Thông tin NHNN điều chỉnh hạ lãi suất chiều qua đã có tác động tích cực lên TTCK. Sức lan tỏa từ thông tin này đang được kéo dài sang phiên giao dịch sáng nay với đà tăng mạnh trên cả 2 sàn. OGC sau mấy phiên bị bán tháo đã hồi phục trở lại, VN-Index đang trên đường chinh phục 590 điểm và xa hơn là mốc 600 điểm.
Yếu tố để niềm tin của NĐT trở lại thay vì tâm lý thận trọng như một vài phiên trước, đó là, thứ nhất việc giảm lãi suất sẽ giúp chi phí vốn của các DN giảm, tạo hiệu quả kinh doanh tốt hơn; thứ hai, việc giảm lãi suất cũng góp phần dịch chuyển một lượng tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh đầu tư, trong đó, chứng khoán được xem như kênh đầu tư hấp dẫn và có thể mang lại lợi nhuận tốt cho các NĐT trong giai đoạn hiện tại.
Kết thúc đợt 1, chỉ số Vn-Index tăng 2,55 điểm (+0,44%) lên 585,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,65 triệu đơn vị, tương đương giá trị 45,64 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng liên tục được nới rộng. Chỉ trong chưa đầy 30 phút giao dịch, VN-Index đã tăng gần 6 điểm, thẳng tiến lên mốc 600 điểm. Màu xanh chiếm chủ đạo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn vẫn ở mức trung bình, chưa có sự gia tăng đột biến.
Các mã cổ phiếu của hầu hết các nhóm đều tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VIC tăng 400 đồng; VNM tăng 2.000 đồng; GAS tăng 2.000 đồng; BVH tăng 500 đồng…
Nhóm bất động sản: FLC, ITA tăng 200 đồng; KBC tăng 100 đồng; HAG tăng 400 đồng…
Nhóm chứng khoán: SSI, HCM tăng 500 đồng;
Với nhóm ngân hàng, có lẽ thông tin hạ lãi suất không có tác động tích cực đến nhóm nay, khi kỳ vọng lợi nhuận có thể bị giảm, vì thế nhóm cổ phiếu này giao dịch khá cầm chừng trong khi các nhóm khác đang hào hứng với xu thế tăng chung của thị trường. Cụ thể, VCB vẫn lình xình quanh tham chiếu, trong khi STB giảm 200 đồng; MBB giảm 700 đồng.
Đáng chú ý là cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương đã lấy lại đà tăng sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp, ảnh hưởng từ thông tin cựu Chủ tịch HĐQT bị bắt. Hôm qua, Tập đoàn này đã chính thức có thông tin xác nhận khoản lãi 450 tỷ đồng, tương ứng với cổ phần sở hữu 90% của Ocean Retail khi chuyển nhượng lại cho VIC. Thông tin này đã giúp NĐT bình tâm hơn, không còn chịu áp lực bán tháo.
VHG cũng trở lại với đà tăng 500 đồng sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp trước đó, và là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn tính đến thời điểm này, khớp được gần 2,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến tích cực ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Đến 9h50, chỉ số sàn này tăng 0,7 điểm (+0,82%) lên 85,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị 112,78 tỷ đồng.
Ngoài ACB giảm 100 đồng, ảnh hưởng chung từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trước thông tin lãi suất giảm, các nhóm cổ phiếu khác đều ghi nhận đà tăng.
VND tăng 200 đồng; KLS tăng 300 đồng; SHB, SCR tăng 100 đồng; PVS tăng 500 đồng…
Giao dịch không mấy sôi động trong nửa cuối của phiên sáng. Các mã cổ phiếu đều duy trì đà tăng tốt, nhưng một lượng lớn tiền của nhà đầu tư dường như vẫn đang đứng ngoài quan sát, khiến thanh khoản thị trường vì thế chỉ nhích dần một cách chậm chạp.
Điểm ấn tượng duy nhất chính là cú lội ngược dòng ngoạn mục từ OGC. Không chỉ lấy lại đà tăng, mã này leo một mạch từ mức sàn phiên hôm qua lên trần trước khi đóng cửa phiên sáng này với hơn 3,4 triệu cổ phiếu được khớp. Hiện còn dư bán trần gần 560.000 đơn vị, trong khi bên mua cũng hào hứng đặt các bước lệnh giá cao trên tham chiếu.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index chính thức chinh phục mốc 590,54 điểm khi tăng 7,41 điểm (+1,27%). Khối lượng giao dịch đạt 47,17 triệu đơn vị, tương đương giá trị 824,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,13 triệu đơn vị, trị giá 32,79 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, duy chỉ có MBB giảm điểm, với mức giảm 700 đồng; 28 mã tăng và 1 mã đứng giá giúp chỉ số này tăng 7,47 điểm lên 626,46 điểm.
Về thanh khoản, toàn sàn chỉ có 8 mã đạt khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, VHG dẫn đầu với 4,5 triệu đơn vị. Tiếp đến là OGC với 3,74 triệu; FLC và SSI cùng đạt 3,4 triệu; cặp bài trùng ITA và KBC đạt hơn 2 triệu; HAG và DLG đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Về điểm số, niềm tin trở lại là động lực giúp thị trường bật tăng mạnh. Xu thế chung của thị trường có ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, bên cạnh sự tác động chung này, những thông tin tốt xuất phát từ chính doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cổ phiếu đó bứt mạnh hơn.
Chẳng hạn, VHC vừa có thông báo sẽ chia cổ tức năm 2014 tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Nguồn chia cổ lức lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2014 (đạt xấp xỉ 697,3 tỷ đồng). Theo đó, VHC sẽ phát hành tối đa 30,8 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để chia cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành là 50%, cổ đông sở hữu 2 cổ phần sẽ nhận 1 cổ phiếu mới. Thông tin phát đi, cổ phiếu VHC tăng trần ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp, đạt hơn 70.000 đơn vị, khi bên nắm giữ cổ phiếu không “buông hàng”.
Trên sàn HNX, kết thúc phiên sáng, chỉ số HNX-Index tăng 1,07 điểm (+1,26%) lên 86,35 điểm, Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 22 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 332,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,61 tỷ đồng.
Trong số những cổ phiếu dẫn dắt như ACB và PVX cùng lấy lại đà tăng nhẹ 100 đồng, số mã còn lại hầu hết duy trì mức tăng từ đầu phiên.
Tuy nhiên, về thanh khoản, cũng giống HOSE, cả sàn chỉ có 3 mã đạt khối lượng trên 1 triệu đơn vị là FIT (2,82 triệu); PVX (1,7 triệu) và KLF (1,36 triệu).
Như vậy, tính chung toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.157 tỷ đồng. Chỉ số tăng tốt, trong khi thanh khoản nhỏ giọt, nhiều người bắt đầu nghi ngờ có thể thị trường đang xẩy ra tình trạng "hưng phấn quá đà".
Mã xấu tốt đều lên đều khả năng phản ánh một cú hồi kỹ thuật, hoặc sự hưng phấn nhất thời, chứ không phải là báo hiệu của chu kỳ tăng giá bền vững.
Theo nhận định của CTCK IVS, nếu thông tin hạ lãi suất là một sự hào hứng thì không thực sự lý tưởng bằng việc thị trường mở cửa dè dặt và thận trọng. Bởi tăng mạnh sẽ sớm đẩy nhà đầu tư vào chốt lời và tạo sức ép cho thị trường, nhưng thận trọng sẽ khiến cho cả hai bên dè dặt và tâm lý sẽ được cải thiện tốt hơn.