Bỏ qua những nhận định và phân tích kỹ thuật từ nhiều CTCK khi cho rằng, thị trường đang tiệm cận vùng quá mua, nên sẽ có sự điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới, chỉ số trên hai sàn vẫn trong thế tăng điểm, dễ dàng chinh phục những ngưỡng cản gần tại mốc 630 điểm đối với HOSE và 86 điểm đối với HNX.
Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục khẳng định vị thế là nhóm dẫn dắt sự tăng trưởng của thị trường. Hầu hết cổ phiếu trong nhóm đều tăng, PTL và PET thậm chí tăng đến kịch trần ngay đầu phiên với thanh khoản được cải thiện rõ rệt.
Đối với nhóm buechips vốn hóa lớn, GAS dường như đang đuối sức, giao dịch lình xình quanh tham chiếu, trong khi VIC, MSN và VNM vẫn là những điểm tựa nâng đỡ cho đà tăng của VN-Index.
Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,78 điểm (+0,28%) lên 630,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 59,5 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên lục, đà tăng tiếp tục được nới rộng, VN-Index vượt qua mốc 632 điểm. Tuy nhiên, như đã nói mốc 630 điểm không phải là ngưỡng cản có thể dễ dàng vượt qua. Ngay khi VN-Index chạm qua mốc này, lượng cung lớn đẩy vào chốt lời khiến thị trưởng nhanh chóng đảo chiều. Nhưng với dòng tiền mạnh, lực cầu giúp VN-Index lấy lại sắc xanh vốn có. Thị trường có sự co quanh tham chiếu khi các mã trụ như GAS, MSN, VNM cũng đang ở ngưỡng tiệm cận giảm.
Trên HNX, sau những phút hào hứng đầu phiên, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch chậm hơn. Nhóm cổ phiếu đầu cơ chưa có xu hướng rõ ràng, giao dịch quanh tham chiếu. Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí – dẫn dắt trong 5 phiên tăng điểm vừa qua, cũng bắt đầu hạ nhiệt, ngoài PVL tăng trần với lượng cầu lớn, thì PVC và PVS cùng quay đầu giảm, với mức giảm 200 và 300 đồng/cp, thanh khoản đạt lần lượt 360.000 và 630.000 đơn vị.
Đáng chú ý, dòng tiền trên HNX vẫn tập trung khá lớn vào PVX. Với lượng cầu giá cao liên tục được đẩy vào, giúp cổ phiếu này tăng mạnh, có những thời điểm tăng đến kịch trần. Khối lượng giao dịch đạt gần 8 triệu đơn vị chỉ trong hơn 40 phút giao dịch.
VN-Index giữ ở thế tăng khá vững và bám trụ trên mốc 630 điểm trong suốt nửa cuối phiên giao dịch sáng, sau khi giao động trước áp lực điều chỉnh ở đầu phiên. Tuy nhiên độ rộng của sàn không còn được duy trì như những phiên tăng điểm trước đó, số lượng mã tăng và giảm khá cân bằng, trong đó, số mã tăng kịch trần không nhiều.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,65 điểm (+0,26%) lên 630,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,76 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.597,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,11 triệu đơn vị, trị giá 95,21 tỷ đồng.
Không chịu ảnh hưởng từ GAS, lại được sự hỗ trợ từ những mã lớn như VIC (+1,74%); VNM (+0,9%) và nhóm cổ phiếu dầu khí (PET tăng 6,5%; PVT tăng 2,36%)… chỉ số VN30 vẫn tăng khá mạnh, 0,58% (3,88 điểm) lên 672,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chiếm gần 63% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE.
Trong số nhóm cổ phiếu đã tăng điểm từ sự lan tỏa từ nhóm dầu khí, chứng khoán là nhóm còn giữ được đà tăng tốt. HCM và SSI tăng lần lượt 1,6 và 0,7%.
Nhóm bất động sản vẫn là nhóm có sức hút lớn với dòng tiền đầu tư. FLC và ITA đều khớp được trên 10 triệu cổ phiếu, trong khi HQC cũng giao dịch gần 5 triệu đơn vị và là 3 mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE.
Trên HNX, sức nóng của nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu đầu cơ đã hạ nhiệt, khiến đà tăng của thị trường có giảm so với đầu phiên nhưng vẫn duy trì được sắc xanh trên cột chỉ số.
HNX-Index chốt phiên sáng tăng 0,22 điểm (+0,25%) lên 85,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,55 triệu đơn vị, tương đương giá trị 554,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,34 tỷ đồng.
Tâm điểm trên sàn này tập trung chủ yếu vào PVX, chỉ trong phiên sáng, mã này đã khớp hơn 18,3 triệu đơn vị. Về giá, kết thúc phiên sáng, PVX chỉ còn 1 bước giá là tăng lên kịch trần. Với lượng cầu giá cao không ngừng được đẩy vào, trong khi lượng cung cũng được nhà đầu tư rút bớt, rất có thể PVX sẽ tăng kịch trần trong phiên giao dịch chiều, như đã đạt được trong một số thời điểm của phiên sáng.
PVX cũng vừa có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, dù vẫn lỗ nhưng con số đã được giảm đáng kể so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, PVX lỗ 375 tỷ đồng, giảm 76,23% so với con số 1.578 tỷ đồng lỗ của 6 tháng 2013.
Ngoài ra, trong nhóm HNX30 còn có KLF và PVL tăng trần với trắng lệnh ở bên bán.