Việc thị trường xác lập chuỗi 3 phiên tăng điểm vừa qua cho thấy quá trình phục hồi đang diễn ra tích cực, cùng với dòng tiền tham gia thị trường duy trì ở mức cao. Hầu hết các CTCK đều nhận định, thị trường sẽ tiếp tục với những phiên rung lắc bởi áp lực chốt lời sẽ ngày càng gia tăng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực bán tăng mạnh khiến cả hai sàn cùng mở cửa trong sắc đỏ, tuy nhiên, lực cầu cũng đã phần nào hỗ trợ giúp đà giảm chỉ ở mức nhẹ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index xác định giá mở cửa giảm 1,04 điểm (-0,19%) xuống 556,3 điểm với tổng giá trị giao dịch 75,21 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu bluechip giúp các mã này hồi xanh và tăng mạnh là lực đỡ giúp VN-Index vượt qua mốc tham chiếu và tăng điểm khá nhanh.
Mặc dù với lực đỡ từ nhóm VN30 đã giúp VN-Index tăng mạnh vượt khá xa mốc 560 điểm, tuy nhiên gần về cuối phiên sáng, đà tăng bị hãm lại và một lần nữa VN-Index chinh phục không thành ngưỡng 560 điểm.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 2,55 điểm (+0,46%) lên 559,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 57,14 triệu đơn vị, trị giá 904,9 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,83 điểm (+0,79%) đứng ở mức 619,71 điểm. HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 77,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch gần 31,7 triệu đơn vị, trị giá 308,61 tỷ đồng. HNX30-Index tăng ,032 điểm (+0,21%) lên 156,53 điểm.
Trong khi các trụ cột chính như GAS, MSN, GMD… vẫn duy trì sắc xanh và hỗ trợ đắc lực cho đà tăng của VN-Index thì VNM quay về mốc tham chiếu cùng với PVD và HAG. Đồng thời, dòng tiền cũng tập trung chảy khá mạnh vào các cổ phiếu này với SSI và STB cùng có khối lượng khớp trên 2 triệu đơn vị, còn các mã MBB, ITA, HAG, CII cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tiếp tục duy trì dòng chảy, trong đó, STB được mua vào hơn 940.000 đơn vị (chiếm 33,9% tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu), PPC được mua hơn 300.000 đơn vị (chiếm gần 70%) hay GMD được mua hơn 210.000 đơn vị (chiếm 22,85%)…
Với công bố kết quả kinh doanh quý II/2014, FLC ước đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, gấp hơn 2 lần quý I/2014 và lũy kế 6 tháng đạt khoảng 144 tỷ đồng, cùng với việc đẩy nhanh toàn diện các dự án, lãnh đạo Công ty tin tưởng kế hoạch lợi nhuận cả năm 350 tỷ đồng sẽ hoàn toàn khả thi. FLC không còn lình xình trên mốc tham chiếu nữa mà tăng khá cao, tuy nhiên, lực bán ra chốt lời cũng tỏ ra không thua kém khiến FLC không thể kéo chạm trần. Đóng cửa, FLC gần chạm trần với mức tăng 4,27% lên 11.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu sàn HOSE với 10,74 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, đáng chú ý trong phiên sáng nay là VHG khi mã này được kéo ngay từ đầu phiên, lên 8.700 đồng và hiện còn dư mua giá trần hơn 1,8 triệu đơn vị. Lý do chính giúp VHG khởi sắc có thể là thông tin Công ty phát hành 37,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn lên gấp đôi. Như vậy, để đảm bảo đợt phát hành này thành công, giá cổ phiếu VHG phải được đẩy lên trên 10.000 đồng, thậm chí là vượt qua mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PVX vẫn duy trì mức tăng nhẹ trên mốc tham chiếu 1 đơn vị với khối lượng khớp lệnh chỉ hơn 4,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản của sàn.
Trong khi SHS, KLS vẫn duy trì sắc đỏ, SHB tiếp tục đứng giá tham chiếu thì SCR đã nhích nhẹ trên mốc tham chiếu 1 bước giá. Các cổ phiếu này cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, SHN sau phiên ngắt ngoãng ngày 28/5, cổ phiếu này đã tiếp tục cuộc đua tăng điểm. Dù mở cửa giảm điểm nhưng SHN đã nhanh chóng có được sắc tím và duy trì đến hết phiên giao dịch sáng. Đóng cửa, SHN tăng 8,5% lên 5.100 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị. Như vậy, sau hơn 10 phiên giao dịch, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo SHN đã được đẩy từ mức giá 2x lên 5x.