sáng nay giảm mạnh so với sáng qua, trong khi giá trị giảm nhẹ là do hôm nay FLC không giao dịch sôi động như sáng qua, dù đây vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn. Cụ thể, sáng nay, FLC khớp 12,67 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,99% lên 5.160 đồng (phiên sáng qua FLC khớp 21,8 triệu đơn vị). Trong khi đó, ROS khớp 12,5 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần sáng qua, nhưng đóng cửa giảm 1,76% xuống 25.150 đồng.
Ngoài cặp đôi FLC và ROS, một mã thị trường khác là SCR cũng bất ngờ có giao dịch sôi động sáng nay với tổng khớp 3,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,65% lên 6.180 đồng.
Như đã đề cập, đà tăng của VN-Index sáng nay nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn. Trong đó, VIC tăng 1,36% lên 119.400 đồng với hơn 300.000 đơn vị được khớp. VCB tăng 1,04% lên 87.300 đồng với hơn 210.000 đơn vị. VHM tăng 0,46% lên 88.000 đồng với hơn 245.000 đơn vị. VRE tăng 1,53% lên 33.100 đồng với 1,87 triệu đơn vị. PLX tăng 1,89% lên 59.400 đồng với hơn 292.000 đơn vị.
Ngoài ra, còn phải kể đến GAS, SAB, CTG, VJC, MBB, BVH, POW, HDB…, trong khi các mã VNM, BID, MSN, TCB, HPG, MWG, NVL, VPB, HVN, FPT… tạo lực cản, khiến VN-Index không thể giữ được mốc 1.000 điểm khi chốt phiên.
Trên HNX, ACB là điểm sáng đáng nhắc tới khi đang có đà tăng tốt với thanh khoản sôi động hơn thường nhật, hỗ trợ cho HNX-Index lấy lại đà tăng tốt sau khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Chốt phiên, ACB tăng 2,11% lên 24.200 đồng với 5,5 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HNX về thanh khoản.
Nhờ sự hỗ trợ của ACB, nên HNX-Index đóng cửa tăng mạnh 1,08 điểm (+1,03%), lên 105,76 điểm dù chỉ có 46 mã tăng, trong khi có 55 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,6 triệu đơn vị, giá trị 1.759 tỷ đồng, tăng vọt so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, chủ yếu là đóng góp của phiên thỏa thuận với 66,7 triệu đơn vị, giá trị 1.509,5 tỷ đồng, trong đó ACB cũng là “diễn viên chính” với 60,77 triệu đơn vị, giá trị 1.446 tỷ đồng được sang tay.
Ngoài ACB, cũng có nhiều mã lớn khác tăng giá sáng nay như VCS tăng 0,47% lên 85.600 đồng, PVS tăng 1,08% lên 18.700 đồng, SHB tăng 1,52% lên 6.700 đồng, NVB tăng 1,12% lên 9.000 đồng. Trong đó, PVS là mã có thanh khoản tốt với 1,9 triệu đơn vị, các mã khác chỉ dưới 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, chỉ có thêm KLF là mã khớp trên 1 triệu đơn vị nữa trên sàn HNX, nhưng đóng cửa ở tham chiếu 1.400 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu MBG sau bài viết phản ánh về nghi vấn bị thổi giá được Báo Đầu tư Chứng khoán đăng tải sáng nay, đã quay đầu điều chỉnh sau khi có mức tăng tốt đầu phiên. Đóng cửa, MBG giảm nhẹ 1 bước giá xuống 43.900 đồng với hơn 178.000 đơn vị được khớp. Có lúc đã giảm xuống 42.000 đồng
Trái ngược với 2 sàn niêm yết, thị trường UPCoM chỉ chớm sắc xanh trong những phút đầu phiên trước khi chìm trong sắc đỏ suốt thời gian còn lại. Thậm chí, đà giảm còn bị đẩy xuống sâu trước khi kịp thoát mức đáy của phiên trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,26%), xuống 56,21 điểm với 51 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,3 triệu đơn vị, giá trị 81 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần nửa triệu đơn vị, giá trị 15,5 tỷ đồng.
Trên thị trường này không có mã nào có thanh khoản tới nửa triệu đơn vị, chỉ có 3 mã khớp trên 300.000 đơn vị, trong đó có 4 mã đóng cửa trong sắc đỏ là VIB, GVR, BSR, PXL, chỉ có SBS đứng giá tham chiếu 1.200 đồng.